TS Trần Nam Dũng cho rằng nhiều trường chuyên hiện nay đang hoạt động dặt dẹo, không có triết lý, lực lượng, làm cho qua chuyện, cố gắng kiếm mấy giải quốc gia để báo cáo lên.
Nhận định này được TS Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng trường Phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM, đưa ra khi thảo luận về việc đào tạo năng khiếu Toán học của nước ta tại Hội thảo quốc tế về Giáo dục Toán học do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức hôm 15/10.
Cũng tại hội thảo, các nhà giáo dục đã đề cập đến các vấn đề trong bồi dưỡng học sinh năng khiếu Toán cũng như hoạt động của hệ thống trường chuyên.
TS Lưu Bá Thắng cho rằng giáo dục học sinh năng khiếu Toán đang chệch hướng khi quá chú trọng vào việc đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi. Ảnh minh họa: Chí Hùng. |
Giáo dục học sinh năng khiếu Toán đang chệch hướng
TS Lưu Bá Thắng, giảng viên ĐH sư phạm Hà Nội, nhiều năm tham gia đào tạo đội tuyển Toán quốc tế của Việt Nam, đánh giá Chính phủ quan tâm đến giáo dục năng khiếu toán học từ sớm.
Cụ thể, năm 1965, nước ta đã có lớp Toán đặc biệt. Năm 1966, hai lớp chuyên Toán được đặt tại ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Vinh. Năm 1974, những học sinh Việt Nam đầu tiên tham dự cuộc thi Olympic Toán quốc tế (IMO). Trong quá trình phát triển, tại các kỳ IMO năm 1999, 2007, 2017, đội tuyển nước ta đứng thứ 3 thế giới.
Những năm 80, 90, nước ta phát triển trường chuyên. Đến năm 1988, hệ thống chuyên Toán THCS không còn, chỉ còn cho học sinh THPT. Hiện tại, cả nước có 7 lớp chuyên Toán nằm trong 7 trường đại học, 75 lớp chuyên Toán ở các tỉnh, thành với khoảng gần 3.000 học sinh.
Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia có khoảng 70 đội tuyển Toán tham dự, mỗi đội tuyển có 6-10 học sinh, riêng đội ở Hà Nội có 15 em. Ông Thắng thống kê trong 10 năm gần đây, số lượng học sinh dự thi rơi vào khoảng 550-600 em. Trong đó, khoảng 230-250 em đoạt giải. Các em tiếp tục được chọn lọc ra 50 thí sinh để tham gia vòng 2, chọn đội tuyển dự thi IMO.
TS Lưu Bá Thắng cho hay điều khác biệt rất lớn giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Mỹ, Singapore là thành tích thi học sinh giỏi của nước ta được xã hội, Nhà nước, Chính phủ quan tâm đặc biệt.
Theo ông Thắng, thành tích học sinh giỏi quốc gia, quốc tế được các tỉnh xem như là thành tựu cực kỳ nổi bật. Đặc biệt, học sinh đoạt giải quốc tế được thưởng lớn, Thủ tướng gặp mặt, trao bằng khen. Chỉ cần đoạt giải quốc gia, các em đã được tuyển thẳng các trường đại học trong nước.
“Vì ưu đãi thành tích như vậy, giáo dục học sinh năng khiếu Toán của nước ta gần đây đã đi chệch hướng khá nhiều khi chúng ta quá chú trọng vào việc đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi. Đáng ra, kỳ thi này chỉ là động lực để phát triển học sinh năng khiếu Toán”, ông Thắng nhìn nhận.
Ông cho biết thêm ông đã câu hỏi tới các trường chuyên và nhận lại 70 phản hồi từ thầy cô. Kết quả cho thấy mục tiêu và động lực mạnh mẽ nhất của các lớp chuyên toán là kỳ thi học sinh giỏi.
Giáo viên ít chú trọng, vận dụng các phương pháp khơi gợi niềm đam mê cho học sinh, chủ yếu dành tâm sức để cho học trò rèn luyện các bài toán, làm càng nhiều bài tập càng tốt. Học sinh đang dành quá nhiều thời gian để làm Toán.
NGND Tôn Thân lưu ý trường chuyên phải hoạt động đúng mục đích, có khâu tuyển chọn chính xác. Ảnh minh họa: Chí Hùng |
Cần dẹp bớt những trường chuyên yếu
Cùng mối quan tâm tới hệ thống trường chuyên, TS Trần Nam Dũng đánh giá hiện nay, nhiều trường chuyên đang hoạt động dặt dẹo, không có triết lý, lực lượng, làm cho qua chuyện, cố gắng kiếm giải quốc gia để báo cáo lên.
Ông nêu thực tế cả nước 63 tỉnh, thành. Địa phương nào cũng có trường chuyên, thậm chí, có tỉnh có đến 2 trường hoặc trường chuyên tuyển 120 học sinh nhưng chỉ có 100 em thi.
“Đây là trường chuyên trá hình. Tôi nghĩ cần ít trường chuyên thôi. Chúng ta cần quy hoạch lại hệ thống trường chuyên, dẹp bớt trường chuyên yếu”, phó hiệu trưởng trường Phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc TP.HCM, đề xuất.
Con cái không phải đồ trang sức của bố mẹ để khi con học chuyên, chọn, bố mẹ rất hể hả.
NGND Tôn Thân
Trong khi đó, NGND Tôn Thân chia sẻ ông cũng như nhiều người thấy tiếc khi xóa bỏ trường chuyên ở THCS vì năng khiếu Toán không được phát hiện, bồi dưỡng sớm sẽ thui chột.
Ông cho rằng từ thực tiễn những thế hệ học sinh được đào tạo từ lớp chuyên Toán đầu tiên của Hà Nội (đặt tại trường THCS Trưng Vương) trưởng thành, đóng góp tích cực cho xã hội, nước ta cần xem xét lại việc bồi dưỡng học sinh năng khiếu từ năm lớp 7.
Tuy nhiên, ông lưu ý đừng làm trường chuyên biến dạng, trường chuyên phải hoạt động đúng mục đích, có khâu tuyển chọn chính xác.
“Hồi chúng tôi dạy năm 1969-1970, cả Hà Nội chỉ có một lớp, tuyển 30 em. Các em thật sự có năng khiếu chứ không phải theo phong trào, không thể vào nhờ ôn trúng tủ. Con cái không phải đồ trang sức của bố mẹ để khi con học chuyên, chọn, bố mẹ rất hể hả”, NGND Tôn Thân nêu quan điểm.
Ông khẳng định mục tiêu của trường chuyên là bồi dưỡng năng khiếu thành tài năng, tức giúp học sinh có hành trang đầy đủ chứ không phải suốt ngày làm Toán. Học Toán kiểu “sôi kinh nấu sử” sẽ không thể phát huy tính sáng tạo của người học.
Vì thế, cách bồi dưỡng cần có nền tảng, mục tiêu không chỉ có thi. Thực tế, trong số những học sinh thành đạt xuất thân từ lớp chuyên Toán trường Trưng Vương, rất ít người giành huy chương quốc tế.
“Trường chuyên phải đúng nghĩa trường chuyên, tuyển chọn chính xác, cách giảng dạy phải đào tạo để các em thành nhân tài chứ không phải vì giải nọ giải kia”, nhà giáo Tôn Thân nhấn mạnh.
Giảng viên đại học cần tham gia sâu hơn
Liên quan đến việc đào tạo năng khiếu ở bậc phổ thông, TS Trần Nam Dũng cho rằng việc có thầy giỏi rất quan trọng. Tuy nhiên, ông đánh giá công tác giáo viên ở nước ta chưa tốt. Viện Toán, các trường đại học có nhiều thầy giỏi nhưng chưa quan tâm đào tạo lứa sinh viên kế tiếp.
Ông nêu ở Nga, Mỹ, giảng viên chịu khó bồi dưỡng cho học sinh phổ thông hơn. Trong khi đó, việc này ở nước ta đang được giao cho giáo viên phổ thông song không đào tạo họ.
Nước ta cần có những cơ quan, nơi xuất bản những cuốn sách hay, tránh tình trạng học sinh “tẩu hỏa nhập ma” vì nhiều sách.
TS Trần Nam Dũng
Ông nói thêm thực tế, thầy cô trường THPT cũng có nhiều nỗ lực nhưng các đại học cần dồn sức hơn, cử người giỏi xuống dạy học sâu hơn, chẳng hạn từ bậc THCS.
Tương tự, TS Lưu Bá Thắng nêu thực tế việc đào tạo học sinh chuyên Toán đang chủ yếu do thầy cô THPT phụ trách. Chỉ khi thành lập đội tuyển dự thi IMO gồm 6 em, giảng viên đại học mới tham gia trực tiếp, đào tạo các em trong hai tháng để thi.
Trước thực trạng sự liên thông giữa học sinh chuyên Toán và đại học rất ít. Do đó, ông Thắng đồng ý với chia sẻ của ông Nam Dũng, cho rằng cần có cơ chế khuyến khích giảng viên đại học tạo tham gia sâu hơn vào việc đào tạo cho học sinh.
Vấn đề sách và tài liệu cho học sinh năng khiếu Toán cũng nhận sự quan tâm của TS Trần Nam Dũng và TS Lưu Bá Thắng. Ông Dũng cho rằng điều này rất quan trọng.
Hiện tại, sách và tài liệu Toán quá nhiều. Vì vậy, nước ta cần có những cơ quan, nơi xuất bản những cuốn sách hay, tránh tình trạng học sinh “tẩu hỏa nhập ma” vì nhiều sách.
Trong khi đó, TS Lưu Bá Thắng mong muốn Bộ GD&ĐT, các nhà toán học cho ra bộ sách chuẩn cho học sinh chuyên Toán khi hệ chuyên Toán đã thành lập 50 năm nhưng chưa có chương trình, bộ sách riêng.
“Bộ sách đó cần phải giúp học sinh tự tìm tòi, khám phá kiến thức toán học cốt lõi, phát triển tư duy suy luận, hiểu được ý nghĩa của Toán học”, ông Thắng đề xuất.
Nguồn: News.zing.vn