Truyền thống tính tuổi bằng súp của người Hàn Quốc

0
Truyền thống tính tuổi bằng súp của người Hàn Quốc

Ở Hàn Quốc, bạn có thể hỏi tuổi những người mới quen bằng câu ‘Bạn đã ăn bao nhiêu bát tteokguk rồi?’.

Ở Hàn Quốc có một món ăn truyền thống luôn gắn với số tuổi của một người: tteokguk (súp bánh gạo). Mỗi lần ăn tteokguk trong bữa tiệc đầu năm Âm lịch, người Hàn Quốc lại được tính thêm một tuổi mới với mong đợi nhiều điều tốt lành sẽ đến.

Tiến sĩ về ẩm thực Sook-ja Yoon trong chiếc váy lụa truyền thống đang chuẩn bị những nguyên liệu cho món tteokguk. Đó là những sợi bột gạo trắng gọi là tteok, một đĩa thịt bò thái mỏng và các bát nhỏ đựng gia vị, và một nồi nước dùng đang sôi. Ảnh: BBC.

Tiến sĩ Sook-ja Yoon nấu món tteokguk theo cách truyền thống ở Seoul. Ảnh: BBC.

Tiến sĩ về ẩm thực Sook-ja Yoon trong chiếc váy lụa truyền thống chuẩn bị những nguyên liệu cho món tteokguk. Đó là bột gạo trắng gọi là tteok, đĩa thịt bò thái mỏng, các bát nhỏ đựng gia vị và một nồi nước dùng đang sôi.

“Tất cả các món ăn của Hàn Quốc đều thể hiện ý nghĩa nào đó. Món Tteok này tượng trưng cho ba điều. Dải bột gạo dài nói về cho tuổi thọ. Các lát tròn có hình tiền xu biểu lộ sự giàu có. Màu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết và sự khởi đầu may mắn trong năm mới”, bà Yoon vừa nói vừa thái bánh gạo thành các lát tròn.

Trong Tết Nguyên đán, các gia đình Hàn Quốc thường chuẩn bị món súp truyền thống này. Tiến sĩ Yoon, Giám đốc Học viện Thực phẩm truyền thống Hàn Quốc Seoul và Bảo tàng Tteok, đã giới thiệu cách làm món tteokguk và kể về lịch sử của nó.

Bát súp trong lễ mừng năm mới không chỉ gói gọn ở điềm may. “Chúng tôi ăn một bát tteokguk và được tính thêm một tuổi”, bà Yoon giải thích. Ở Hàn Quốc, tuổi được tính từ ngày đầu tiên của năm Âm lịch chứ không phải ngày sinh. Khi ăn bát súp, người Hàn Quốc được ghi nhận đã thêm một tuổi và khôn ngoan hơn. 51 triệu người chuẩn bị cho một bữa tiệc sinh nhật khổng lồ với cùng một món ăn đặc biệt.

Người Hàn Quốc vẫn tính tuổi theo tuổi mụ, giống Việt Nam. Ảnh: BBC.

Người Hàn Quốc vẫn tính tuổi theo tuổi ‘mụ’ giống Việt Nam. Ảnh: BBC.

Mỗi vùng lại có một kiểu làm món tteokguk riêng với các nguyên liệu của địa phương. Tỉnh Jeolla có súp gà, đảo Jeju cho thêm rong biển vào súp.

Tiến sĩ Yoon nấu súp theo cách truyền thống ở Seoul với nước dùng từ thịt bò luộc, được trang trí bằng hành lá, trứng cắt lát và các sợi tiêu khô. Nước canh được đun sôi trong ba tiếng, trong và thanh, bánh gạo dẻo và mềm. Đó là một hương vị tươi ngon đem lại cảm giác mới mẻ và tinh khiết. Mặc dù có những khẩu vị khác nhau, tất cả các kiểu tteokguk đều có cùng một biểu tượng.

Quy trình làm tteokguk khá đơn giản, tiến sỹ Yoon nói, Nhưng làm bánh gạo thì không dễ đâu. Ảnh: BBC.

Mỗi vùng miền ở Hàn Quốc có thêm các thành phần khác nhau cho món súp bánh gạo. Ảnh: BBC.

Hàn Quốc nổi tiếng với văn hóa cộng đồng. Người dân thích dùng từ “chúng tôi” hoặc “của chúng tôi” thay vì “tôi”. Các món trong bữa ăn cùng được thưởng thức và chia sẻ với bạn bè. Thậm chí khi uống rượu, người Hàn Quốc không tự rót cho mình mà rót cho người bên cạnh, rồi người kia sẽ mời lại.

Các món đồ trưng bày tại Bảo tàng Tteok cho thấy rõ sự cần thiết phải có tính cộng đồng khi làm món này. Đàn ông và phụ nữ thay nhau cầm chày giã bột gạo nếp và đổ nước để tạo thành bột nhào. Mọi người cùng lao động và cùng hưởng thành quả.

Mối liên hệ giữa món tteokguk và Tết Nguyên đán được ghi lại trong một cuốn sách về phong tục Hàn Quốc gọi là Dongguk Sesigi vào giữa những năm 1800. Tiến sĩ Yoon cho rằng truyền thống này có lẽ còn lâu hơn nhiều so với những điều được nói trong cuốn sách, bởi bánh gạo đã là một món ăn chính của ẩm thực Hàn Quốc suốt hơn 2.000 năm.

Sự kết hợp của món ăn với Tết cũng như ý nghĩa của sự tăng tuổi có lẽ bắt nguồn từ Khổng Tử. Nho giáo tồn tại ở Hàn Quốc từ cuối thế kỷ 14 đã quy định mọi hành vi xã hội, trong đó đề cao sự tôn trọng bề trên. Điều này được phản ánh trong ngôn ngữ Hàn Quốc, với bảy hình thức khác nhau để xưng hô trong mọi tình huống xã hội. Thể hiện sự tôn trọng với cha mẹ và với những người lớn tuổi hơn là một trong những hành vi quan trọng nhất.

Theo truyền thống đó, những người sinh cùng năm là cùng một vị thế xã hội, không quan trọng họ sinh vào tháng 3 hay tháng 11. Những người mới quen nếu hỏi tuổi nhau có thể dùng câu hỏi “Bạn đã ăn bao nhiêu bát tteokguk rồi?”.

Ngoài ra, người Hàn Quốc có xu hướng tôn trọng quá khứ. Nhiều gia đình làm lễ tưởng niệm trong ngày đầu năm. Các bát súp bánh gạo được dâng cúng tổ tiên để xin lời chỉ bảo và phù hộ cho năm tới. Sau khi cúng xong, các thành viên trong gia đình sẽ ăn món tteokguk, như để chuyển từ năm cũ sang năm mới.

Trường Đặng

Nguồn: Vnexpress.net