Hiểu về những giai đoạn tài chính giúp chúng ta có cái nhìn tổng quát trong quản lý tiền bạc và lập kế hoạch cho từng khoảng thời gian khác nhau.
Hiểu về những giai đoạn tài chính giúp chúng ta có cái nhìn tổng quát trong quản lý tiền bạc và lập kế hoạch cho từng khoảng thời gian khác nhau.
Đặc điểm 4 giai đoạn tài chính trong đời
Có nhiều cách chia giai đoạn tài chính trong đời mỗi cá nhân. Các quan điểm khác nhau phụ thuộc phần lớn vào mong muốn cá nhân đối với công việc, sự nghiệp.
Ngoài ra, mỗi người cũng khác biệt về thời điểm ổn định cuộc sống gia đình, nhu cầu tiêu dùng, tính ổn định của dòng thu nhập và mức độ chi tiêu cần thiết.
Với đa số người có công việc làm công ăn lương bình thường, tôi cho rằng có thể chia thành 4 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Bắt đầu có thu nhập, còn trẻ và ít vướng bận
Đây thường là giai đoạn U30. Ở giai đoạn này, chúng ta có xu hướng chi tiêu cho nhu cầu bản thân và bù trừ bằng thẻ tín dụng, do đó ít quan tâm đến tài chính cá nhân.
Khi mới có công việc tạo ra thu nhập, bỏ tiền ra để có những trải nghiệm vui vẻ là một loại nhu cầu khó cưỡng lại. Không khó để bắt gặp những nhân viên văn phòng mỗi ngày chi tiền mua sắm với suy nghĩ đó chỉ là khoản tiền nhỏ. Dù vậy, khi tổng hợp lại, không ít người sẽ bất ngờ với số tiền đã tiêu.
Lời khuyên của tôi cho các bạn trẻ đang ở giai đoạn 1 là hãy tập thói quen lên ngân sách hàng tháng, cố gắng cân bằng và bắt đầu tích lũy. Đây là những bước quan trọng tạo tiền đề để quản lý các giai đoạn sau hiệu quả.
Giai đoạn 2: Ổn định sự nghiệp và gia đình
Sức ép chi tiêu ở giai đoạn thứ hai là lớn nhất, khi chúng ta cần tiền để mua nhà, giáo dục con cái và đầu tư cho tương lai.
Ngoài ra, nhu cầu tiết kiệm, mua bảo hiểm cho bản thân và giúp đỡ người thân cũng xuất hiện trong giai đoạn này. Để trang trải những chi phí trên, nhiều người dần có các khoản vay.
Nếu bạn đã biết cách quản lý tài chính từ giai đoạn 1, áp lực trong lúc này sẽ giảm đi đáng kể.
Trái lại, nếu đã lỡ bỏ qua giai đoạn trước, bạn nên giữ nợ trong mức có thể chi trả, bổ sung kiến thức tài chính cá nhân và lập kế hoạch chi tiêu cho mình ngay.
Giai đoạn 3: Chuẩn bị nghỉ hưu
Giai đoạn thứ ba bắt đầu khi nhiều người đã ổn định gia đình và quản lý được chi tiêu định kỳ. Nhờ tập trung chính vào sự nghiệp, thu nhập của phần đông sẽ cải thiện nhiều so với trước, hầu hết có khoản tích lũy đầu tư.
Không có quy tắc nào trong việc dành dụm lương hưu. Mỗi người một lối sống và quan điểm khác nhau. Bạn có thể chọn dành tiền cho những trải nghiệm tuổi trẻ như học tập, khởi nghiệp, hoặc tiết kiệm để xây dựng quỹ lương hưu lớn.
Đây là lựa chọn có tính đánh đổi và chấp nhận rủi ro. Song, nếu bạn muốn nghỉ hưu sớm, thì việc chuẩn bị tài chính cẩn thận trong giai đoạn 3 là điều cần thiết.
Bên cạnh việc giải quyết dứt điểm các khoản vay nợ, bạn có thể tham vấn chuyên gia tài chính cá nhân và thực hiện đầu tư tiền nhàn rỗi.
Giai đoạn 4: Đã nghỉ hưu
Tùy vào mạng lưới an sinh xã hội từng nước, nhu cầu tài chính khi không còn thu nhập từ việc làm sẽ khác nhau.
Tựu trung, một số vấn đề cần quan tâm là lên kế hoạch tài chính cho chi tiêu y tế, hoạt động xã hội, lập quỹ giáo dục, sức khỏe cho con cháu và nghĩ về thừa kế.
Việc quản lý tốt tài chính cá nhân trong những giai đoạn trước sẽ phần nào giúp giai đoạn này dễ trang trải hơn.
Cách tối ưu khả năng tài chính ở mọi giai đoạn
Tránh vay nợ không cần thiết
Trong bất kỳ giai đoạn nào, việc chi tiêu và vay nợ đều cần được cẩn trọng. Cách phòng ngừa tốt nhất là đừng trở thành nô lệ của thẻ tín dụng và các dịch vụ cho vay tiêu dùng cá nhân.
Ngoài ra, hãy chuẩn bị quỹ khẩn cấp để đối phó với các tình huống xấu ngoài dự đoán. Mất việc hoặc giảm thu nhập do Covid-19 là một ví dụ điển hình.
Tập trung phát triển sự nghiệp khi còn trẻ
Người trẻ nên tập trung phát triển sự nghiệp vì đó là nguồn thu nhập có thể tăng nhanh nhất. Một số người tôi biết đã “nhảy việc” và có lương, thưởng mỗi năm tăng 50-200% trong thời gian dài. Đầu tư tài chính không dễ tạo ra những tỷ suất sinh lợi cao như vậy một cách ổn định.
Công việc càng thăng tiến thì tích lũy tài chính từ sự nghiệp càng nhiều.
Do đó, trừ phi bạn làm việc trong ngành tài chính, còn lại nên dành thời gian cho bản thân và sự nghiệp. Phần tiền dư có thể để vào các quỹ đầu tư thụ động nhưng không cần quan tâm quá.
Khi sự nghiệp ổn định và cơ hội thăng tiến không còn nhiều, bạn có thể chuyển hướng tập trung sang đầu tư tiền nhàn rỗi để tăng thu nhập thụ động.
Tích lũy và đầu tư sớm
Doanh nhân Warren Buffett đã chỉ ra rằng bạn nên đầu tư càng sớm càng tốt vì lợi ích của lãi kép (compounded return) tạo ra.
Giả sử, nếu lợi nhuận bạn kiếm được hàng năm là 10% trên giá trị khoản đầu tư, thì 1 đồng đầu tư ban đầu qua năm thứ hai sẽ là 1 + (100% + 10%) = 1,1 đồng. Năm thứ ba là 1,1 + (100% + 10%) = 1,21 đồng.
Mỗi năm, tiền sinh lời 10% trên phần vốn tăng thêm, không phải chỉ trên 1 đồng. Do đó, sau 10 năm, 1 đồng sẽ trở thành 2,59 đồng.
Đầu tư càng sớm thì sức mạnh của lãi gộp càng cao. Nhờ đầu tư sớm và tích lũy qua năm tháng, không ít người đã trở thành triệu phú dù công việc bình thường, thành quả đầu tư không vượt trội.
Nguồn: News.zing.vn