Thu ngân sách tháng 9 của TP.HCM giảm sâu, chỉ còn 600 tỷ/ngày

0
Thu ngân sách tháng 9 của TP.HCM giảm sâu, chỉ còn 600 tỷ/ngày

Ông Võ Văn Hoan cho biết thu ngân sách tháng 9 của TP.HCM giảm còn hơn 600 tỷ mỗi ngày, so với mức 1.800 tỷ của bình quân 6 tháng đầu năm.

Nhận định này được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đưa ra tại buổi tiếp xúc cử tri doanh nghiệp trực tuyến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và một số đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM, diễn ra sáng 2/10.

Ông Hoan cho hay TP.HCM đã bàn kế hoạch nới lỏng giãn cách xã hội để phục hồi và phát triển kinh tế. Trên cơ sở đó, tất cả ngành kinh tế thành phố đều có bộ tiêu chí an toàn.

Các chỉ tiêu phát triển kinh tế TP.HCM giảm sâu

Quan điểm của TP.HCM được ông Hoan nhấn mạnh là một mặt bảo vệ sức khỏe người dân, một mặt bảo vệ sức khỏe doanh nghiệp. “TP xem đây như 2 mặt trận của cuộc chiến phòng chống dịch, không thể xem trọng một mặt trận và bỏ qua mặt trận khác”, ông Hoan nói.

Cho biết sức khỏe của doanh nghiệp và nền kinh tế TP.HCM đang đứng trước tình huống rất khó khăn và thách thức, Phó chủ tịch TP.HCM nêu rõ các chỉ tiêu phát triển kinh tế TP.HCM 9 tháng đầu năm giảm rất sâu.

“Thu ngân sách TP năm 2021 có khả năng năng không hoàn thành nhiệm vụ”, lãnh đạo TP.HCM dự báo.

Phó chủ tịch TP.HCM Võ Văn Hoan dự báo thu ngân sách TP năm 2021 có khả năng năng không hoàn thành nhiệm vụ. Ảnh: Thu Hằng.

Phó chủ tịch Võ Văn Hoan dẫn chứng bình quân 6 tháng đầu năm, mỗi ngày TP.HCM thu khoảng 1.800 tỷ nhưng tháng 7-8 năm nay, mức thu chỉ đạt 700 tỷ và đến tháng 9 giảm còn hơn 600 tỷ. Đây là mức giảm sâu hơn 50% so với bình thường.

dẫn chứng bình quân 6 tháng đầu năm, mỗi ngày TP.HCM thu khoảng 1.800 tỷ nhưng tháng 7-8 năm nay, mức thu chỉ đạt 700 tỷ và đến tháng 9 giảm còn hơn 600 tỷ. Đây là mức giảm sâu hơn 50% so với bình thường.

Để phục hồi kinh tế, ông Hoan nhấn mạnh không thể hôm nay mở cửa là phục hồi ngay mà cần thời gian 6 tháng đến một năm để trở lại trạng thái bình thường.

Trong hỗ trợ, ông cho rằng việc ban hành một chính sách chung khó áp dụng cho từng nhóm doanh nghiệp nên cần phân loại từng nhóm. Ví dụ một doanh nghiệp đã đóng cửa và chuẩn bị phá sản, giống như chết lâm sàng, phải có chính sách riêng. Doanh nghiệp đóng cửa tạm thời cũng phải có chính sách khác doanh nghiệp đang sản xuất.

Về thời hạn hỗ trợ, Phó chủ tịch TP.HCM nhận định việc “năm nào hỗ trợ năm đó” không hiệu quả mà cần có tầm nhìn xa hơn. Theo đó, ông kiến nghị chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có thể kéo dài thêm 6 tháng hoặc một năm, tránh tình trạng hỗ trợ giật cục khiến doanh nghiệp không yên tâm.

Phó chủ tịch TP.HCM kiến nghị coi Covid-19 là trường hợp bất khả kháng để TP.HCM có căn cứ hỗ trợ doanh nghiệp với mức cao hơn.

“Vừa qua Chính phủ quyết định giảm tiền thuê đất năm 2021 chỉ 30%. Nếu coi đại dịch là bất khả kháng thì doanh nghiệp TP.HCM sẽ được hưởng mức hỗ trợ 50%”, ông Hoan nói.

Riêng với doanh nghiệp dịch vụ, du lịch, lữ hành, ông Hoan đề xuất cho hưởng mức hỗ trợ 100% tiền thuê đất của năm 2021 và 2022 vì họ gần như không có doanh thu trong suốt 2 năm qua.

Doanh nghiệp cần hỗ trợ như người bệnh Covid-19 cần oxy

Trước đó, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM Chu Tiến Dũng cũng kiến nghị chính sách của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh tế cần ban hành theo đối tượng và mục tiêu để thiết thực và hiệu quả cao hơn.

Cụ thể, doanh nghiệp có khả phục hồi nhanh, đóng góp cao cho nên kinh tế cần tập trung hỗ trợ để họ phục hồi nhanh, nâng hiệu quả nền kinh tế, làm đầu tàu kéo các doanh nghiệp khác.

Chi tieu phat trien kinh te TP.HCM giam sau anh 1

Các doanh nghiệp kiến nghị sớm được hỗ trợ tài chính và ví von doanh nghiệp cần hỗ trợ tài chính như người bệnh Covid-19 cần oxy.

Các doanh nghiệp còn có khả năng phục hồi thì áp dụng chính sách để giảm số doanh nghiệp phá sản, chấm dứt sản xuất do tác động của dịch bệnh.

Với nhóm doanh nghiệp không thể quay lại sản xuất cần hỗ trợ an sinh xã hội để doanh nghiệp và người lao động ổn định cuộc sống, chuyển đổi sang lĩnh vực sản xuất khác.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực, thực phẩm TP.HCM kiến nghị bỏ quy định hạn chế hoạt động kinh tế, không đóng cửa doanh nghiệp nếu có F0. “Có thì đi chữa bệnh hoặc tự cách ly, cơ sở khử trùng rồi hoạt động tiếp”, bà Chi nói.

Về test kit và chi phí xét nghiệm, nữ doanh nhân chia sẻ từ khi dịch bùng phát đến nay, doanh nghiệp đang gồng mình gánh chi phí xét nghiệm do giá test kit cao và chênh lệch nhau lớn giữa các địa phương. Do đó, bà đề xuất cho các tổ chức y tế được phép bán kit xét nghiệm theo giá cạnh tranh, đưa kit xét nghiệm vào danh mục kiểm soát mặt hàng cần bình ổn giá hoặc được Nhà nước trợ giá theo Luật giá.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ (Chủ tịch HĐQT Viettravel) kiến nghị Đảng và Nhà nước cần phải biến nhận thức từ Zero Covid-19 sang sống chung với Covid-19 thành hành động nhanh và dứt khoát.

“Nửa vời và vấn vương với tư tưởng Zero Covid-19 sẽ làm chậm tiến độ phục hồi kinh tế và xã hội khi mở cửa trở lại, làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân”, ông Kỳ chia sẻ.

Theo ông, Quốc hội cần có chính sách nới rộng trần nợ công và tăng thêm dòng tiền để ngân hàng có thể cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp. Ví von doanh nghiệp cần hỗ trợ tài chính như người bệnh Covid-19 cần oxy, ông Kỳ lo ngại nếu chậm trễ nhiều doanh nghiệp sẽ chết và Nhà nước sẽ mất nguồn thu.

Nguồn: News.zing.vn