Tranh sơn mài Việt Nam qua những tác giả, tác phẩm tiêu biểu

0
209

Trong nền hội họa Việt Nam, tranh sơn mài giữ một vị trí vô cùng quan trọng và là chất liệu truyền thống được nhiều họa sĩ yêu thích, lựa chọn cho các sáng tác của mình.
 

 

Nhìn lại quá khứ, sơn mài được phát triển bắt nguồn từ nghề sơn thủ công truyền thống của Việt Nam. Tranh sơn mài sử dụng các vật liệu truyền thống của nghề sơn như: sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính, cùng các loại son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trai….vẽ trên vóc màu đen. Tuy nhiên phải đến đầu thập niên 1930, lớp họa sĩ Việt Nam đầu tiên học tại trường Mỹ thuật Đông Dương đã tìm tòi và phát hiện thêm nhiều chất liệu đặc biệt như vỏ trứng, ốc, cật tre…họ đã tìm cách đưa những chất liệu này vào kỹ thuật mài và tạo nên một kỹ thuật sơn mài mới độc đáo, rồi từ đó sáng tác nên những bức tranh sơn mài thực sự giá trị. Thuật ngữ” tranh sơn mài” cũng xuất hiện từ đó.


Mặc dù tại một vài nước khu vực Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản…cũng có những sản phẩm sơn mài nhưng những đồ dùng hoặc vật dụng trang trí mỹ nghệ sơn mài đó hoàn toàn khác với tranh sơn mài của Việt Nam. Sự khác biệt đó nằm ở kỹ thuật sơn mài cũng như các vật liệu được sử dụng. Một đặc điểm khiến tranh sơn mài thêm hấp dẫn là để tạo nên một bức tranh sơn mài thì phải thực hiện theo cách rất trái ngược so với các loại tranh khác. Muốn lớp sơn vừa vẽ khô, tranh phải ủ trong tủ ủ kín gió và có độ ẩm cao. Muốn nhìn thấy được tranh lại phải mài mòn đi mới thấy hình.


Hầu hết các họa sĩ vẽ tranh sơn mài đều đồng ý răng: kỹ thuật vẽ sơn mài khó và có tính ngẫu nhiễn nên nhiều khi các họa sĩ dày dặn kinh nghiệp cũng bất ngờ trước tác phẩm của mình, bởi hiệu quả đạt được sau khi mài tranh thường khác nhau.


Ngày hôm nay, mỹ thuật Việt Nam tự hào vì đã có nghệ thuật sơn mài và nghệ thuật đó được thế giới ghi nhận. Có thể khẳng định kể từ khi ra đời, tranh sơn mài Việt Nam ngày càng trở nên nổi tiếng và được ưa chuộng. Nhiều tác phẩm trong thế kỷ XX đã trở thành kiệt tác, thành báu vật Quốc gia. Tranh sơn mài Việt Nam được bạn bè quốc tế săn lùng, tìm mua…trở thành một thể loại đắt giá tại thị trường tranh khu vực. Các tác phẩm như: Vườn xuân Trung Nam Bắc của Nguyễn Gia Trí;  Xuân Hồ Gươm của Nguyễn Tư Nghiêm; Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của Nguyễn Sáng….và nhiều tác phẩm, tác giả khác đã tạo dựng nên hình hài một sơn mài Việt Nam trong nền nghệ thuật hiện đại của thế giới…


Nguyễn Gia Trí – Vườn xuân Trung Nam Bắc


Tác giả, tác phẩm đầu tiên phải nói đến đó là Nguyễn Gia Trí với Vườn xuân Trung Nam Bắc. Danh họa Nguyễn Gia Trí là người đã có công nghiên cứu, tìm tòi để phối hợp lối in khắc với những phương thức sơn mài mới, đồng thời áp dụng kết hợp những nguyên tắc vẽ của phương Tây để tạo nên những kiệt tác của hội họa Việt Nam. Ông cũng là nhân vật kiệt xuất đầu tên trong danh sách Tứ kiệt của Mỹ thuật Việt Nam ( Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn). Năm 2012, ông được Nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh. “Nhất Trí” cái tên đã quá quen thuộc đến mức chói sáng kể từ lúc sinh thời. Cuộc đời hoạt động nghệ thuật của ông nhuốm màu huyền thoại bởi tài năng không thể chối cãi, không ai có thể phủ nhận. Ngay từ khi sinh thời tranh của ông đã vô cùng được ưa chuộng. Giới sưu tập tranh giành để có thể mua được tranh của ông. Nhiều người đặt mua ngay từ khi ông mới chỉ phác thảo tác phẩm. Nhưng là người rất khắt khe với nghề do đó ông không sáng tác nhiều. Những người trong nghề có biết ông đều nói rằng: ít khi nào ông thỏa mãn với một tác phẩm của mình, mỗi tác phẩm của ông đều dành nhiều thời gian và tâm huyết để làm đi làm lại cho đến khi nào ưng mới thôi. Các tác phẩm sơn mài hoàn thiện của ông có thể kể đến như: Chải tóc; Cảnh thiên thai; Thiếu nữ trong vườn; Thiếu nữa bên hoa phù dung; Vườn xuân; Bên Hồ Gươm; Chùa Thầy; và Vườn xuân Trung Nam Bắc…


“Vườn xuân Trung Nam Bắc” được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2013. Đây là tác phẩm có kích thước lớn 2 x 5,4 m, hiện kiệt tác này đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Hồ Chí Minh. Vườn xuân Trung Nam Bắc là tác phẩm cuối cùng và cũng là tác phẩm có thời gian hoàn thành lâu nhất của danh họa Nguyễn Gia Trí. Ông đã dành 20 năm cuộc đời mình để thai nghén từ ý tưởng cho đến khi hoàn tất kiệt tác khiến người xem phải say đắm (1969 – 1989).

 

Nguyễn Sáng – Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ


Tác giả, tác phẩm tiếp theo phải nhắc đến cũng là một nhân vật có những đóng góp lớn không chỉ cho nghệ thuật sơn mài mà còn cho cả nền mỹ thuật Việt Nam, đó là Nguyễn Sáng với Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ. Nguyễn Sáng cũng là nhân vật kiết xuất đứng đầu tiên trong danh sách Bộ tứ thứ 2 của Hội họa Việt Nam (Nhất Sáng, nhì Liên, tam Nghiêm, tứ Phái). Ông tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1942. Tranh của ông được thể hiện ở nhiều thể loại và thể loại nào cũng thành công, từ thể loại chiến tranh, chân dung cho đến các đề tài như phụ nữ, hoa, phong cảnh…Mặc dù là họa sĩ đa tài có thể sử dụng mọi chất liệu nhưng chất liệu mà ông ưa thích nhất chính là sơn mài. Ông đã từng làm cuộc cách tân đáng kể trong cách ứng dụng đưa sơn dầu và nhất là sơn mài vào các tác phẩm hội họa. Cùng với Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tư Nghiêm, ông được coi là cây đại thụ của sơn mài Việt Nam. Nếu như Nguyễn Gia Trí đưa sơn mài đến đỉnh cao của những cảnh thần tiên, thì Nguyễn Sáng đẩy sơn mài đến đỉnh cao với những hình ảnh rất đời thường, dung dị. Cũng chính ông là người bổ sung vào sơn mài những mảng màu như vàng, xanh, diệp lục để tạo thêm sự sinh động cho tác phẩm. Những tác phảm nổi tiếng của ông như: Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ; Hành quân đêm mưa; Tháp Phổ minh; Thiếu nữ bên hoa sen; Chọi trâu…


“Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” có kich thước 112,3 x 180, được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2013 và hiện đang được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam. Bức tranh miêu tả lại thời khắc hào hùng của những người chiến sĩ Điện Biên ngay tại chiến trường với 3 nhóm nhân vật chính và phụ. Nhóm nhân vật trung tâm gồm ba chiến sĩ trong đó có một chiến sĩ trên đầu còn quấn băng với khẩu súng trong tay. Nhóm ba người này được liên kết chặt chẽ với hai chiến sĩ khác phía bên phải bức tranh bằng một cái bắt tay đầy quyết tâm.Toàn bộ khung cảnh buổi kết nạp đảng được diễn ra chóng vánh trong không gian chiến hào. Góc trái là một chiến sĩ đang dìu đồng đội bị thương cho thấy ranh giới của sự sống và cái chết thật mong mang. Nhưng phía hậu cảnh lại là một chiến sĩ khác hối hả ra trận như thể sự mất mát đó chính là động lực và  nhấn mạnh thêm bối cảnh khẩn trương của cuộc chiến. Nhìn vào tác phẩm, người xem có thể thấy được hình tượng các chiến sĩ Điện Biên đã được danh họa Nguyễn Sáng tạo nên bằng lối hình họa giản lược, chắc khỏe. Màu sắc trong tranh đơn giản, đa phần là các màu sắc trong hệ màu sơn ta truyền thống như đỏ son, vàng, bạc. Bức tranh đặc biệt có thêm một số màu mới như lam, lục được sử dụng thành công, đánh dấu mốc quan trọng vào lịch sử nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam.

 

Nguyễn Tư Nghiêm – Xuân Hồ Gươm


Nguyễn Tư Nghiêm sinh năm 1922, tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1946. Ngay từ khi đang học năm thứ 3, ông đã gây chú ý trong giới hội họa với tác phẩm Người gác Văn Miếu, tác phẩm này đã dành được giải nhất tại Salon Unique năm 1944. Cho đến nay, cuộc đời của danh họa vẫn luôn là một câu chuyện đầy màu huyền thoại. Suốt hơn nửa thế kỷ lao động, sáng tác, cống hiến cho nghệ thuật, ông không mấy khi xuất hiện ở những nơi chốn đông người, chẳng mấy khi tham gia các sự kiện kể cả trong lĩnh vực mỹ thuật, hội họa. Chẳng thế mà nói đến tên ông, người đời tưởng như ông đã là “người của muôn năm cũ”. Các tác phẩm của ông luôn được giới sưu tầm tìm kiếm, và tất nhiên được trả giá rất cao. Vậy nhưng ông không bán mà giành cả những tác phẩm đó cho người vợ – tình yêu duy nhất của đời ông sau hội họa. Không bán tranh để lấy tiền phục vụ nhu cầu cuộc sống, vì thế mà đến nay ông vẫn sống rất giản dị trong căn nhà trong ngõ tại Hà Nội. Nay đã hơn 90 tuổi, ông vẫn dành từng ngày trong cuộc đời mình để vẽ tranh, để sáng tác. Các tác phẩm nổi tiếng của ông có thể kể đến như: Người gác Văn Miếu; Cổng làng Mông Phụ; Điệu múa cổ; Kim Vân Kiều; Mười hai con giáp; Gióng, Xuân Hồ Gươm…


Xuân Hồ Gươm là tác phẩm được họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm sáng tác năm 1957 với kích thước 70,4 x 150,7 cm. Tác phẩm miêu tả lại thời khác chào đón năm mới của đất nước với hình ảnh đông đảo nhân dân bên hồ Hoàn Kiếm. Phía xa xa hình ảnh tháp rùa soi bóng xuống mặt nước. Bên bờ hồ, hình ảnh những anh bộ đội, quân nhân, công an, các thiếu nữ, các em nhỏ cùng cha mẹ…tất cả đều đang vui vẻ, hạnh phúc chào đón năm mới. Màu sắc trong tranh được danh họa thể hiện bên cạnh những hệ màu sơn ta truyền thống như vàng, bạc, đỏ son…còn có thêm màu lam, lục, hồng để tạo nét xuân tươi mới cho tác phẩm.


Cùng những tác giả, tác phẩm tiêu biểu kể trên, nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam còn ghi nhận sự đóng góp của nhiều họa sĩ khác như: Phan Kế Anh, Lê Quốc Lộc, Nguyễn Khang, Trần Đinh Thọ, Trần Văn Cẩn…những nhân vật kiệt xuất đã tạo nên một dòng tranh đầy chất dân tộc, mang giá trị nghệ thuật cao và là niềm tự hào của Mỹ thuật Việt Nam.

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Điểm đến du lịch

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn