Thủ tướng: Việt Nam đi hai chân trong vấn đề vaccine

0
Thủ tướng: Việt Nam đi hai chân trong vấn đề vaccine

“Chúng ta đang đi hai chân trong vấn đề vaccine, vừa đàm phán mua từ quốc tế vừa nghiên cứu sản xuất trong nước”, Thủ tướng nêu một trong năm bài học từ công tác phòng, chống dịch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Sáng 12/11, sau khi kết thúc phần chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
  • Đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% cho năm 2022

    Trong báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch cho năm 2022 do Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày trước Quốc hội ngày 20/10, đại dịch Covid-19 là vấn đề xuyên suốt được đề cập, liên quan đến cả kết quả phát triển kinh tế năm 2021 và kế hoạch năm 2022.

    Đến nay dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc và đang thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh tại nhiều địa phương.

    Xác định 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng nhưng dự báo tình hình thách thức lớn hơn cơ hội, Thủ tướng nêu mục tiêu của Chính phủ là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, cùng với tập trung tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

    Trong 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội được đề ra cho năm 2022, Thủ tướng cho biết mục tiêu về tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) là khoảng 6-6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi NSNN so với GDP khoảng 4%.

    Thu tuong tra loi chat van anh 1
  • Chính phủ đề nghị khen thưởng bậc cao với tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong chống dịch

    Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chia sẻ, cảm thông sâu sắc về những mất mát, tổn thất về tinh thần, vật chất, nhất là với những gia đình mất người thân do dịch Covid-19. Để thể hiện sự tri ân, cảm ơn những nỗ lực, đóng góp của các tầng lớp nhân dân; sự cống hiến to lớn, hy sinh quên mình của các lực lượng tuyến đầu, Chính phủ đề nghị các cơ quan chức năng đề xuất, khen thưởng bậc cao đối với tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống dịch vừa qua.

  • Nhờ từng bước mở cửa, kinh tế có nhiều khởi sắc

    Báo cáo về tình hình KTXH, quốc phòng, an ninh, đối ngoại thời điểm hiện nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các cấp, ngành, địa phương đang tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt, đổi mới về tư duy, phương pháp và cách thức tổ chức phòng, chống dịch theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

    “Nhờ thực hiện lộ trình từng bước mở cửa nền kinh tế, tình hình KTXH tháng 10 chuyển biến tích cực và có nhiều điểm khởi sắc hơn so với tháng trước”, người đứng đầu Chính phủ nhận định.

    Theo đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Thu hút vốn FDI 10 tháng đạt trên 20 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng trở lại. Thu ngân sách Nhà nước đạt khoảng 91% dự toán năm, tăng 5,5% so với cùng kỳ.

    Đặc biệt, nhiều địa phương nỗ lực vươn lên mạnh mẽ trong phục hồi, phát triển KTXH gắn với kiểm soát dịch bệnh. Công tác bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống người dân tiếp tục được chú trọng.

    “Tuy nhiên, chúng ta còn rất nhiều khó khăn, thách thức cả trước mắt và lâu dài. Tình hình kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; sức ép lạm phát tăng. Sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực còn rất khó khăn, nhất là du lịch, lưu trú, vận tải”, Thủ tướng nêu thực tế.

    Cùng với đó, ông cho biết tình trạng thiếu lao động cục bộ và đứt gãy một số chuỗi sản xuất, cung ứng cần sự nỗ lực rất lớn để khắc phục. Lao động, việc làm, đời sống tinh thần, vật chất của một bộ phận người dân tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề…

    Trong những tháng cuối năm 2021, Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ đang khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch và Chương trình phục hồi và phát triển KTXH.
    Đặc biệt là đẩy nhanh tốc độ bao phủ tiêm vaccine trên toàn quốc, chủ động chuẩn bị thuốc điều trị và tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh để phát triển KTXH. Song song với đó, Chính phủ tiếp tục thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh.

