Thanh Hóa: Phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch

0
137

Làng nghề truyền thống là một trong những đặc trưng của nông thôn Việt Nam, gắn với đời sống văn hóa của các cộng đồng dân cư nên có sức hấp dẫn du khách, nhất là du khách nước ngoài. Tại Thanh Hóa, số lượng các làng nghề đặc trưng nhiều, nhưng việc gắn du lịch để phát triển còn thiếu và yếu, rất cần có những giải pháp mang tính đột phá…

 

Một khu bán hải sản an toàn vừa đi vào hoạt động tại Khu Du lịch Hải Tiến (Hoằng Hóa)

 

Tiềm năng rộng mở…

Các làng nghề truyền thống được hình thành và phát triển cùng với sự phát triển văn hóa – xã hội của cộng đồng dân cư nên nó còn được xem như là một dạng tài nguyên du lịch nhân văn. Trên thực tế, đã xuất hiện khái niệm “du lịch làng nghề”, ở đó hai loại hình kinh tế là du lịch và nghề truyền thống cùng phát triển nhờ mối quan hệ “cộng sinh” lẫn nhau. Các sản phẩm từ các làng nghề truyền thống luôn bao gồm cả giá trị vật thể và phi vật thể, theo đó cũng trở thành hàng hóa, thành sản phẩm du lịch. Hiện nay, du lịch làng nghề đang trở thành một xu hướng trong phát triển du lịch; đồng thời trở thành một giải pháp hữu hiệu trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng nên các thương hiệu du lịch.

Thống kê từ các ngành chức năng, Thanh Hóa hiện có 155 làng nghề, nghề truyền thống trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp. Đáng nói, có  nhiều làng nghề có lịch sử lâu đời như nghề dệt chiếu ở Nga Sơn, nghề làm bánh gai tại Tứ Trụ (Thọ Xuân), sản xuất nước mắm truyền thống Ba Làng (Tĩnh Gia), dệt nhiễu Hồng Đô (Thiệu Hóa), chè lam Phủ Quảng (Vĩnh Lộc), dệt thổ cẩm Cẩm Lương (Cẩm Thủy), mây tre đan Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa)… Một thuận lợi là các làng nghề truyền thống thường nằm gần trung tâm các huyện lỵ, gần các trục đường giao thông, đường sông nên dễ dàng trong xây dựng các tua du lịch.

Thời gian gần đây, du lịch làng nghề của tỉnh đang có những bước chuyển biến tích cực hơn, bước đầu đã hình thành một số điểm đến như làng nghề đúc đồng truyền thống Chè Đông (xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa), mây tre đan Hoằng Thịnh, chè lam Phủ Quảng…

…hiệu quả chưa tương xứng

Với gần 30.000 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp thuộc 155 làng nghề, thu hút khoảng 64.000 lao động, nhưng đa phần các làng nghề vẫn còn ít người trong tỉnh biết đến, đó là chưa nói đến du khách từ các tỉnh ngoài. Mới có một số sản phẩm bước đầu được du khách biết đến, như: Nem chua TP Thanh Hóa, nước mắm Ba Làng, bánh gai Tứ Trụ… nhưng chủ yếu là thông qua chủ các hàng quán ven đường hoặc tại các điểm du lịch giới thiệu chứ chưa có tua du lịch chính thống đưa khách đến tham quan nơi sản xuất.

Theo số liệu từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong số 21 triệu lượt khách du lịch đến với Thanh Hóa trong giai đoạn 2010 – 2015 thì mới có khoảng 120.000 lượt khách đến tham quan hoặc kết hợp ghé thăm các làng nghề truyền thống, chiếm tỷ lệ 5,7%.

Qua tìm hiểu thực tế, đa phần các cơ sở sản xuất, hộ làm nghề có quy mô nhỏ lẻ. Đó cũng là lý do sản phẩm làng nghề của Thanh Hóa nhiều, song ít có sản phẩm mang thương hiệu vùng hoặc quốc gia. Cơ sở hạ tầng cũng như nguồn nhân lực du lịch tại các làng nghề còn thiếu và yếu, hoạt động giúp du khách trải nghiệm hầu như chưa được quan tâm nên chưa tạo được sức hút. Tại nhiều làng nghề, tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra thường xuyên nên khó phát triển du lịch. “Trải nghiệm” tại làng nghề nhiễu Hồng Đô, ở xã Thiệu Đô (Thiệu Hóa) khoảng 2 giờ đồng hồ, chúng tôi luôn phải bịt mũi bởi mùi ngai ngái, hôi nồng. Trên nền các khu sản xuất, các phụ phẩm rơi vãi, nước thải chảy tràn. Hàng chục làng nghề khác cũng xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường tương tự. Chưa cần nói đến những yếu kém khác, chỉ riêng vấn đề ô nhiễm môi trường đã khiến cánh cửa du lịch đóng lại.

Thời gian gần đây, tỉnh đã có nhiều nỗ lực để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch làng nghề, làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XVIII đã đưa ra chỉ tiêu: Vào năm 2020, Thanh Hóa phấn đấu đón 11,2 triệu lượt khách du lịch, trong đó 400.000 khách quốc tế, doanh thu đạt khoảng 20.500 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 4.000 lao động… Để hoàn thành mục tiêu trên, ngoài các loại hình du lịch truyền thống, việc phát triển mạnh mẽ loại hình du lịch làng nghề cần được quan tâm hơn nữa.

Làm gì để du lịch và làng nghề phát triển

Trước mắt, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố nên chủ động thành lập các trung tâm phát triển làng nghề, tổ chức lại sản xuất, tư vấn phát triển làng nghề truyền thống. Cùng với đó, cần hỗ trợ xây dựng dự án phát triển du lịch làng nghề theo hướng mở các lớp hướng dẫn, tập huấn, tham gia các hội chợ – triển lãm giới thiệu sản phẩm và có chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Với các ngành chức năng liên quan như công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, văn hóa, thể thao và du lịch cần tăng cường công tác phối hợp, cùng tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển làng nghề nông thôn, xây dựng các cửa hàng bán đồ lưu niệm ngay tại làng nghề để phục vụ du khách.

Một trong những nhân tố quan trọng nhất để phát triển các làng nghề gắn với phát triển du lịch chính là kinh phí. Bởi vậy, tỉnh cần có ưu tiên các nguồn lực nhất định để triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2016 – 2020 đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII ban hành theo Quyết định số 290/QĐ-TU, ngày 27 – 5 – 2016, trong đó ưu tiên vốn cho phát triển du lịch làng nghề. Ngoài nguồn ngân sách, khuyến khích các nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp, coi đây là nhân tố chủ yếu trong phát triển du lịch làng nghề xứng tầm và đạt hiệu quả cao. Trong xu thế phát triển mới, tỉnh cần có cơ chế khuyến khích thành lập các hội, hiệp hội làng nghề, nhất là các nhóm du lịch làng nghề để ưu tiên phát triển. Hiệp hội sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng sản xuất, tìm kiếm thêm thị trường, đấu mối với các doanh nghiệp du lịch tổ chức các tua đưa du khách đến với các làng nghề.

Có thể khẳng định, phát triển loại hình du lịch làng nghề mang lại lợi ích kép về kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Nếu phát huy được hiệu quả của các làng nghề truyền thống gắn với du lịch thì lợi ích mang lại là rất lớn.

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn