Các quốc gia ASEAN phản đối việc Trung Quốc vận động để chính quyền Myanmar tham gia hội nghị thượng định Trung Quốc – ASEAN.
Theo Reuters, ngày 18/11, một đặc phái viên của Trung Quốc đã vận động các quốc gia ASEAN để nhà cầm quyền quân sự của Myanmar tham dự hội nghị thượng đỉnh khu vực do chủ tịch Trung Quốc chủ trì. Tuy nhiên, họ đã vấp phải sự phản đối gay gắt.
Các quốc gia Indonesia, Brunei, Malaysia và Singapore muốn Thống tướng Min Aung Hlaing bị cấm tham dự cuộc họp Trung Quốc – ASEAN ngày 22/11 sắp tới.
Indonesia là một trong những nước chỉ trích thẳng thắn nhất. Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi tuyên bố rằng Myanmar không nên có đại diện ở cấp độ chính trị cho đến khi nước này khôi phục lại nền dân chủ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia, Teuku Faizasyah, ám chỉ “sự khôn ngoan” được các nhà lãnh đạo thể hiện trước hội nghị thượng đỉnh tháng 10 cần được giữ vững.
Trước đó, các nhà lãnh đạo ASEAN đã đưa ra một quyết định chưa từng có nhằm ngăn chặn Tư lệnh quân đội Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing, tham dự hội nghị cấp cao ASEAN sau khi ông không thực hiện cam kết cho phép một đặc phái viên của ASEAN gặp các nhà lập pháp bị lật đổ trong cuộc đảo chính.
Thay vào đó, các nhà lãnh đạo ASEAN yêu cầu một nhân vật phi chính trị từ Myanmar tham dự. Cuối cùng, Myanmar không có đại diện nào tham gia.
Tổng tư lệnh quân đội Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing tham dự hội nghị Moscow lần thứ IX về an ninh quốc tế tại Moscow, Nga ngày 23/6/2021. Ảnh: Alexander Zemlianichenko. |
Một nhà ngoại giao của Trung Quốc cho biết đặc phái viên của họ, Sun Guoxiang, đã đến thăm Singapore và Brunei vào tuần trước nhưng được thông báo rằng nhà cầm quyền của Myanmar không thể tham gia hội nghị thượng đỉnh trực tuyến.
Sau khi đối mặt với sự phản đối của ASEAN, Sun Guoxiang đã nói với Thống tướng Min Aung Hlaing tại một cuộc họp ở thủ đô Naypyidaw, Myanmar rằng Trung Quốc phải chấp nhận lập trường của ASEAN.
Nhà ngoại giao khu vực cho biết, Trung Quốc “sẽ duy trì nguyên tắc đại diện phi chính trị mà ASEAN áp dụng”.
Trong nhiều thập kỷ qua, ASEAN được biết đến với chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia thành viên, tuy nhiên cuộc chính biến ở Myanmar đã thay đổi điều này.
Trong tháng 4, tại hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của các nhà lãnh đạo với sự tham gia của Thống tướng Min Aung Hlaing, ASEAN đã thúc đẩy cam kết chấm dứt bạo lực và yêu cầu Myanmar cho phép một đặc phái viên của tổ chức này bắt đầu đối thoại với “tất cả các bên”, bao gồm cả các nhà lập pháp bị lật đổ.
Tuy nhiên, Myanmar đã không tuân thủ cam kết này và tuyên bố rằng họ có “lộ trình” riêng để tiến hành các cuộc bầu cử mới.
Nguồn: News.zing.vn