Người nuôi tôm hùm ở Khánh Hòa đứng trước nguy cơ lỗ nặng khi giá tôm giảm mạnh, không có đầu ra, trong khi giá thức ăn cho tôm tăng gấp 3 lần.
“Mùa này các năm chỉ cần tôm đủ size có thể xuất bán, giá có thể giao động 1,9-2,5 triệu đồng. Thị trường trong nước cũng như xuất khẩu đều thu mua hết. Năm nay dịch bệnh kéo dài, mấy tháng chỉ bán nhỏ giọt, giá rớt thê thảm”, anh Lê Văn Hưng, ngụ xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, cho biết.
Trước dịch, thời gian này là cao điểm mùa du lịch, khách đến Khánh Hòa nghỉ dưỡng đông, kéo theo nhu cầu về thực phẩm lớn, trong đó có tôm hùm.
Giá tôm hùm lao dốc
Theo anh Hưng, người nuôi tôm thường căn để thả giống cho vụ thu hoạch vào mùa hè và giáp Tết. Bởi thời điểm đó là mùa du lịch và dịp Tết, lượng tiêu thụ trong nước và bên Trung Quốc rất lớn. Nhưng nay thị trường trong nước gần như đóng băng, còn xuất khẩu cầm chừng khiến người nuôi đứng ngồi không yên.
Hai chục vuông tôm của anh Hưng dự kiến xuất khoảng 10 tấn tôm dịp hè, số còn lại cộng thêm lứa thả mới cho dịp Tết. Nhưng dự định của anh không thành. “Tôm trong lồng đã lớn nhưng tiểu thương mua rất ít, các mối xuất khẩu đã ngưng cả tháng nên càng nuôi càng lỗ vốn”, anh Hưng nói.
Hàng trăm người nuôi ở Khánh Hòa lo lắng khi giá tôm hùm xuống thấp. Ảnh: An Bình. |
Tương tự, bà Nguyễn Thị Ngay, thôn Khải Lương, xã Vạn Thạnh, cả tháng nay đi ra, đi vào vì tôm lớn không bán được.
Gia đình bà nuôi 600 lồng với hơn 150.000 con cả tôm bông và tôm xanh. Theo bà, cách đây 3 tháng giá nhích lên 1,8-2,9 triệu đồng/kg. Hiện, rớt xuống chỉ còn 1,2-1,6 triệu đồng/kg.
“Tôi vừa bán khoảng 4 tấn mà giá cao nhất cũng chỉ được 1,8 triệu đồng/kg (tôm hùm bông loại 1). Với giá bán như hiện tại nếu xuất hết sẽ lỗ khoảng 20 tỷ đồng”, bà Ngay thở dài.
Theo các hộ nuôi tôm ở huyện Vạn Ninh, năm ngoái vì dịch bệnh họ đã giảm diện tích nuôi, hy vọng dịch bệnh sớm kiểm soát thị trường ấm lên.
Tôi vừa bán khoảng 4 tấn mà giá cao nhất cũng chỉ được 1,8 triệu đồng/kg (tôm hùm bông loại 1). Với giá bán như hiện tại nếu xuất hết sẽ lỗ khoảng 20 tỷ đồng
Bà Nguyễn Thị Ngay, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh
“Năm ngoái ai cũng lỗ khi nuôi tôm hùm vì dịch. Nên năm nay khi xuống giống đều hy vọng dịch bệnh sớm kết thúc, tôm lên giá để gỡ gạc lại vốn bỏ ra. Đến nay thì coi như lỗ nặng”, ông Hưng cho biết.
Nếu những hộ nuôi tôm hùm bông vẫn còn chút hy vọng vì càng lớn giá trị thịt tăng theo. Còn các hộ nuôi tôm hùm xanh ngược lại, vì tôm càng nuôi tỷ lệ lỗ vốn, rủi ro càng tăng theo.
“Đặc điểm của tôm hùm xanh khi trọng lượng đạt từ 200-400 gram là có thể xuất bán. Nếu nuôi thêm tôm lớn rất chậm, trong khi tiền thức ăn lại tăng lên. Nếu không cho ăn đủ, tôm hùm xanh sẽ tự cắn lẫn nhau trong lồng. Thời gian nuôi từ 6-8 tháng mà không xuất bán người nuôi sẽ thiệt đơn, thiệt kép”, ông Hồ Trong Kha, một hộ nuôi tôm giải thích.
Giá thức ăn tăng gấp 3 lần
Tôm rớt giá khiến người nuôi thấp thỏm, trong khi giá thức ăn tăng từng ngày càng làm nỗi lo của họ tăng bội phần. Theo các hộ nuôi, so với 3 tháng trước, giá thức ăn hiện đã tăng gấp 3 lần.
Thức ăn của tôm chủ yếu là cua, ốc và cá. Trước đây một kg cua chỉ từ 20.000-22.000 đồng thì giờ đã lên hơn 60.000 đồng/kg. Còn ốc, cá tăng từ 7.000-8.000/kg lên 20.000-25.000 đồng/kg.
“Một ngày gia đình phải cho tôm ăn khoảng 3 tấn mồi. Với giá cao như hiện tại, tôi phải vay tiền để mua mồi duy trì thức ăn cho lượng tôm trong lồng”, bà Ngay nói và cho biết không chỉ riêng gia đình mình mà hàng trăm hộ nuôi tôm hùm cũng đang chịu chung cảnh ngộ.
Những hộ cạn vốn sẽ gặp khó khăn khi mua mồi duy trì tôm trong lồng, trong khi các hộ có sẵn tiền cũng không dễ kiếm được nguồn cung cấp.
“Giờ mồi cua, ốc, cá cũng không dễ mua vì giãn cách xã hội ở nhiều địa phương. Tàu thuyền không đi đánh bắt được khiến khan hiếm và giá cả tăng cao. Hàng chục nghìn lồng tôm ở đây chỉ chờ mồi của một số người đi biển ở khu vực vịnh Vân Phong vào bán, có lúc phải giành nhau để có mồi cho tôm ăn hàng ngày”, ông Kha cho biết thêm.
Ông Trần Quang Khánh, Chủ tịch Hội nông dân xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, cho biết toàn xã có khoảng 50 ha nuôi trồng thủy hải sản. Dịch bệnh kéo dài cũng làm người nuôi không dám tăng diện tích như mọi năm.
Hiện, giá cả tôm xuống thấp, trong khi thức ăn cho tôm lại tăng cao nên người nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều hộ nuôi hiện nay không xuất bán được, ai cũng nóng ruột, nhưng không cách giải quyết. “Giãn cách xã hội khiến việc lưu thông hàng hóa gặp khó, thương lái không đi mua như mọi năm”, Chủ tịch Hội nông dân xã Vạn Thọ nói.
Phòng kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết vụ nuôi này địa phương có khoảng 34.800 lồng đang nuôi tôm hùm. Trong đó có khoảng 6.000 lồng nuôi tôm hùm đang tới thời điểm xuất bán, sản lượng khoảng 210 tấn.
Thị trường tôm hùm đang bị phụ thuộc
Theo các tiểu thương, tôm tồn đọng vì thị trường trong nước đã đóng băng. Hàng loạt thị trường lớn như Hà Nội, TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Trong khi đó, thị trường nước ngoài đã ngưng thu mua nhiều tháng nay, một số vẫn xuất đi được theo đường tiểu ngạch với số lượng hạn chế.
Tôm hùm đang phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Ảnh: An Bình. |
Có trường hợp một số tiểu thương liên hệ được thị trường thu mua, gom hàng xuất đi nhưng lại bị trả về.
“Hàng bị trả về do phía đối tác không nhận vì giãn cách xã hội, tiêu thụ không được. Chúng tôi lại phải thuê người nuôi giúp chờ đối tác. Hàng trả về bị chết nhiều, lỗ vốn nên giai đoạn này không dám gom hàng”, chị Hằng, một tiểu thương ở huyện Vạn Ninh cho biết.
Giá xuống thấp là do đang giãn cách xã hội, hàng hóa lưu thông chậm. Không thể xuất bán sang Trung Quốc nên thương lái thu mua nhỏ giọt
Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Hội nông dân huyện Vạn Ninh
Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Hội nông dân huyện Vạn Ninh, cho hay dịch bệnh đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc nuôi trồng cũng như tiêu thụ thủy hải sản của bà con nông dân.
“Giá xuống thấp là do đang giãn cách xã hội, hàng hóa lưu thông chậm. Không thể xuất bán sang Trung Quốc nên thương lái thu mua nhỏ giọt”, ông Minh phân tích.
Cũng theo Chủ tịch Hội nông dân huyện Vạn Ninh, trước nay người dân và các thương lái ở địa bàn làm ăn còn manh mún, chưa có sự liên kết khoa học nên bị phụ thuộc rất nhiều vào các đầu nậu lớn cũng như thị trường. Khi thị trường bị ảnh hưởng, người nuôi thiệt thòi đầu tiên.
“Người nuôi tôm phần lớn vay vốn ngân hàng, giờ giá xuống thấp nguy cơ lỗ rất cao. Nhưng các hộ nuôi lại không nằm trong gói hỗ trợ của Chính phủ do ảnh hưởng của dịch bệnh. Huyện đã kiến nghị cấp trên chỉ đạo ngân hàng giảm lãi suất, gia hạn thời gian vay hoặc khoanh nợ để họ vượt qua giai đoạn khó khăn này”, ông Minh cho biết thêm.
Nguồn: News.zing.vn