    “Không để cản trở, ách tắc trong vận chuyển hành khách, lưu thông hàng hóa; nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 và tạo thuận lợi cho triển khai thực hiện kế hoạch năm 2022” là mục tiêu được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

  • Nhập khẩu 135 triệu liều vaccine, tiêm được 96 triệu liều

    Về định hướng chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng khẳng định chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch nêu trong Nghị quyết 128 của Chính phủ là phù hợp, kịp thời.
    Theo ông, chúng ta đã đẩy mạnh nhập khẩu và thực hiện chiến dịch tiêm vaccine phòng dịch lớn nhất từ trước tới nay trên toàn quốc.

    Tính đến ngày 11/11, Việt Nam nhập khẩu được 135 triệu liều vaccine, tiêm được 96 triệu liều, tỷ lệ trung bình người trên 18 tuổi tiêm ít nhất một mũi đạt trên 86%, tiêm 2 mũi đạt khoảng 45%. Dự kiến trong tháng 11 và tháng 12 năm nay, chúng ta tiếp tục nhập khẩu khoảng 85,1 triệu liều vaccine, trong đó có vaccine cho trẻ em.

    Cùng với việc có lộ trình từng bước tiêm vaccine cho trẻ em, Thủ tướng lưu ý tích cực chuyển giao công nghệ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước; đồng thời, tích cực thiết lập hệ thống trạm y tế lưu động, bệnh viện hồi sức, chăm sóc, điều trị; số ca tử vong tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp.

  • Trạng thái bình thường mới được thiết lập ở tất cả địa phương

    Tuy còn có nhiều ổ dịch xuất hiện, người đứng đầu Chính phủ nhận định trạng thái bình thường mới dần được thiết lập ở tất cả địa phương trên cả nước, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển KTXH, thực hiện kiểm soát rủi ro.
    Theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đại dịch Covid-19 có thể còn tiếp tục kéo dài trên toàn cầu với khả năng xuất hiện các biến chủng mới.
    Người đứng đầu Chính phủ lưu ý trong công tác phòng, chống dịch bệnh và phục hồi, phát triển KTXH, cần vận dụng phương châm và triết lý “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

    “Điều bất biến là đặt mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân; ứng vạn biến là trong điều kiện diễn biến của dịch bệnh có phương pháp và cách tổ chức phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển KTXH phù hợp, hiệu quả”, Thủ tướng giải thích.
    Theo ông, cần thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh.

    Thu tuong tra loi chat van anh 2
  • Phấn đấu hết 2021 tiêm 2 mũi cho 100% đối tượng cần thiết

    Theo Thủ tướng, cùng với việc khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch, Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
    Trước hết là chuyển đổi tư duy, phương pháp từ quản lý không Covid-19 (Zero Covid) sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong; thực hiện tốt quy định thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch.

    Bên cạnh việc thực hiện tốt các trụ cột trong chống dịch, Thủ tướng lưu ý tuyệt đối không lơ là, chủ quan. Cùng với đó là việc tập trung bố trí nguồn lực và có kế hoạch cụ thể để nâng cao năng lực hệ thống y tế; tiếp tục thực hiện hiệu quả chiến lược vaccine để tiêm sớm nhất cho người dân.

    “Phấn đấu đến hết năm 2021 tiêm 2 mũi đạt tỷ lệ bao phủ 100% cho các đối tượng cần thiết theo quy định”, Thủ tướng nêu yêu cầu.

    Ông cũng yêu cầu rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho phòng, chống dịch; thúc đẩy xã hội hóa, kết hợp công tư; tiếp tục đổi mới công tác đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và có chính sách đặc thù phù hợp cho cán bộ, nhân viên y tế và các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch.

    Song song với những nhiệm vụ này, phải bảo đảm giao thông vận tải, lưu thông hàng hóa, không để xảy ra ách tắc cục bộ; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển KTXH.

    Thu tuong tra loi chat van anh 3
  • Nguy cơ tụt hậu nếu không có quyết sách kịp thời, phù hợp

    Về các chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển KTXH gắn với thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Thủ tướng nêu bối cảnh nhiều quốc gia, đối tác lớn về thương mại, đầu tư của Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ.
    Ông nhìn nhận đây vừa là cơ hội thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và phát triển KTXH, nhưng cũng vừa là thách thức lớn về nguy cơ tụt hậu, lỡ nhịp với xu hướng phục hồi của kinh tế thế giới nếu chúng ta không có những quyết sách, giải pháp linh hoạt, phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

    Trong việc xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, Thủ tướng nhấn mạnh phương châm đặt ra là hỗ trợ đúng, kịp thời, khả thi, hiệu quả; gắn kết hài hòa giữa cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ về cơ chế, chính sách và hỗ trợ về nguồn lực tài chính; bảo đảm nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

    “Yêu cầu đặt ra là phải có những chủ trương, quyết sách đúng đắn, phù hợp và các cơ chế, chính sách hỗ trợ, kích thích với quy mô đủ lớn, phạm vi và thời gian phù hợp”, Thủ tướng quá triệt.

    Ông yêu cầu đối tượng hỗ trợ tập trung vào người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nhất là trong những ngành, lĩnh vực quan trọng bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 với thứ tự ưu tiên, mức độ hỗ trợ, lộ trình phù hợp, khả thi.
    Trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KTXH sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

  • Bằng mọi biện pháp để đảm bảo thu hút đủ nguồn cung lao động

    Về các giải pháp phục hồi thị trường lao động, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại thực tế đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng nặng nề đến tình hình lao động, việc làm trong nhiều ngành, lĩnh vực. Tỷ lệ lao động thiếu việc, thất nghiệp tăng cao. Đặc biệt, một lượng lớn người dân, người lao động trở về quê dẫn đến những vấn đề xã hội và tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, nhất là tại các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sau khi nới lỏng giãn cách xã hội và từng bước mở cửa nền kinh tế.

    Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu thực hiện mọi biện pháp cần thiết để từ nay đến cuối năm 2021 và đầu năm 2022, bảo đảm thu hút đủ nguồn cung lao động đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trong thời gian sớm nhất gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh.

    Để thực hiện mục tiêu này, người đứng đầu Chính phủ cho rằng cần có giải pháp hỗ trợ phù hợp người lao động đối với các khoản chi phí đi lại, ăn ở, sinh hoạt trong thời gian đầu. Về lâu dài, cần triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động.

  • “Việc học trực tuyến không thể kéo dài”

    Đề cập đến vấn đề dạy và học trong bối cảnh dịch bệnh, người đứng đầu Chính phủ nhận định đại dịch kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực giáo dục.
    Theo ông, việc dạy và học trực tuyến toàn phần chỉ là giải pháp tình thế trong điều kiện chưa tiêm phủ vaccine cho học sinh và điều kiện phòng, chống dịch chưa đáp ứng yêu cầu.

    Đồng tình với ý kiến của nhiều vị đại biểu Quốc hội về việc học trực tuyến không thể kéo dài, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch với lộ trình và phương án cụ thể để từng bước mở cửa lại trường học trong năm 2021.
    Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, đẩy nhanh tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em; chuẩn bị tốt các điều kiện phòng, chống dịch tại trường học; tổ chức dạy học linh hoạt, bằng nhiều phương thức phù hợp với tình hình dịch bệnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong giáo dục.
    Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra, đánh giá phù hợp; rà soát tinh giản nội dung chương trình học.

    Thu tuong tra loi chat van anh 4
  • Kiểm điểm cá nhân, tập thể chậm giải ngân vốn đầu tư công

    Về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng đánh giá tình hình thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra và còn những hạn chế, bất cập. Những hạn chế này có nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là cơ bản, của cả chính quyền Trung ương và địa phương.

    Theo Thủ tướng, tới đây, Chính phủ xác định đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành để góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển KTXH.
    Ông yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương kiểm điểm, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân, thúc đẩy triển khai đúng quy trình, quy định, bảo đảm kịp thời, tránh tiêu cực, lãng phí…

    “Không vì tiến độ mà bỏ qua quy trình, thủ tục cần thiết, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư công”, Thủ tướng lưu ý.

  • Trách tiêu cực, trục lợi chính sách

    Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) cho biết trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân và doanh nghiệp, tuy nhiên, có ý kiến cho rằng các chính sách và việc thực hiện chính sách với người dân, người lao động còn nhiều bất cấp. Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp để khắc phục tình trạng này và trong thời gian tới, Chính phủ sẽ đưa thêm những chính sách như thế nào để hỗ trợ người dân.

    Trả lời, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết thời gian qua Chính phủ, bộ, ngành, địa phương đã thực hiện các chính sách hỗ trợ rất tích cực. Đặc biệt, Quốc hội ban hành Nghị quyết 30 đã tạo hành lang pháp lý cho Chính phủ và cơ quan liên quan tiếp tục đề xuất chính sách và chủ động chính sách theo thẩm quyền.

    Tuy nhiên, Thủ tướng thừa nhận thực tế khi áp dụng chính sách còn nhiều bất cập.
    Trong thời gian tới, lãnh đạo Chính phủ cho biết trước hết cần phải rà soát đánh giá lại chính sách đã thực hiện, từ đó đánh giá nguyên nhân để đưa ra những chính sách mới phù hợp hơn.

    “Phải xem cái nào được, cái nào chưa được. Thậm chí phải rà soát lại cả các đối tượng, mức độ, phạm vi hỗ trợ, trên cơ sở đó mới có căn cứ để định ra một số chính sách hỗ trợ phù hợp hiệu quả hơn, trách tiêu cực, trục lợi chính sách, bỏ sót hoặc có những vấn đề như thời gian qua”, Thủ tướng khẳng định.

  • Rút ra được những bài học sau dịch

    Trả lời chất vấn của đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) về việc chuyển hướng chống dịch trong thời gian tới, Thủ tướng cho rằng dịch bệnh Covid-19 không những ảnh hưởng ở nước ta mà còn muốn trên thế giới.

    Trong 2 năm qua, Việt Nam thực hiện chống dịch và rút ra được nhiều kinh nghiệm, có cả trả giá. Từ những kinh nghiệm đó, Việt Nam dần dần thích ứng, hiểu được dịch bệnh, một phần hiểu được virus.

    Thu tuong tra loi chat van anh 5

    Tuy chưa tổng kết một cách toàn diện nhưng Việt Nam đã đưa ra các trụ cột phòng chống dịch.

    Thứ nhất, phải cách ly nhanh chóng, diện hẹp nhất có thể. Thứ hai là chiến lược xét nghiệm. Ông nhấn mạnh virus không sờ không thấy, không ngửi thấy, không nhìn thấy, thì phải xét nghiệm. Xét nghiệm phải an toàn và xét nghiệm nhanh.

    Thứ ba, phải điều trị, từ sớm, từ xa, từ cơ sở, ngăn chặn chuyển bệnh nặng, giảm tử vong.

    Trên cơ sở này, Chính phủ hình thành công thức 5K + vaccine + công nghệ. Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tế sẽ kết hợp những phương pháp khác như kết hợp điều trị bằng Đông – Tây y kết hợp.

    “Tôi cũng thấy rằng qua dịch bộc lộ những yếu kém hiện hữu là y tế dự phòng và y tế cơ sở thì phải củng cố. Cái quan trọng là nguồn nhân lực, phải đầu tư cho nguồn nhân lực như đào tạo và thu hút. Dành tiền mua trang thiết bị có thể nhanh nhưng đào tạo nguồn nhân lực thì mất nhiều năm”, ông nói.

  • Giải pháp hỗ trợ cho Đồng bằng sông Cửu Long

    Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) lo ngại đợt bùng phát từ cuối tháng 9 đang diễn biến phức tạp ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, có thể từ đợt người lao động hồi hương trước đó. Bà cho rằng thực trạng này làm dấy lên lo ngại về khả năng thu dung, điều trị, cách ly, an ninh trật tự của các địa phương này.
    Bà đề nghị người đứng đầu Chính phủ nêu giải pháp hỗ trợ, gói an sinh cho người dân tại khu vực này cũng như quyết sách điều phối giúp phát triển kinh tế – xã hội ở khu vực.

    Thừa nhận thực trạng lao động đổ về quê là tất yếu khi dịch bệnh diễn ra, tuy nhiên Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng điều không bình thường là việc quản lý Nhà nước của chúng ta còn sơ hở. Vì vậy, khi người dân dịch chuyển đã gây áp lực cho các tỉnh.

    Về biện pháp, Thủ tướng cho biết Trung ương và địa phương phải xem xét kỹ năng lực y tế, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành có giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực y tế cho địa phương; tăng cường vaccine cho người dân.

    Thủ tướng thừa nhận vaccine vẫn phải ưu tiên cho vùng dịch phức tạp trước, Đồng bằng sông Cừu Long cũng chưa được ưu tiên nhiều. Ông cho biết Chính phủ sẽ cố gắng ưu tiên vaccine cho Đồng bằng sông Cửu Long khi vaccine phân phối đủ.
    Thủ tướng cũng nói sẽ có thêm chính sách an sinh – xã hội, hỗ trợ cho người dân khu vực này; huy động từ các thành phần kinh tế để giảm áp lực cho Đồng bằng sông Cửu Long.

    Về phương án căn cơ, Thủ tướng cho biết cần giải quyết nút thắt hạ tầng, thứ nhất là giao thông; thứ hai là hạ tầng chống biến đổi khí hậu; thứ ba là hạ tầng y tế và giáo dục.

    Ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh thời gian tới, Chính phủ sẽ nghiên cứu thêm cơ chế, chính sách, từ đó có cơ sở đề nghị Quốc hội thêm chính sách để phát triển căn cơ vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Giải quyết được những vấn đề trên, Thủ tướng cho biết sẽ giải quyết được vấn đề việc làm, thu hút đầu tư, tạo sinh kế cho người dân nơi đây.

  • Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) đề cập về chiến lược xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả. Ông đề nghị Thủ tướng nêu cụ thể các giải pháp để triển khai, thực hiện thành công mục tiêu này.

    Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết thông điệp này dựa trên kinh nghiệm, bài học nhiều thế hệ lãnh đạo đi trước. Trước diễn biến nhanh, khó lường, việc đổi mới tư duy nằm trong chủ trương chung của Đảng và Nhà nước.
    Theo Thủ tướng, bên cạnh hoàn thiện thể chế, Chính phủ hướng đến tăng cường kỷ cương, kỷ luật, kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm để giữ sự liêm chính. Chính phủ sẽ xây dựng quy định, quy chế để kiểm tra, giám sát theo quy định.

  • Nghiên cứu xây dựng quỹ cho phòng chống dịch và an sinh xã hội

    Trả lời về mối quan tâm những tháng cuối năm, Thủ tướng nhắc đến một số vấn đề, trong đó có chương trình phục hồi kinh tế. Ông nhấn mạnh đây sẽ là đột phá trong những tháng cuối năm.

    Hiện, Chính phủ tích cực xây dựng đề án theo một số định hướng. Đầu tiên là nâng cao năng lực y tế. Quý III tăng trưởng GDP âm vì thực hiện các biện pháp hành chính chống dịch. Trong chương trình phục hồi phải nâng cao năng lực y tế, trong đó có y tế dự phòng và y tế cơ sở.

    Một việc nữa mà ông nhắc đến là xây dựng quỹ cho phòng chống dịch, quỹ an sinh xã hội. Hiện, theo quy định, mỗi lần có sự việc khẩn cấp, việc sử dụng tiền ngân sách gặp nhiều thủ tục hành chính. Việc thành lập quỹ theo luật pháp giúp chủ động hơn trong sử dụng. Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh việc thành lập quỹ sẽ phải bàn và thống nhất cụ thể.

    Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh việc tập trung đầu tư vào con người, vì đây là nguồn lực lớn nhất, là vốn quý nhất. Ông nhấn mạnh con người là trung tâm, chủ thể, động lực, mục tiêu của sự phát triển.

    Chính phủ cũng chú ý phục hồi hoạt động cho khu công nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ cá thể.

    Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ đầu tư vào hạ tầng. Nhưng ông lưu ý bài toán đầu tư công còn đang khó giải ngân, thì liệu có gói kích thích kinh tế mới có giải ngân được không nếu đầu tư vào hạ tầng.

    Cuối cùng, Thủ tướng cho rằng cần đầu tư vào hoàn thiện cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp.

    Thu tuong tra loi chat van anh 6
  • Ổn định chính trị rất quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài

    Đại biểu Hoàng Văn Liên (Long An) cho biết cử tri đánh giá cao kết quả chuyến công du của Thủ tướng dự Hội nghị nghị COP26 tại Vương quốc Anh và thăm chính thức Cộng hòa Pháp.
    Ông hỏi Thủ tướng về giải pháp đột phá thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau đại dịch.

    Giải đáp câu hỏi này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại vai trò của đầu tư FDI khi có tính chất đột phá và quan trọng.
    Trong đầu tư FDI, ông nhắc đến các yếu tố như vốn, công nghệ, quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

    Các giải pháp thu hút đầu tư đã được một số bộ trưởng trả lời chất vấn trước đó giải đáp rõ, song Thủ tướng nhấn mạnh giải pháp đột phá trước hết là hành lang pháp lý.
    Mong muốn của các nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam, theo người đứng đầu Chính phủ, đó là yếu tố ổn định chính trị. Ông dẫn chứng câu chuyện Ngân hàng Standard Chartered đầu tư 8 tỷ USD cho các dự án phát triển bền vững ở Việt Nam để nhấn mạnh quan điểm các nhà đầu tư bỏ ra số vốn rất lớn và họ muốn an tâm đầu tư lâu dài.

    “Vì vậy, ổn định chính trị rất quan trọng”, Thủ tướng nói.

    Yếu tố thứ hai Thủ tướng nhấn mạnh là con người. Theo ông, người Việt Nam cần cù lao động và rất linh hoạt, sáng tạo. Trong khi đó, chủ trương, đường lối của chúng ta cũng rất rõ khi lấy
    con người làm chủ thể, trung tâm, động lực và mục tiêu cho sự phát triển. Người đứng đầu Chính phủ cũng một lần nữa nhấn mạnh quan điểm “không hy sinh công bằng xã hội và môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần”.

  • Bài học kinh nghiệm từ công tác phòng, chống dịch

    Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho biết hiện nay Việt Nam đã chuyển trạng thái phòng, chống dịch sang thích ứng an toàn, linh hoạt để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh gắn với phục hồi phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, đại biểu đặt câu hỏi với Thủ tướng về những kinh nghiệm, bài học rút ra được trong quá trình chống dịch vừa qua.

    Trả lời về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đây là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Trong đó, có 5 bài học kinh nghiệm được Chính phủ rút ra từ đợt phòng chống dịch vừa qua.
    Thứ nhất là cách tiếp cận phòng, chống dịch theo hướng toàn dân, lấy người dân là trung tâm và chủ thể phòng, chống dịch, từ đó triển khai các chính sách đều hướng tới người dân.

    Ngược lại, người dân cũng tham gia phòng, chống dịch một cách chủ động.
    Trên thực tế, khi dịch bệnh bùng phát tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, Chính phủ đã triển khai ngay biện pháp “mỗi xã, phường là một pháo đài chống dịch”, biện pháp này đã ghi nhận hiệu quả tích cực. Tuy vậy, khi tổ chức thực hiện cũng có một số địa phương hiểu sai bản chất, gây ách tắc, ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân.

