Theo nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia Mỹ, trẻ gặp các vấn đề về ăn uống trong ba năm đầu đời dễ bị thấp còi, chiều cao hạn chế khi trưởng thành.
Nghiên cứu do TS Diane Putnick, Viện Trẻ em Quốc gia Eunice Kennedy Shriver (NICHD) và cộng sự thực hiện, công bố trên tạp chí Journal of Pediatrics.
Họ phân tích dữ liệu của hơn 3.500 trẻ em trong dự án Upstate KIDS. Dự án này theo dõi trẻ em sinh từ năm 2008 đến 2010 ở bang New York. Các bà mẹ trả lời bảng hỏi, đánh giá cách ăn uống và mốc phát triển của trẻ ở thời điểm 18, 24, 30 tháng tuổi.
Từ dữ liệu này, nhóm chuyên gia phát hiện trẻ mắc chứng khó ăn, lười bú, thường xuyên quấy khóc, nôn trớ dễ chậm phát triển, chiều cao cũng ảnh hưởng. Bên cạnh đó, trẻ bị rối loạn ăn uống vô độ (bulimia nervosa), không cảm thấy no, luôn thèm ăn cũng dễ dẫn tới chiều cao khiêm tốn khi trưởng thành.
Nhóm tác giả phát hiện các vấn đề liên quan chậm phát triển, khó khăn trong giao tiếp, lười vận động là nguyên nhân dẫn tới rối loạn về ăn uống ở trẻ. Họ cũng lưu ý trẻ bị biếng ăn ở 18 và 24 tháng tuổi có thể do thay đổi hormone. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài đến 30 tháng tuổi có thể gây chậm phát triển, thấp còi ở trẻ.
Ngoài việc gây ảnh hưởng về chiều cao, trẻ bị rối loạn ăn uống còn gặp nhiều vấn đề như tỷ lệ mắc stress cao, trầm cảm, không hài lòng về vẻ đẹp của bản thân và muốn dùng ăn uống để cải thiện diện mạo. Ăn uống không kiểm soát dễ gây béo phì, thừa cân và mắc nhiều bệnh về tim mạch, tiểu đường, tăng nguy cơ đột quỵ.
Do đó, nhóm chuyên gia tại Mỹ khuyến cáo phụ huynh nên quan sát quá trình ăn uống của con. Nếu trẻ liên tục quấy khóc, chúng ta cần có những giải pháp về tâm lý hoặc dinh dưỡng phù hợp, phân biệt vấn đề của trẻ là biếng ăn sinh lý hay bệnh lý, tránh những hệ lụy về sau.
Ngoài nguyên nhân trên, một số yếu tố khác cũng chi phối sự phát triển chiều cao của trẻ như di truyền, dinh dưỡng, môi trường sống, chế độ sinh hoạt thể dục thể thao, hormone tăng trưởng (GH)… Trong đó, yếu tố di truyền là không thể thay đổi. Riêng tỷ lệ thiếu hormone tăng trưởng ước tính chỉ chiếm khoảng 1/4.000 – 1/10.000 trẻ nhưng đây lại là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em.
Trẻ thiếu GH sẽ có chiều cao thấp hơn so với tuổi (dưới 2-3 độ lệch chuẩn dựa trên biểu đồ tăng trưởng), tốc độ tăng trưởng chậm (dưới 1,5 SD trong 1 năm hoặc dưới 5 cm/năm).
Nguồn: News.zing.vn