Không phải là nhà khảo cổ học hay chuyên gia du lịch nhưng chúng tôi vẫn quyết làm một chuyến trải nghiệm theo kiểu “phượt” để đến với di tích lịch sử khảo cổ Hòn Ngò, nằm tại thôn Hà Tràng Đông, xã Đông Hải, huyện Tiên Yên. Đây là di chỉ khảo cổ quan trọng, có giá trị lịch sử – văn hoá ghi dấu quá trình mở đất dựng nghiệp của người Việt cổ trên vùng đất Đông Bắc tổ quốc.
Du khách đi thuyền ra Hòn Ngò.
Hòn Ngò còn gọi là Bờ Ngò, nằm trong một vịnh biển dạng bãi triều tiếp giáp của 2 huyện Tiên Yên và Đầm Hà, nơi 2 con sông Hà Thanh (thuộc huyện Tiên Yên) và Làng Ruộng (thuộc huyện Đầm Hà) đổ ra biển. Hòn Ngò cách trung tâm thị trấn Tiên Yên 9 km theo đường chim bay. Từ mép nước Hà Tràng Đông, chúng tôi di chuyển khoảng 4 cây số mặt nước, mất 15 phút đi thuyền máy thì đến được Hòn Ngò. Khu vịnh triều này có hình tam giác, diện tích khá lớn, trong vịnh có hơn một chục hòn đảo nhỏ dạng bát úp nằm rải rác. Bao quanh bờ vịnh là núi xen lẫn đồi gò và các dải ruộng cao, càng sâu vào đất liền đồi núi càng dày và cao dần. Vùng này dân Đông Hải gọi là núi Kinh Lợi.
May sao lúc chúng tôi đến Hòn Ngò, nước thủy triều đã rút cạn làm trơ ra bờ bãi, những phiến đá hoang sơ, vỏ hà hàu bao phủ. Thực ra, trước mắt chúng tôi Hòn Ngò chỉ là một quả đồi rộng chừng 2 ha ở giữa bãi triều nông cạn khi thủy triều xuống. Khi thủy triều dâng thì Hòn Ngò như một hòn đảo nổi trong hệ thống một dãy đảo nổi ven bờ. Hiện giờ trên đồi trồng rừng keo, dưới bãi bồi là rừng ngập mặn nhưng trước kia vào thiên niên kỷ thứ III trước Công nguyên là rừng đại ngàn. Theo di ngôn của một số người già trong vùng kể lại, vào đời nhà Nguyễn, ở đây vẫn còn khá nhiều cây lớn, một người ôm không xuể. Trong rừng có nhiều gỗ quý. Thế nhưng đến thời thuộc Pháp, trong cuộc khai thác thuộc địa, chính phủ Pháp cần nhiều gỗ để xây dựng công trình đô thị, dùng trong việc khai thác hầm mỏ, chống lò chợ nên đã khai thác kiệt quệ gỗ ở vùng đất này.
Có ai ngờ rằng cuối thế kỷ 20, người ta mới phát hiện ra trên đồi, dưới bãi bồi, rừng sú vẹt kia là cả một lớp trầm tích văn hóa vô cùng quý giá. Chị Vi Thị Tứ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đông Hải, người đồng hành với chúng tôi, cho biết: Di tích khảo cổ Hòn Ngò được phát hiện lần đầu vào năm 1998. Căn cứ vào kết quả điều tra điền dã bề mặt di tích và nghiên cứu hiện vật được phát hiện, các nhà khoa học đã đi đến nhận định rằng cách đây khoảng 6 ngàn năm, thuộc giai đoạn Trung kỳ đồ đá mới, đã có một số cư dân cổ sống tại khu vực núi Hứa ở gần đó. Nhóm người này đồng đại với những cư dân cư trú tại hang Soi Nhụ, hang Nhà Trò (Vân Đồn) và hang Tiên Ông (Hạ Long). Sau đó, vào giai đoạn sớm của Hậu kỳ đồ đá mới, cư dân núi Hứa đã mở rộng không gian sinh sống sang vùng Hòn Ngò. Và Hòn Ngò lần đầu tiên có dấu chân người từ thời đó. Do vậy, yếu tố biển vẫn luôn chi phối và để lại dấu ấn đậm nét trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của những cư dân Hòn Ngò.
Vừa lên bờ đi bộ được một đoạn trên bãi đá Hòn Ngò, chúng tôi bắt gặp mảnh vỡ của một chum sành (có thể là be sành). Từ màu men đến kiểu dáng mảnh sành đó chúng tôi chưa nhìn thấy bao giờ trên những công cụ gốm sứ thời hiện đại. Chị Tứ giải thích, sở dĩ ở đây có nhiều công cụ gốm sứ, công cụ đá là do quá trình sinh sống của người Việt cổ để lại. Sau đó, do nước biển dâng cao nên cư dân Hòn Ngò phải dịch chuyển đến vị trí khác để sinh sống, các di vật bị chìm dưới lớp bùn biển. Điều đó nói lên rằng, trước thời kỳ nước biển dâng, đất Hà Tràng rất thuận lợi cho người Việt cổ đến khai phá canh tác và đánh bắt hải sản ở vùng cửa sông và bãi bồi. Sau này, do cách biệt với đất liền, giao thông đi lại khó khăn mà núi Kinh Lợi này cũng trở thành nơi lánh nạn của những người có tư tưởng chống đối triều đình, quân khởi nghĩa, những người bị cường hào ác bá chèn ép cũng chạy đến tìm chỗ dung thân. Nhất là sau cuộc khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu, người ra đất Đông Hải này nhiều hơn và không ít người đã phải đổi sang họ Đinh, họ Lê để tránh sự truy sát của triều đình nhà Hồ.
Lần theo dấu chân của những cư dân cổ xưa ở Hòn Ngò, chúng tôi nhặt được một hòn đá nhỏ có hình dáng giống như một chiếc mai đá cổ. Anh Đào Huy Toàn, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tiên Yên, người đi cùng tôi giải thích, ở đây sau mỗi trận mưa, nước rửa trôi những hố khai quật hay những vết đào bới đánh bắt hải sản của người dân thì lại trật ra những đồ cổ, người dân thi thoảng lại nhặt được. Vậy nên việc tôi có nhặt được rìu đá, mai đá thì cũng là chuyện không có gì xa lạ. Những công cụ đồ đá ở đây được tiền nhân đẽo khá giống nhau, đặc biệt là loại công cụ gần bầu dục, ghè đẽo hai mặt, có rìa nhọn ở cả hai đầu.
Du khách tìm thấy một phiến đá giống như công cụ lao động của người Việt cổ.
Để tránh hiện tượng chảy máu cổ vật do đào bới lung tung, nhiều nhà khảo cổ học đã đến thực hiện nhiều đợt khai quật di chỉ Hòn Ngò. Đợt khai quật gần nhất diễn ra vào năm 2016, các nhà khảo cổ đã thu thập được các đồ đá có sự phong phú về loại hình và chất liệu, gồm cả công cụ ghè đẽo và công cụ mài, ngoài ra còn có các loại hình hiện vật không qua chế tác, như: Hòn ghè, chày nghiền; đồ gốm tiền sơ sử và đồ sành dùng trong sinh hoạt. Toàn bộ di vật của di tích thu thập được qua các đợt điều tra, khảo sát và khai quật hiện đang được lưu giữ và bảo quản tại Bảo tàng Quảng Ninh. Đấy là chưa kể còn nhiều di vật ở Hòn Ngò đang bị vùi lấp sâu dưới lòng biển nên giá trị chưa được phát lộ, cần tiếp tục được nghiên cứu.
Căn cứ vào kết quả khai quật, huyện Tiên Yên đã lập hồ sơ khoa học di tích đề nghị và ngày 16/1/2017, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 188/QĐ-UBND xếp hạng di tích khảo cổ Hòn Ngò là Di tích cấp tỉnh. Với những giá trị lịch sử – văn hóa và tiềm năng to lớn như vậy nhưng di tích lịch sử khảo cổ Hòn Ngò đến nay vẫn chưa được khai thác.
Thậm chí, gần khu di tích Hòn Ngò có một số doanh nghiệp đang tiến hành đắp đầm nuôi thủy sản, nước thải từ đầm và máy móc nạo vét đầm chảy ra là những nguy cơ ảnh hưởng đến Hòn Ngò. Thêm nữa, đất rừng đã được giao cho người dân trồng keo, khai thác. Anh Đào Huy Toàn cho biết, vẫn biết là địa điểm này phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái sẽ rất phù hợp nhưng còn rất nhiều cái khó. Rất cần một quy hoạch du lịch, một dự án phù hợp, hơn nữa, đất đã giao cho dân giờ thu hồi cũng đâu có dễ…
Chia tay Hòn Ngò để về với đất liền, chúng tôi vẫn canh cánh trong lòng một câu hỏi làm thế nào để vùng đất này mãi mãi là một miền cổ tích tươi đẹp, không bị bàn tay con người hiện đại xâm phạm. Và thêm nữa, miền cổ tích ấy sẽ trở thành tài nguyên du lịch hấp dẫn và gọi mời bước chân du khách. Biết đâu rồi đây sẽ có một tour du lịch đưa du khách theo bước chân người tiền sử trải nghiệm khám phá Hòn Ngò. Chúng tôi không ai bảo ai, nhưng đều mong điều đó sớm thành hiện thực…
Huỳnh Đăng
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn