Được đàm phán trong bí mật và ra đời trước sự ngỡ ngàng của thế giới, liên minh AUKUS là bước đi tiếp theo trong chiến lược của Mỹ nhằm đối phó với Trung Quốc.
Một liên minh chưa từng có tiền lệ trong hàng chục năm đã được Washington, London và Canberra công bố trong sự ngỡ ngàng của giới chức các nước cùng nhiều chuyên gia.
AUKUS, ghép từ tên tiếng Anh của 3 nước là Australia, UK, và US, tạo tiền đề chuyển giao nhiều công nghệ tiên tiến và năng lực quốc phòng cho Australia – quốc gia nằm ở vị trí quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ.
Dù các quan chức Mỹ và Anh tuyên bố việc thành lập AUKUS không nhằm đe dọa bất cứ quốc gia nào, các chuyên gia có chung nhận định thỏa thuận lập ra AUKUS đánh dấu một bước chuyển to lớn về chiến lược và chính sách trên toàn khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, mà mục đích chủ yếu để đối phó với Trung Quốc.
Thỏa thuận AUKUS gồm những gì?
Về mặt chính thức, thỏa thuận bao gồm chia sẻ thông tin, công nghệ trong nhiều lĩnh vực gồm tình báo, công nghệ lượng tử, tên lửa dẫn đường.
Tuy nhiên, một trong những nội dung then chốt và gây chú ý nhất là tàu ngầm hạt nhân mà Mỹ và Anh dự kiến giúp Australia phát triển. Tàu ngầm hạt nhân của Australia sẽ được đóng ở thành phố Adelaide. Washington và London sẽ cố vấn và chuyển giao công nghệ.
Công nghệ tàu ngầm hạt nhân từng được Mỹ chuyển giao cho Anh thông qua Hiệp định phòng thủ tương hỗ năm 1958, văn kiện nền tảng cho quan hệ đồng minh đặc biệt giữa 2 nước. Trước Australia, Anh là quốc gia duy nhất được Mỹ chuyển giao công nghệ tàu ngầm hạt nhân.
“Tàu ngầm hạt nhân có năng lực phòng thủ to lớn, và bởi vậy ảnh hưởng tới cả khu vực. Chỉ 6 quốc gia trên thế giới có tàu ngầm hạt nhân. Không cần trang bị vũ khí hạt nhân, đây vẫn là công cụ răn đe đầy uy lực”, Michael Shoegbridge, giám đốc quốc phòng, chiến lược và an ninh quốc gia của Viện Chính sách chiến lược Australia, nói với BBC.
Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia USS Minnesota trong quá trình xây dựng ở nhà máy đóng tàu tại Newport News, Virginia. Ảnh: US Navy. |
Tàu ngầm hạt nhân có khả năng tàng hình hiệu quả hơn nhiều lần so với tàu ngầm thông thường. Chúng hoạt động yên lặng hơn bởi vậy rất khó để phát hiện. Ít nhất 8 tàu ngầm sẽ được đóng, dù chưa có thời gian cụ thể.
Theo bà Yun Sun, chuyên gia Chương trình Đông Á tại tổ chức tư vấn chính sách Stimson Center, AUKUS cho thấy Mỹ và Anh đã có bước đi đột phá khi xuất khẩu công nghệ hạt nhân cho một quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân. Điều này là một phần cho thấy liên minh AUKUS sẽ rất đặc biệt.
“Tàu ngầm hạt nhân là công nghệ đặc biệt nhạy cảm. Đây là một ngoại lệ trong chính sách của chúng tôi trên nhiều khía cạnh. Tôi không tin sẽ có thêm ngoại lệ như vậy với bất cứ quốc gia nào khác”, một quan chức Mỹ giấu tên nói với Reuters.
Vì sao lại là lúc này?
Tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Mỹ có rất nhiều đồng minh quan trọng, thậm chí có ý nghĩa then chốt trong chiến lược toàn cầu. Có thể kể tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore hay New Zealand. Nhưng vì sao Australia lại được chọn?
Australia là quốc gia chia sẻ sự tương đồng trên tất cả các khía cạnh với Mỹ và Anh, từ ngôn ngữ, văn hóa, thể chế chính trị, sức mạnh kinh tế, lẫn chính sách đối ngoại. Thực tế, cả Australia và Mỹ đều là di sản của đế chế Anh.
“AUKUS phản ánh mối quan hệ chặt chẽ giữa chúng ta với Mỹ và Australia, cùng những giá trị chung mà chúng ta chia sẻ ở mức độ tin tưởng mật thiết”, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố.
Thời gian thỏa thuận AUKUS được công bố đặc biệt đáng chú ý. AUKUS ra mắt ngày 15/9, tròn một tháng kể từ khi Taliban tiến vào Kabul, đặt dấu chấm hết cho chính quyền Afghanistan được phương Tây ủng hộ.
Cách Washington rút quân khỏi Afghanistan, để lại sau lưng một đồng minh run rẩy và cuối cùng sụp đổ chóng vánh mà không can thiệp, đã làm dấy lên câu hỏi về uy tín của nước Mỹ, khiến ngay cả các đồng minh thân cận nhất cũng phải lo ngại.
AUKUS được công bố không lâu sau khi Mỹ và các nước phương Tây hoàn tất rút quân khỏi Afghanistan. Ảnh: Reuters. |
Ở một khu vực nhạy cảm như Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nơi hiện diện của Trung Quốc – đối thủ nặng ký hơn nhiều so với Taliban và đang ngày càng quyết đoán và liên tục mở rộng ảnh hưởng – thì việc sự hoài nghi về cam kết của Washington với các đồng minh và đối tác là điều khó tránh khỏi.
Vì thế, bên cạnh những hoạt động tuần tra tự do hàng hải của hải quân trên Biển Đông, Mỹ cần đến một liên minh đặc biệt với sự tham gia của Anh, đồng minh thân cận nhất, cùng Australia, một cường quốc của khu vực.
AUKUS giống như một tuyên bố về sự hiện diện thường trực, lâu dài của Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Còn về phần Anh, London đang hăm hở can dự sâu hơn vào khu vực châu Á, đặc biệt sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Những người chỉ trích Brexit từng mỉa mai rằng không có EU, nước Anh chỉ là một hòn đảo nhỏ nhoi, lạnh lẽo, cô độc.
Chính quyền Thủ tướng Johnson đang tìm mọi cách để chứng minh rằng Anh là một cường quốc trên phạm vi toàn cầu. AUKUS trao cho nước Anh một cơ hội, sau khi London cho biết muốn gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP.
“Liên minh cho thấy cả 3 quốc gia đang vẽ ra một ranh giới để bắt đầu cùng đối chọi những bước đi quyết liệt của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, Guy Boekenstein, quan chức chính quyền Lãnh thổ Bắc Australia, tuyên bố.
Mỹ tăng cường đối phó Trung Quốc
Sau khi nắm quyền ngày 20/1, Tổng thống Joe Biden không mất nhiều thời gian để thúc đẩy chương trình nghị sự với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là trọng tâm.
Giờ đây, Australia đang nằm ở trung tâm gần như tất cả tập hợp lực lượng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, mục tiêu cuối cùng là kiềm tỏa sự trỗi dậy của Trung Quốc mà Washington không thể tiếp tục làm ngơ.
Bộ Tứ, cơ chế hợp tác 4 bên gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, và Australia, đã lập tức được hâm nóng bằng cuộc họp trực tuyến giữa lãnh đạo 4 nước hồi tháng 3. Australia là một trong những thành viên tích cực nhất của Bộ Tứ.
Ngày 24/9, Tổng thống Joe Biden sẽ chủ trì cuộc họp trực tiếp của các lãnh đạo Bộ Tứ tại Nhà Trắng.
Nhóm Ngũ Nhãn (Five Eyes), với sự tham gia của Mỹ, Anh, Canada, New Zealand, và Australia cũng được Mỹ tận dụng triệt để.
Ngũ Nhãn là cơ chế chia sẻ thông tin tình báo giữa 5 quốc gia có chung hệ giá trị, được hình thành từ thời Chiến tranh Lạnh. Giờ đây, đối thủ tiềm tàng của nhóm này dường như là Trung Quốc, và Australia là nước lên tiếng mạnh mẽ nhất ngoài Mỹ.
Thủ tướng Australia Scott Morrison trong buổi ra mắt AUKUS. Ảnh: Gary Ramage. |
Dù vậy, hai thành viên của Ngũ nhãn là New Zealand và Canada đến nay tiếp tục theo đuổi lập trường tương đối ôn hòa với Trung Quốc. Hai nước này có thể chỉ trích Bắc Kinh về một số vấn đề, nhưng nhìn chung tránh các va chạm có thể làm quan hệ xấu đi.
Ngược lại, từ cuối thời cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull, Australia dần theo đuổi một chính sách cứng rắn hơn, đối đầu trực diện hơn với Trung Quốc.
Dưới thời Thủ tướng đương nhiệm Scott Morrison, va chạm giữa Canberra và Bắc Kinh dẫn tới những biện pháp trừng phạt thương mại mà Trung Quốc áp đặt lên Australia. Quan hệ giữa hai nước đang ở trong trạng thái tồi tệ chưa từng có.
David Capie, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược tại Đại học Victoria, New Zealand, cho biết AUKUS cho thấy “mức độ tham gia sâu hơn” của Australia trong hoạch định chính sách quốc phòng, anh ninh trong vấn đề Trung Quốc.
“Liên minh này có động lực chủ yếu là lo ngại về Trung Quốc. Dù Trung Quốc không được đề cập trong các tuyên bố, tất cả đều xoay quanh Trung Quốc”, giáo sư Capie nói, theo Guardian.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 15/9, Nhà Trắng khẳng định tàu ngầm hạt nhân cho phép Australia “triển khai lực lượng trong thời gian dài hơn”, “yên lặng hơn”, “với nhiều năng lực hơn”.
“Các tàu ngầm này sẽ cho phép chúng ta duy trì, cải thiện năng lực răn đe khắp khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, Nhà Trắng cho biết.
Hiển nhiên, tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chỉ một đối thủ có sức mạnh tương xứng với khả năng răn đe của đồng thời 3 nước Mỹ, Anh và Australia.
Sau khi AUKUS được ra mắt, đến lượt EU dự kiến sớm công bố chiến lược nhằm tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và đối phó với Trung Quốc, Reuters ngày 16/9 đưa tin. Chiến lược mới của EU tập trung củng cố quan hệ với các quốc gia đối tác ở khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.
Nguồn: News.zing.vn