Nhiều năm trở lại đây, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực, chủ động quán triệt, tuyên truyền, triển khai các chính sách, pháp luật về phát triển du lịch, đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về du lịch, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển du lịch. Theo đó, việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển du lịch như: quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, quản lý kinh doanh du lịch, phát triển nguồn nhân lực, quảng bá, xúc tiến du lịch và xây dựng thương hiệu du lịch Ninh Bình… được thực hiện đồng bộ, qua đó góp phần từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Du khách tham quan Khu Di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư. Ảnh: Minh Đường
Để phát triển du lịch, công tác quy hoạch phải đi trước một bước. Xác định được điều đó, trong những năm qua, Ninh Bình đã quan tâm thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về quy hoạch, nhằm đảm bảo du lịch phát triển bền vững. Quá trình triển khai thực hiện, tỉnh đã sớm tham mưu và đề xuất để xin Chính phủ cho phép điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phục vụ cho phát triển du lịch. Theo đó, diện tích quy hoạch đất có di tích, danh thắng, lịch sử – văn hóa toàn tỉnh đến năm 2020 của tỉnh là 626ha, chiếm 0,47% cơ cấu đất phi nông nghiệp. Căn cứ quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, Sở Du lịch đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung, lập quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch cho phù hợp. Việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất liên quan đến kết cấu hạ tầng du lịch, các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng được thực hiện đảm bảo.
Công tác đầu tư cho phát triển du lịch được đặc biệt quan tâm, cơ sở hạ tầng phục vụ các hoạt động du lịch từng bước đồng bộ, hệ thống giao thông kết nối các tuyến, điểm du lịch dần được hoàn thiện. Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh có 25 dự án đầu tư phát triển du lịch bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước với tổng số tiền trên 3.045 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn huy động khoảng 12.000 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư 38 dự án du lịch. Đến nay, nhiều dự án đã đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả.
Thực hiện chính sách, pháp luật về quảng bá, xúc tiến du lịch và xây dựng thương hiệu du lịch Ninh Bình, Sở Du lịch đã tích cực phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện giới thiệu quảng bá du lịch của tỉnh thông qua các Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch trong nước và quốc tế; phát hành hơn 15 vạn ấn phẩm, tài liệu, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; quảng bá du lịch trên mạng xã hội, trên các chuyên mục du lịch; phối hợp với VNPT Ninh Bình xây dựng và đưa vào khai thác phần mềm “Cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động”…, góp phần quảng bá, đưa hình ảnh đất, người Ninh Bình đến với khách du lịch trong và ngoài nước.
Cùng với đó, tỉnh quan tâm chú trọng xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch Ninh Bình và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Đến nay, Ninh Bình có Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động, Khu du lịch sinh thái Tràng An được Chính phủ công nhận là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia; Cố đô Hoa Lư là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia; Cột kinh chùa Nhất Trụ, sập Long Sàng tại nghi môn nội và nghi môn ngoại đền Đinh Tiên Hoàng (Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư) được công nhận là bảo vật quốc gia. Đặc biệt, Khu du lịch sinh thái Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới… Công tác bảo tồn, phát huy nghệ thuật hát xẩm, hát chèo, văn hóa cồng chiêng được quan tâm; các sản phẩm làng nghề, làng nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch được triển khai theo đúng Quy hoạch; nhiều đặc sản Ninh Bình đã được công nhận là món ăn nổi tiếng của Việt Nam và kỷ lục châu á: dê núi Trường Yên, rượu Kim Sơn, nem Yên Mạc, cơm cháy Ninh Bình, mắm tép Gia Viễn…, đã tạo nên những sản phẩm du lịch riêng có của ngành du lịch Ninh Bình.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 24 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành; 583 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 7.021 phòng, trong đó có 46 khách sạn 1 đến 2 sao với 1.235 phòng ngủ và 13 khách sạn từ 3 sao và tương đương trở lên với 1.310 phòng ngủ. Sở Du lịch đã cấp, đổi 449 thẻ hướng dẫn viên du lịch cho các cá nhân, trong đó: 89 thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 117 thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa, 243 thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm; 3 Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa theo quy định của Luật Du lịch năm 2017. Hoạt động vận chuyển khách du lịch tại các khu, điểm du lịch thực hiện đảm bảo quy định; các bãi đỗ xe, bến đò vận chuyển khách du lịch được các đơn vị đầu tư nâng cấp, cơ bản bảo đảm an toàn, thuận tiện phục vụ khách du lịch.
Công tác quản lý Nhà nước về du lịch được tăng cường. An ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường được đảm bảo, văn minh du lịch được thực hiện hiệu quả. Các đơn vị đã huy động phương tiện, nhân lực, các điều kiện cần thiết đảm bảo an toàn, cơ bản không để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Công tác khám, chữa bệnh phục vụ hoạt động du lịch được đảm bảo; tại các lễ hội, các sự kiện lớn của tỉnh công tác cấp cứu lưu động được tổ chức tốt, sơ cứu người bệnh tại chỗ và vận chuyển đến cơ sở y tế khi cần thiết nên tạo được tâm lý yên tâm cho du khách.
Thực hiện đồng bộ các nhóm chính sách và quy định của pháp luật về du lịch, du lịch Ninh Bình đã phát triển với tốc độ nhanh, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ, góp phần bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, góp phần nâng cao vị thế của tỉnh Ninh Bình so với các địa phương trong khu vực sông Hồng và trong cả nước. Nếu như, năm 2010, tổng số khách đến tham quan tại các khu, điểm du lịch đạt xấp xỉ 3,1 triệu lượt thì đến năm 2018 đạt trên 7,3 triệu lượt, tốc độ tăng trưởng bình quân năm đạt 12,05%. Du lịch đã và đang trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Từ sự phát triển của du lịch, đã có khoảng 21.100 lao động được tạo việc làm với thu nhập ổn định; doanh thu từ du lịch năm 2010 đạt 551,4 tỷ đồng, đến năm 2018 đạt 3.213,3 tỷ đồng, vượt mục tiêu đến năm 2020 là 3.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2010 – 2018 là 25,4%/năm.
Mai Lan
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn