Hà Lan đã đạt chỉ tiêu với 3 điểm trước Ukraine. Nhưng nếu nói chiến thắng ấy làm hài lòng tất cả chưa, e rằng câu trả lời vẫn còn khiến Frank de Boer phải sống trong áp lực.
Không ai có thể phủ nhận Hà Lan – Ukraine là trận hay nhất kể từ khi Euro 2020 khai mạc tới giờ. Kịch bản hay, hình thức thể hiện trên sân hay, khán đài đẹp, thái độ cống hiến mãn nhãn.
Nhưng bóng đá không chỉ là trình diễn và giải trí. Nó còn đòi hỏi tính hiệu quả. Ba điểm là hiệu quả, nhưng trước các đối thủ khó nhằn hơn thì sao? Nói Hà Lan thắng đấy mà lo còn đấy cũng là vậy.
Tuyển Hà Lan giành 3 điểm trong trận ra quân. Ảnh: Reuters. |
Khó khăn phía trước
Với thể thức hiện nay, việc lấy vé vượt qua vòng bảng là điều không khó. 24 đội tham dự và chỉ loại 8 đội, vòng bảng trở nên dễ thở hơn bao giờ hết. Sự dễ thở ấy rất dễ ru ngủ các HLV để họ trở nên ngỡ ngàng khi độ khó thay đổi đột ngột sau vòng đấu bảng.
Đối thủ của đội đầu bảng C có thể là một trong những đội thứ 3 có thành tích tốt nhất đến từ bảng của D, E, F, trong khi đứng nhì bảng C hoàn toàn có khả năng gặp Italy. Và đó có thể là lúc cái “bẫy dễ dàng” ở vòng bảng sẽ sập xuống để trả Hà Lan về với thực tại của mình.
Chúng ta không khó để nhận thấy thực tế Hà Lan có chiến thắng trước Ukraine nhờ vào mấy yếu tố cơ bản. Đầu tiên là sân nhà, với sự ủng hộ lớn của khán giả, với điều kiện di chuyển thuận tiện. Thứ hai là chất lượng cá nhân cầu thủ họ vẫn nhỉnh hơn Ukraine đôi chút. Và cuối cùng là đấu pháp của Ukraine chưa được thể hiện tốt bởi các cầu thủ của Andriy Shevchenko.
Ukraine chấp nhận chơi thấp, chờ phản công, chủ yếu co lại trong sơ đồ 4-5-1 và khi phản công, họ sẽ chơi 4-3-3. Đó là lựa chọn đúng đắn của Sheva. Tuy nhiên, trong một đêm Amsterdam không như ý, các cầu thủ của ông chưa thực hiện tốt được ý đồ kể trên.
Tất cả pha phản công của Ukraine đều rơi vào tình trạng thiếu nhân sự, dẫn đến việc cầu thủ cầm bóng phải nấn ná chờ đồng đội dâng lên và vì thế, nhịp độ phản công chậm lại, đủ để Hà Lan đối phó dễ dàng. Nếu Ukraine chuyển đổi trạng thái nhanh hơn, rất có thể kết cục trận cầu đã khác.
Trong bối cảnh ấy, việc Hà Lan chơi đội hình dâng cao, ép sân đã tạo ra cảm giác họ đè bẹp đối thủ. Nhưng thực chất, ngoài điểm sáng Depay với những pha xử lý bóng khéo léo, thần tốc và tính cơ động của Wijnaldum, Hà Lan không để lại dấu ấn nào cho thấy họ thực sự nguy hiểm. Thậm chí, nếu nhìn kỹ lại, chúng ta có thể nhận ra họ hoàn toàn dễ bị hạ gục bởi các đội bóng có chất lượng và tốc độ phản công tốt hơn.
Hà Lan vẫn còn nhiều điểm chưa được. Ảnh: Reuters. |
Những điểm tối
Suốt trận cầu, hầu như cầu thủ chạy cánh phải của Hà Lan là Dumfries chỉ hoạt động ở phần sân đối phương và luôn có mặt trong vòng cấm. Toan tính này sẽ mang lại hiệu quả nếu Hà Lan cầm bóng từ 60% thời gian trở lên và Dumfries tận dụng hiệu quả các đường bóng hướng về phía mình để dứt điểm hoặc trả lại cho đồng đội.
Nhưng trước Ukraine thì sao? Thực sự, nếu không ghi bàn ấn định tỷ số 3-2, Dumfries đáng bị coi là thảm họa thực sự với phong độ kém cỏi đến từ sự lóng ngóng của mình.
Và khi Dumfries dâng cao ở biên phải, chơi như một tiền đạo cánh, chứ không chỉ là cầu thủ chạy cánh đơn thuần, Patrick van Aanholt cũng dâng cao, bám biên và chủ đích tạt sớm vào cột hai cho Dumfries. Điều đó dẫn tới 2 cánh của Hà Lan trống trải hoàn toàn ở phần sân nhà và không ít lần Ukraine đã lên bóng phản công ở sau lưng hai cầu thủ này.
Tiếc cho Sheva là Ukraine không đủ quân số để tổ chức phản công nhanh và bén. Nếu không, Hà Lan có thể thua chứ đừng nói đến chuyện kiếm 3 điểm đầu tay.
Khi cầm bóng, Hà Lan gần như chơi 3-3-4 với 4 tiền đạo giăng ngang là Dumfries – Weghorst – Depay – Van Aanholt. Lúc kiểm soát bóng, việc chơi với hàng thủ 3 người là hợp lý. Nhưng nếu mất bóng, hàng thủ 3 người luôn luôn là không đủ.
Với chiều rộng mặt sân tiêu chuẩn như sân Johan Cruyff Arena là 68 m, khoảng cách giữa 3 cầu thủ hàng thủ là rất lớn và họ không thể đảm bảo kiểm soát hết được không gian ấy (một cầu thủ chỉ có thể kiểm soát những gì xảy ra trong bán kính 5-10 m quanh mình, tùy theo trình độ và tốc độ của anh ta). Để phòng ngự tốt và bao quát cả chiều rộng sân như thế, hàng thủ luôn cần 4 người trở lên và 5 luôn là tối ưu.
Tuy nhiên, Hà Lan có bao nhiêu người để làm việc đó? Cả Dumfries lẫn Van Aanholt đều không lui về kịp thời để tạo thành hàng thủ 5 người mà de Boer mong muốn. May cho Hà Lan là Ukraine không lên bóng đủ người và kịp thời nên họ có đủ thời gian để tổ chức phòng ngự. Nếu Hà Lan gặp các đối thủ như Pháp, Đức, Bồ Đào Nha, Italy hay Anh, cái giá phải trả có thể là vỡ trận.
Rõ ràng, những ngờ vực về trình độ huấn luyện của De Boer không phải là không có cơ sở. Và 2 pha gỡ hoà của Ukraine đủ để những ai đang say sưa cho rằng Hà Lan chơi vượt trội phải giật mình. Nếu thủ môn Bushchan của Ukraine chơi chân tốt, Hà Lan sẽ không thể có được bàn thắng thứ 3 một cách dễ dàng đến thế.
Hà Lan thắng đấy nhưng nỗi lo còn đấy. Với thể thức hôm nay, để qua vòng bảng là quá dễ. Nhưng đối với những đội bóng có bề dày như Hà Lan, Đức, Anh, Italy, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, chỉ tiêu đặt ra cho HLV của họ không chỉ là qua vòng bảng.
Và bài học của Frank de Boer ở Inter Milan năm nào thì vẫn còn đó. Inter là đội bóng không đặt chỉ tiêu trụ hạng xoàng xĩnh. Họ sa thải de Boer cũng chỉ vì họ nhìn thấy sự xoàng xĩnh trong diện mạo của Inter vốn dĩ tham vọng rất lớn.
Nguồn: News.zing.vn