Trên tàu cao tốc ra đảo, một phóng viên truyền hình hỏi tôi vì sao chọn khám phá Lý Sơn. Tôi bảo thích sự hoang dã, chưa bị thương mại hóa nơi đây. Anh có vẻ hài lòng với câu trả lời. Còn một điều nữa tôi chưa nói là tôi bị mê núi lửa. Mà Lý Sơn là nơi duy nhất ở Việt Nam tập trung 5 ngọn núi lửa trên diện tích chưa đầy 10km2.
Đón bình minh trên bãi Mù Cu
Giới hạn của nhiếp ảnh
Núi lửa luôn khuấy động trong tôi những hình dung về quá trình kiến tạo địa chất huy hoàng. Ba miệng núi lửa lớn nhất Lý Sơn đều không khép kín. Từ chỗ mẻ của miệng Thới Lới tuôn ra suối Chình (đã ra đi cùng rừng nguyên sinh trên miệng núi). Du khách phi xe máy lên thẳng miệng núi Thới Lới, hóng mát bên hồ điều hòa có đập ngăn. Ven hồ thành chỗ chăn thả bò.
Từ dấu tích Hòn Tai gần đỉnh Giếng Tiền có giả thiết cho rằng đã bắn ra đảo Lý Sơn Bé. Đảo Bé không có ngọn núi lửa nào nhưng có hòn Đụn tựa đám nham thạch phụt lên do một sức đẩy quá mãnh liệt. Dung nham núi lửa góp phần quan trọng làm nên các bãi biển độc đáo ở đảo Bé, nơi các khối đá đen bỏng rẫy hòa sắc cùng cát san hô trắng mướt.
Thường thì du khách chỉ dành cho đảo Bé chừng hai giờ đồng hồ và cũng chỉ loanh quanh bãi Tám để bơi và lặn ngắm san hô. Nhưng sợ là chưa đủ vì mãi sau khi hầu hết đã bỏ về, chúng tôi mới phát hiện ra nhiều điểm độc đáo của bãi này. Chẳng hạn bồn tắm thiên nhiên phải leo lên đỉnh ghềnh đá đen mới thấy.
Đá núi lửa tạo nên những không gian hết sức riêng tư như mái lều chỉ hở một cửa ra biển như thể mời gọi các cặp đôi tình tự. Địa hình giống cổng Tò Vò phía Tây đảo Lớn cũng được tái hiện ở đây với mô hình nhỏ hơn. Cũng là dạng vòm dung nham, ở Lý Sơn Lớn mới phát hiện ra một kích thước có chiều dài tới 20m, cao 5m dưới mặt nước 6m.
Đọc bài (trừ bài viết về môi trường), xem ảnh phong cảnh Lý Sơn, đảm bảo hầu như ai cũng muốn nhao ra đảo ngay. Nhưng thực tế là ngay khi ngồi bên bờ biển hóng gió, du khách cũng ít dám hít một hơi căng phổi. Vì trong không khí vẫn thoảng mùi rác. Hậu quả của nhiều năm liền dân tình đổ rác xuống biển, để sóng mang từ bờ này tấp vào bến khác.
Thực phẩm đa chức năng
Đầu tháng Tám, một phần lớn bề mặt Lý Sơn phủ sẵn cát, chờ ươm tỏi. Lớp trên cùng bao giờ cũng là cát trắng vừa xúc dưới biển lên, bên dưới là lớp cát vàng cũ rồi mới tới đất bazan (sản phẩm của núi lửa) và phân bón. Dân Lý Sơn ăn tỏi sống như… ăn kẹo. Tôi cũng nhanh chóng hòa nhập. Vì tỏi Lý Sơn thơm, bùi, không hăng xộc như tỏi khác. Tỏi mồ côi vị đậm hơn nhưng vẫn không hăng.
Nếu cây tỏi giữ nguyên trạng một nhánh như khi được gieo xuống trong suốt 3 tháng thì khi thu hoạch nó sẽ được tuyển vào hàng mồ côi- giá bán có khi gấp 20 lần tỏi thường. Chúng tôi được khuyên mỗi ngày nên xơi một củ tỏi độc nhánh để phòng bệnh tim mạch. Tỏi mồ côi là quà trời cho, mỗi ruộng tỏi may bói được một cân. Nhưng oái oăm là thu được nhiều tỏi mồ côi đồng nghĩa với mất mùa tỏi thường.
Dù không ở nhà anh Mười, chúng tôi vẫn đến ăn tối vì chị Gặp vợ anh nấu ngon tuyệt. Chị chính là người minh oan cho món ram chả cá- đặc sản của đảo. Món này chúng tôi ăn lần đầu tại cầu cảng. Chả quá ít cùng lớp bánh đa nem bao ngoài rán nửa sống nửa chín nên ăn chỉ thấy dai và ngấy vì mỡ. Còn ram của chị Gặp nhân đã thơm ngọt lại thêm lớp nem bao giòn rụm, phải kiềm chế lắm mới không xin thêm.
Đánh vật với con cua huỳnh đế, không những không gỡ nổi mai nó ra, tôi còn bị cứa đứt tay. Chị Gặp nhặt liền mấy tép tỏi nhai nát ấn ngay vào đầu ngón tay tôi. Máu cầm tức thì. Chị kể một số công dụng của tỏi Lý Sơn trong đó có việc làm cho các gia đình thêm đông con. Nhưng đó là trước đây. Bây giờ đẻ thường một lần cũng tốn cả chục triệu (bao gồm tiền thuê tàu vào bờ), nên còn phải xét.
Về cua huỳnh đế bé xíu mà giá bằng mấy bữa ăn cộng lại có thể nói là thịt ít, khó nhằn hơn cua biển. Mà tôi e rằng con này cũng chả phải cua, hình dạng tựa như con bọ chét phóng to. Nhum (cầu gai) Lý Sơn to gấp nhiều lần các nơi khác, sau khi bỏ hết gai trông như cái sọ dừa.
Cánh đồng chuẩn bị trồng tỏi
Hệ sinh thái biển của Lý Sơn phải nói cực kỳ phong phú. Ở Hang Câu, nếu ra chỗ nước sâu, bạn có thể bơi được nhưng lội gần bờ thì hãy cẩn thận. Tôi đi thỉnh thoảng chân lại nhói một cái mà không biết con gì châm. Mặc dù bước đi trên đá khá êm chân do chúng đã được phủ một lớp rêu trắng mịn như nhung. Các xúc tu của loài sao biển giòn nho nhoe trong mọi ngóc ngách. Thỉnh thoảng lại gặp một quả rắn biển giấu đầu vào các khe kẽ khoe khúc thân dài thòn lòn. Thấy bảo vết cắn của chúng chỉ gây đau chứ không làm chết người. Ấy vậy mà một buổi chiều ở đây, chúng tôi bắt gặp các nữ du khách lội phăm phăm đi bắt hải sâm. Đúng hơn là nhặt vì giống này tuy bổ nhưng lại không biết di chuyển. Như củ khoai tía, con nào con nấy to gần bằng cẳng tay.
Hang Câu cũng là “rêu trường” của Lý Sơn. Dân đảo thường kéo nhau ra đây vớt rêu đến tối mịt. Rêu phơi khô được chế biến thành chè, thạch… bạn có thể thưởng thức tại các hàng quán dưới chân chùa Đục. Một món cũng được dân phượt bảo nhau đến Lý Sơn phải ăn là sinh tố hoa quả ngay cầu cảng. Công thức món này cũng không có gì khác thường, gia giảm sữa đặc và cùi dừa khô. Làm nên vị ngon hẳn do mấy loại quả trồng được trên đảo: đu đủ, na và bơ.
Vĩ thanh
Chúng tôi chọn T. một nhà nghỉ đẹp về ngoại thất làm nơi lưu trú. Dù còn một số điểm hạn chế nhưng chúng tôi vẫn nghĩ sẽ giới thiệu cho bạn bè nếu có dịp. Ngờ đâu đến ngày cuối cùng ở đảo, bà chủ khách sạn- doanh nhân thành đạt trên đảo- yêu cầu 8h sáng trả phòng để đón đoàn khách của tỉnh. Muốn nghỉ nữa cứ việc dọn xuống cái chiếu trải dưới sàn nhà ở tầng một.
Mà Lý Sơn thì nắng rát từ 6 rưỡi sáng. May còn bóng mát nhà anh Mười. Trong khi đợi chị Gặp nấu bữa, tranh thủ đi ngắm đồng tỏi. Giống ruộng bậc thang, các vuông cát vàng được san phẳng lỳ ngăn chia bởi đá núi lửa. Phơi nắng được chừng nửa tiếng đã nghe tiếng anh Mười hú về xơi cơm đặng kịp tàu. Kế bên mâm chúng tôi, còn một đám sinh viên đang ngả ngốn chờ cơm. Cảm giác gia đình gì đâu!
Tỏi đặc sản Lý Sơn
Tất nhiên cũng có lần ăn hàng. Nhưng ấn tượng nhất không bởi đồ ăn mà là người bán. Vừa bước vào quán, một bạn nhỏ xăng xái ra đưa thực đơn. Nghĩ bụng, trẻ con gì trông già dữ, ăn vận như người lớn. Lát sau thấy khách bàn bên kêu bằng anh. Hóa ra Cảnh đã 30 tuổi, nhưng chỉ cao tầm học sinh mới vào tiểu học. Cảnh tận tình tư vấn cho chúng tôi chỗ chơi trên đảo. Qua câu chuyện được biết bạn học công nghệ thông tin. Sau 8 năm làm việc ở TPHCM đã quyết về quê lập căn cứ đón khách phượt Lý Sơn. Cảnh từng vài lần tới đỉnh Fansipan.
Biết chúng tôi ra đảo, một người quen gửi mua tỏi mồ côi nhưng đòi phải mua của đúng số điện thoại họ đưa. Hình như ai từ Lý Sơn về ngoài tỏi cũng giắt theo vài số như vậy. Của những người cung cấp dịch vụ nhà trồng được và đối đãi với khách hết sức thân tình. Chính họ đang giữ gìn hình ảnh Lý Sơn như một nơi đáng nhớ, đáng quay lại.
Lý Sơn là huyện đảo duy nhất của Quảng Ngãi, nằm về phía Đông Bắc, cách đất liền 15 hải lý. Đảo là dấu tích của một núi lửa với 5 miệng, hình thành cách đây chừng 30 triệu năm. Huyện bao gồm đảo Lớn (Lý Sơn/Cù Lao Ré) và đảo Bé (Cù Lao Bờ Bãi). Đảo Lớn gồm 2 xã An Vĩnh (huyện lỵ) và An Hải.
Trên đảo đã phát hiện các dấu vết khảo cổ thuộc văn hóa Sa Huỳnh có từ sớm hơn 200 năm trước công nguyên. Vào nửa đầu thế kỷ 17, Chúa Nguyễn tổ chức Hải đội Hoàng Sa lấy người từ xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi ra quần đảo Hoàng Sa thâu lượm hàng hóa, khí cụ trên các tàu mắc cạn và đánh bắt hải sản quý hiếm. Dân Lý Sơn hàng năm vào tháng Ba ÂL tổ chức Lễ Khao lề Thế lính Hoàng Sa tưởng niệm những vị tiền nhân ra đi mở nước.
NMH
Nguồn: 24H.COM.VN