    Thứ hai, Thủ tướng cho biết việc phòng, chống dịch hiệu quả còn được hỗ trợ từ tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Năm 2020, khi dịch bệnh bùng phát, Chính phủ đã đề xuất và Tổng bí thư đã ra lời kêu gọi người dân tham gia phòng, chống dịch. Năm nay, khi tình hình bùng phát mạnh tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, Tổng bí thư cũng ra lời kêu gọi.
    “Đây như lời hiệu triệu và chúng ta sẵn có tinh thần đại đoàn kết dân tộc nên huy động được ngay sức mạnh này vào phòng, chống dịch, điều mà nhiều nước không có được”, Thủ tướng cho biết.

    Kinh nghiệm thứ ba được Thủ tướng nêu là các địa phương đã ứng phó linh hoạt với diễn biến của dịch bệnh dù đây là vấn đề chưa từng có tiền lệ. Khi nhận thấy năng lực y tế cấp cơ sở yếu, lập tức quân đội và công an được điều động bổ sung hỗ trợ. Theo Thủ tướng, dù vẫn còn một số hạn chế nhưng việc huy động quân đội và công an vào công tác phòng, chống dịch là một kinh nghiệm tốt.

    Thứ tư, khi chưa đủ vaccine để ngăn chặn dịch bệnh, các chính sách an sinh xã hội đã góp phần giúp người dân an tâm, phối hợp cùng chính quyền chống dịch. Trong thời gian tới, khi tình hình dịch bệnh cải thiện, Thủ tướng cho biết sẽ có tổng kết để đưa ra bài học vận dụng về riêng vấn đề này.

    Kinh nghiện thứ năm là ngoài việc sử dụng nguồn lực trong nước, Việt Nam đã huy động được sự giúp đỡ của quốc tế, đặc biệt trong vấn đề vaccine.

    Hiện nay, quá trình sản xuất vaccine trong nước cũng đang được thúc đẩy. Đã có 2 hội đồng độc lập với quản lý Nhà nước là Hội đồng đạo đức và Hội đồng cấp phép được thành lập để tham gia vào quá trình sản xuất vaccine. Lãnh đạo Chính phủ khẳng định việc sản xuất vaccine trong nước phải đảm bảo vấn đề an toàn.

    “Vaccine là vũ khí quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh, nên chúng ta phải làm mọi biện pháp để đạt được. Có thể nói, chúng ta đang đi hai chân trong vấn đề vaccine, vừa đàm phán mua từ quốc tế vừa nghiên cứu sản xuất trong nước”, Thủ tướng chia sẻ.

  • 134 đại biểu chất vấn

    Kết thúc phiên trả lời chất vấn của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội kết luận sau 2,5 ngày làm việc, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XV trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi.
    Cùng với các bộ trưởng chịu trách nhiệm trả lời chính, Chủ tịch Quốc hội cho biết có 13 thành viên Chính phủ liên quan tham gia làm rõ thêm vấn đề đại biểu quan tâm, gồm Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và 12 bộ trưởng, trưởng ngành.
    Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã báo cáo làm rõ nhiều vấn đề đại biểu quan tâm và trực tiếp trả lời chất vấn.

    Theo tổng kết của Chủ tịch Quốc hội, trong 2,5 ngày chất vấn, có 134 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn (trong đó có 12 lượt đại biểu dành câu hỏi chất vấn Thủ tướng), 24 đại biểu tranh luận để làm rõ hơn vấn đề.

    “Trong 2,5 ngày có tổng số 171 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường”, ông Huệ khái quát và đánh giá việc chất vấn đã đổi mới, các đại biểu nắm chắc thực tiễn nên chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, tranh luận sôi nổi để làm rõ vấn đề cũng như yêu cầu làm rõ trách nhiệm và đưa ra giải pháp.

    Chủ tịch Quốc hội ghi nhận các thành viên Chính phủ trả lời nghiêm túc, không né tránh vấn đề khó, phức tạp và nhận trách nhiệm về hạn chế của ngành, đưa ra cam kết khắc phục.

    Ông Huệ nhấn mạnh chất vấn là hoạt động giám sát trực tiếp hiệu quả của Quốc hội, góp phần tạo dấu ấn, lan tỏa cảm hứng hành động trong nỗ lực đổi mới hoạt động giám sát.

Nguồn: News.zing.vn