Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng những em điểm cao không đặt nguyện vọng vào ngành có thể lấy thấp hơn dẫn đến trượt đại học là điều đáng tiếc.
Theo thống kê từ Bộ GD&ĐT, năm nay, số ngành giữ nguyên hoặc tăng/giảm tới 3 điểm chiếm 86% (trong 3.259 mã ngành). Số ngành tăng từ 5 điểm trở lên là 8%, trong đó tăng từ 9-11 điểm là 30 ngành, chưa tới 1%.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, trong số 265 ngành lấy điểm chuẩn cao hơn năm ngoái từ 5 điểm trở lên, khối kỹ thuật – công nghệ và sư phạm chiếm đến 50% với số mã ngành lần lượt là 70 và 64.
Thứ trưởng cũng đưa ra 3 nguyên nhân chính dẫn đến việc điểm chuẩn ở một số ngành tăng mạnh.
Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội lấy điểm chuẩn tăng đến 10,95 điểm so với năm 2020. |
Số lượng đăng ký xét tuyển tăng 24%
– Điểm chuẩn năm nay gây chú ý trong dư luận, phụ huynh, học sinh với hiện tượng điểm chuẩn tăng cao đột biến ở một số ngành. Bộ GD&ĐT có phân tích, lý giải gì về hiện tượng này?
– Chúng ta nhìn nhận mùa tuyển sinh năm nay có rất nhiều điểm đặc biệt. Trong một năm học dịch bệnh kéo dài, chúng ta tổ chức hai đợt thi. Nhiều trường có các phương thức khác nhau. Nhưng cuối cùng, chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ tuyển sinh với việc xét tuyển, lọc ảo trơn tru.
Xét tình hình chung, năm nay, các trường tuyển sinh đạt kết quả tương đối tốt so với năm 2020. Điểm chuẩn chỉ là một phần. Dựa trên phân tích số thí sinh tuyển được trên số chỉ tiêu, tình hình có sự thay đổi, tiến bộ đáng kể so với năm ngoái. Các trường tuyển được cũng có nghĩa thí sinh trúng tuyển.
Việc điểm chuẩn tăng ở một số ngành, khối, trường có một số lý do chính. Thứ nhất, số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT tăng 11%, từ 900.000 lên lên 1.020.000 em.
Đặc biệt, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng tăng 24%, có thể do các em không thể du học nước ngoài hoặc xu hướng chọn học đại học tăng lên. Số thí sinh tăng lên là 152.000. Điều này làm cho điểm chuẩn một số trường tăng vọt.
Trong khi đó, điểm chuẩn các trường tốp trên tăng nhưng không nhiều. Chỉ tiêu tổng thể của hệ thống, đặc biệt các trường tốp trên, không tăng đáng kể. Những thí sinh chưa trúng tuyển vào các trường này sẽ tập trung xuống những trường, ngành tốp giữa.
Vì thế, chúng ta thấy các trường tốp giữa, đặc biệt ở một số nhóm ngành, có điểm chuẩn tăng vọt. Đây là lý do quan trọng nhất cho việc tăng điểm chuẩn.
Khi tỷ lệ thí sinh đăng ký trên số chỉ tiêu tăng hẳn như thế, chuyện tăng điểm chuẩn là bình thường.
Nguyên nhân chính thứ hai nằm ở xu hướng chọn ngành. Tâm lý của thí sinh trong điều kiện kinh tế, xã hội như hiện nay, các em suy nghĩ rất kỹ về việc chọn ngành nào.
Chúng ta thấy theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong những ngành có điểm chuẩn tăng từ 5 trở lên, điều đáng mừng, nhóm tăng nhiều nhất là khối kỹ thuật và công nghệ với 70 mã nhóm ngành tăng.
Đứng thứ hai là nhóm ngành liên quan đến khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên với 64 ngành. Hai khối ngành này chiếm một nửa số các ngành có điểm chuẩn tăng từ 5 điểm trở lên so với năm 2020.
Sau đó mới đến khối ngành kinh tế, kinh doanh, xã hội, nhân văn. Điều này cho thấy xu hướng chọn nghề của học sinh hiện nay, các em cân nhắc rất kỹ.
Xu hướng chọn kỹ thuật, công nghệ và giáo viên là tín hiệu đáng mừng.
Lý do thứ 3, khi phân tích phổ điểm thi, chúng ta có thể thấy ở một số môn như Tiếng Anh, kết quả cải thiện so với năm 2020. Điều này góp phần làm tăng điểm chuẩn.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng chỉ những em điểm cao mà không đặt nguyện vọng vào những ngành có thể lấy thấp hơn mới trượt. Ảnh minh họa: Chí Hùng |
Xét tuyển đại học là cạnh tranh
– Điểm chuẩn tăng cao dẫn đến việc một số thí sinh điểm rất cao nhưng vẫn phải đối mặt với nguy cơ trượt đại học. Bộ có thống kê số lượng thí sinh rơi vào tình huống này không và có định hướng gì cho các em?
– Số lượng, tỷ lệ tuyển được năm nay cao hơn hẳn năm 2020. Chỉ những em điểm cao mà không đặt nguyện vọng vào những ngành có thể lấy thấp hơn mới trượt. Điều đó rất đáng tiếc.
Các trường còn nhiều hình thức xét tuyển khác nhau, các em còn cơ hội để trúng tuyển bằng phương thức khác.
Câu chuyện xét tuyển đại học là cạnh tranh. Khi Bộ GD&ĐT đã đưa ra mô hình để xét tuyển các em có nguyện vọng vào nhiều trường, nhiều ngành, cơ hội hoàn toàn nằm trong tay thí sinh.
Đương nhiên, trong quá trình để làm sao kỳ thi đi vào thực chất hơn, để các trường đánh giá tốt hơn năng lực thí sinh, bộ đang xây dựng lộ trình, phương án.
Đáng lẽ, những phương án này được từng bước đưa vào. Từ năm 2020, trong hoàn cảnh dịch bệnh, một số trường đã xây dựng phương án xét tuyển khác nhau, bằng kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy. Nhưng cuối cùng, vì dịch bệnh, các trường không tổ chức được. Chúng tôi cho rằng điều này cũng hợp lý, không để thí sinh đi lại nhiều lần trong dịch bệnh.
Ngay cả năm nay, việc tổ chức được kỳ thi tốt nghiệp THPT hai đợt cũng là nỗ lực rất lớn. Thực ra, trường nào tổ chức thêm vào giữa cũng chỉ khiến thí sinh vất vả.
Trong năm tới, tùy vào điều kiện dịch bệnh, Bộ GD&ĐT sẽ có những phương án để làm sao có thể các trường đại học tăng quyền tự chủ, tổ chức kỳ thi, phối hợp với nhau, liên kết với nhau để bổ sung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Nhưng việc tổ chức này phải làm sao đảm bảo nhẹ nhàng, thí sinh không phải đi thi nhiều lần, các trường đánh giá được năng lực thí sinh, lựa chọn được người phù hợp với ngành.
Quan trọng nhất, làm gì thì làm, các trường không để tăng áp lực cho thí sinh, xã hội, không thay đổi nhiều so với cách tổ chức thi hiện nay. Chúng ta cải tiến để làm tốt hơn, sẽ có từng bước để cải thiện.
Nguồn: News.zing.vn