Tinh hoa nghề chạm bạc tại Đồng Xâm,Thái Bình

0
Tinh hoa nghề chạm bạc tại Đồng Xâm,Thái Bình

Trong những làng nghề nổi tiếng trên đất Bắc xưa kia, hẳn ai cũng từng biết đến tên Làng chạm bạc Đồng Xâm, Thái Bình.

 

Tại Đồng Xâm, trẻ con biết cầm búa gò bạc trước khi học chữ, nam nữ thanh nhiên hầu hết đều thành thạo những kỹ năng của nghề chạm đủ để đi xa lập nghiệp lúc trưởng thành. Trên đất Bắc có 03 địa danh nổi tiếng với nghề truyền thống chạm bạc đó là phố Hàng Bạc, làng Định Công – Hà Nội và làng Đồng Xâm – Thái Bình. Mỗi nơi mỗi vẻ, mỗi nơi một bí quyết riêng để tạo nên hồn cốt, tinh hoa của sản phẩm và khó có thể phân định hơn thua. Chỉ biết riêng về Đồng Xâm, nghề chạm bạc ở đây đã có lịch sử tới 600 năm. Theo văn bia ghi lại thì nghề chạm bạc xuất hiện vào năm 1428, cụ Nguyễn Kim Lâu là người có công mang nghề về đây truyền dạy cho dân. Thời kỳ đó lập thành phường Phúc Lộc, sản xuất theo mô hình phường rồi đến chi phường. Có một trùm phường và 07 chi phường cai quản 7 hạng thợ với 149 người thuộc dòng họ Nguyễn, Triệu, Trần, Đình, Vũ, Ngô, Hoàng, Đỗ….


Nhờ có nghề chạm bạc mà cuộc sống của người dân Đồng Xâm đã được cải thiện đáng kể, để tưởng nhớ công lao của ông tổ nghề – cụ Nguyễn Kim Lâu, người dân ở đây đã lập đền thờ ông và gọi là Đền Đồng Xâm. Hàng năm lễ hội đền Đồng Xâm được tổ chức từ 1-5 tháng 4 âm lịch với nghi lễ rước tế rất linh đình và nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn.


Thời kỳ hưng thịnh nhất của làng nghề là các nghệ nhân từ Đồng Xâm tỏa ra 4 phương, mang tinh hoa đến khắp mọi miền đất nước. Vào thời Nguyễn, chính các nghệ nhân Đồng Xâm đã vào tận Huế để chạm trổ cung kiếm, đồ trang sức cho triều đình. Và cũng chính họ cùng các thợ bạc ở Châu Khê, Định Công lập ra phố Hàng Bạc ở Hà Nội ngày nay. Do vậy nếu là người trong nghề sẽ có thể nhận thấy những sản phẩm của nghệ nhân phố Hàng Bạc có phảng phất hình ảnh chạm bạc Đồng Xâm dù rằng những nghệ nhân xưa kia khi lên đến mảnh đất kinh kỳ đã tạo nên một phong cách riêng.

 

Nghề chạm bạc chia ra ba phương thức chế tác chính là chạm, đậu và trơn trong đó làng Đồng Xâm chuyên về chạm. Công đoạn này đòi hỏi sự tập trung cao bởi chỉ một sai sót nhỏ cũng đủ để làm hỏng toàn bộ sản phẩm.


Đã từng có một thời kỳ như nhiều làng nghề truyền thống khác, nghề chạm bạc Đồng Xâm cũng lâm vào nguy cơ bị mai một do cơ chế thị trường. Nhiều gia đình đã phải bỏ nghề truyền thống để chuyển sang công việc mới. May mắn là trong cơn nguy khốn đó vẫn có những người yêu nghề và quyết tâm giữ nghề tổ để hôm nay Đồng Xâm đã hồi sinh và phát triển mạnh mẽ. Để phù hợp hơn với nhu cầu thị trường, khoảng 20 năm trở lại đây, bên cạnh những sản phẩm chạm bạc truyền thống, làng nghề Đồng Xâm phát triển cả những mặt hàng chạm đồng hoặc mạ bạc. Về mẫu mã cũng đa dạng hơn xưa rất nhiều từ những đồ dùng thờ cúng như lư hương, đồ thờ, hoành phi, đại tự…cho đến những vật dụng trong gia đình như mâm, khay, ấm chén, bát đĩa…và cả đồ trang sức như vòng, nhẫn, khuyên tai rồi cả những vật trang trí như lọ hoa, tượng…

 

Dù thuộc dòng nào, bạc hay mạ bạc hoặc đồng thì các sản phẩm của Đồng Xâm luôn đảm bảo sự hoàn hảo và nổi bật với hoa văn trang trí tinh xảo, cân đối vô cùng ấn tượng. Chính vì vậy mà trải qua nhiều thăng trầm, sản phẩm của Đồng Xâm hôm nay vẫn được yêu thích và người dân Đồng Xâm có thể đảm bảo một cuộc sống đầy đủ với nghề tổ.


Nếu có dịp về quê hương của chị Hai năm tấn, du khách không chỉ được ngắm những cánh đồng thẳng cánh cò bay, thưởng thức đặc sản bánh cáy, kẹo lạc ngọt bùi mà còn có thể thăm quan làng nghề 600 năm tuổi Đồng Xâm – nơi tận mắt tìm hiểu quá trình chạm khắc ra sản phẩm và mua một món quà tinh xảo làm kỷ niệm.

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn