Về lại cố đô xưa: Cố đô Thăng Long (Bài 2)

0
Về lại cố đô xưa: Cố đô Thăng Long (Bài 2)

Rời cố đô Hoa Lư, điểm đến tiếp theo của hành trình là trung tâm Thủ đô Hà Nội nơi còn nhiều di tích văn hóa – lịch sử của Cố đô Thăng Long một thời hưng thịnh.

Một trong những công trình kiến trúc còn lại hiện nay tại Di tích Hoàng thành Thăng Long

 

Năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi vua, sáng lập vương triều Lý. Mùa thu năm 1010, nhà vua công bố thiên đô chiếu (chiếu dời đô) để dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La. Ngay sau khi dời đô, Lý Công Uẩn đã cho gấp rút xây dựng Kinh thành Thăng Long, đến đầu năm 1011 thì hoàn thành. Khi mới xây dựng, Kinh thành Thăng Long được xây dựng theo mô hình tam trùng thành quách gồm: vòng ngoài cùng gọi là La thành hay Kinh thành, bao quanh toàn bộ kinh đô và men theo nước của 3 con sông: sông Hồng, sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu. Kinh thành là nơi ở và sinh sống của dân cư.


Vòng thành thứ hai (ở giữa) là Hoàng thành, là khu triều chính, nơi ở và làm việc của các quan lại trong triều. Thành nhỏ nhất ở trong cùng là Tử Cấm thành, nơi chỉ dành cho vua, hoàng hậu và số ít cung tần mỹ nữ.


Nhà Trần sau khi lên ngôi đã tiếp quản Kinh thành Thăng Long rồi tiếp tục tu bổ, xây dựng các công trình mới. Sang đến đời nhà Lê sơ, Hoàng thành cũng như Kinh thành được xây đắp, mở rộng thêm ra. Trong thời gian từ năm 1516 đến năm 1788 thời nhà Mạc và Lê trung hưng, Kinh thành Thăng Long bị tàn phá nhiều lần. Đầu năm 1789, vua Quang Trung dời đô về Phú Xuân, Thăng Long chỉ còn là Bắc thành. Thời Nguyễn, những gì còn sót lại của Hoàng thành Thăng Long lần lượt bị các đời vua chuyển vào Phú Xuân phục vụ cho việc xây dựng kinh thành mới. Chỉ duy có điện Kính Thiên và Hậu Lâu được giữ lại làm hành cung cho các vua Nguyễn mỗi khi ngự giá Bắc thành.

 

Năm 1805, vua Gia Long cho phá bỏ tường của Hoàng thành cũ và cho xây dựng Thành Hà Nội theo kiểu Vauban của Pháp với quy mô nhỏ hơn nhiều. Năm 1831, trong cuộc cải cách hành chính lớn, vua Minh Mạng đã cho đổi tên Thăng Long thành tỉnh Hà Nội. Khi chiếm xong toàn Đông Dương, người Pháp chọn Hà Nội là thủ đô của liên bang Đông Dương thuộc Pháp và Thành Hà Nội bị phá đi để lấy đất làm công sở, trại lính cho người Pháp. Từ năm 1954, khi bộ đội ta tiếp quản giải phóng thủ đô thì khu vực Thành Hà Nội trở thành trụ sở của Bộ quốc phòng.


Hiện nay, thủ đô Hà Nội vẫn còn nhiều công trình kiến trúc, tôn giáo ghi dấu thời kỳ hoàng kim của cố đô Thăng Long như Hoàng Thành Thăng Long; Chùa Diên Hựu; Chùa Báo Thiên; Văn Miếu – Quốc Tử Giám…


Hành trình thăm cố đô Thăng Long thường bắt đầu từ tâm điểm chính là Hoàng Thành Thăng Long. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, ngày nay Hoàng Thành Thăng Long chỉ còn giữ được lại vài công trình kiến trúc và khu vực khảo cổ với những hiện vật vô cùng giá trị mang ý nghĩa lịch sử quan trọng. Công trình kể đến đầu tiên thuộc Di tích Hoàng Thành Thăng Long đó chính là Đoan Môn – Cổng thành phía Nam của Cấm thành, nơi ở của nhà vua và hoàng tộc, cũng đồng thời là nơi làm việc của triều đình – cơ quan đầu não của chính quyền phong kiến thửa xưa.

 

Nhìn từ sân vận động Cột cờ cũ, hay nhìn từ Kỳ đài, Đoan Môn nổi bật với ba tầng lầu uy nghi, tráng lệ. Chỉ là một trong những cổng chính dẫn lối vào Cấm thành nhưng quy mô hoành tráng của Đoan Môn cũng đủ khiến người xem tưởng tượng được Cấm thành xưa kia nguy nga tới nhường nào. Cổng Đoan Môn ngày nay đã trải qua một vài lần tu sửa và trùng tu song vẫn giữ được kiến trúc cổ với những giá trị nổi bật về mỹ thuật. Đoan Môn cũng là công trình lớn nhất của Hoàng Thành Thăng Long xưa còn lưu giữ được đến ngày nay. Sau Đoan Môn, công trình phải kể đến tiếp theo là Điện Kính Thiên. Điện Kính Thiên được xây dựng ở chính giữa Hoàng Thành, ngay nên đền cũ của cung Càn Nguyên – Thiên An thời Lý, trên đỉnh núi Nùng. Điện là nơi vua Lê Thái Tổ tuyên bố lên ngôi năm 1428 và từ đó trở thành nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, đón tiếp sứ giả nước ngoài, thờ cúng việc quốc gia đại sự….Điện Kính Thiên nay chỉ còn lại phần nền với bậc thềm đá xanh tạo thành ba lối vào. Phía Nam nền điện còn một hàng lan can cao hơn 1 mét. Mặt trước hướng chính Nam của điện là thềm điện xây bằng những phiến đá hộp lớn gồm 10 bậc có bốn rồng đá chia thành ba lối lên đều nhau tạo thành Thềm Rồng. Rồng đá điện Kính Thiên là một di sản kiến trúc nghệ thuật tuyệt tác, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê sơ. Được chạm trổ bằng đá xanh, rồng đá có đầu nhô cao, đầu to, mắt tròn lồi, sừng dài có nhánh, bờm lượn ra sau. Thân rồng uốn lượn mềm mại thành nhiều vòng cung, nhỏ dần về phía nền điện, trên lưng có đường vây dài nhấp nhô như vân mây, tia lửa. Ngoài hai công trình tiêu biểu nêu trên, Hoàng Thành Thăng Long còn có nhiều công trình khác như: Khu vực khảo cổ; Hậu lâu; Cột cờ….

 

Cùng với khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, cố đô Thăng Long còn để lại nhiều công trình tôn giáo quan trọng như Chùa Một Cột hay còn gọi là Diện Hự Tự hoặc Liên Hoa Đài. Đây là công trình có kiến trúc vô cùng độc đáo được vua Lý Thái Tông cho khởi công xây dựng vào mùa đông tháng mười năm Kỷ Sửu 1049.

 


Văn Miếu- Quốc tử giám cũng là một công trình nổi bật được xây dựng từ năm 1070, năm Thần Vũ thứ hai đời vua Lý Thánh Tông. Văn Miếu được xây dựng với chức năng thờ cúng các bậc Tiên thánh; Tiên sư của Nho giáo. Năm 1076, Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc tử Giám bên cạnh Văn Miếu, đây là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam.


Để có thể tham quan hết những di tích tiêu biểu nêu trên trong một ngày, khách thăm quan sẽ phải khởi hành từ khá sớm và kết thúc vào chiều muộn. Lựa chọn lý tưởng nhất là ở lại Hà Nội vài ngày bởi thành phố xinh đẹp này có lịch sử hơn 1000 năm – nơi hội tụ nhiều tinh hoa nhất cả nước, cùng với những di tích thuộc cố đô Thăng Long xưa còn rất nhiều những di tích giá trị khác cũng như những nét văn hóa đặc trưng để khách du lịch tìm hiểu, khám phá.

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn