Vì sao bão dồn dập xuất hiện ở Biển Đông?

0
Vì sao bão dồn dập xuất hiện ở Biển Đông?

Dải hội tụ nhiệt đới và hiện tượng La Nina là nguyên nhân bão dồn dập xuất hiện ở Biển Đông. Một tuần tới, miền Trung bước vào hai giai đoạn của đợt mưa lớn dài ngày.

Chỉ một ngày sau khi bão số 7 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tiến vào đất liền Bắc Trung Bộ, Biển Đông hứng thêm cơn bão số 8 (Kompasu). Đến ngày 16-17/10, khu vực có thể đón thêm cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới mới.

Với các xoáy thuận nhiệt đới dồn dập vào Biển Đông, miền Trung đứng trước nguy cơ của một đợt mưa lớn cực đoan 7 ngày tới.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), nhận định tháng 10 là thời điểm xuất hiện áp thấp nhiệt đới và bão nhiều nhất trong năm. Vì vậy, việc các cơn bão vào Biển Đông liên tục thời gian này là theo quy luật.

Bão, áp thấp nhiệt đới dồn dập kèm không khí lạnh sẽ tạo thành tổ hợp gây mưa điển hình cho các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ.

Mưa lũ lịch sử có lặp lại?

Ba tháng cuối năm nay, lượng mưa tại Trung Bộ được dự báo cao hơn trung bình nhiều năm 30-50%. Dù vậy, ông Hưởng nhận định không có khả năng miền Trung lặp lại mưa lũ lịch sử. Trong 10 ngày tới, mưa lớn cũng xuất hiện diện rộng nhưng không cực đoan như năm 2020.

“Theo thống kê, 70% cơn bão và áp thấp nhiệt đới khả năng xuất hiện trên dải hội tụ nhiệt đới. Hiện, một dải hội tụ nhiệt đới vắt qua khu vực Trung Bộ và đây là cái nôi sinh ra bão”, ông Hưởng nói và cho biết đây là nguyên nhân bão dồn dập đi vào Biển Đông, ảnh hưởng đến nước ta những ngày tới.

bao don dap vao Bien Dong anh 1

Bão Kompasu trên Biển Đông đi rất nhanh với vận tốc 25 km/h và sớm tác động đến thời tiết đất liền nước ta một ngày tới. Ảnh: VNDMS.

Theo chuyên gia Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm Thái Bình Dương dần chuyển sang pha lạnh (La Nina). Hiện tượng này duy trì cường độ yếu đến hết năm.

Trong những năm có La Nina, mùa bão thường diễn biến cực đoan. Đây cũng là yếu tố khiến bão vào Biển Đông dồn dập.

Chuyên gia cũng cho biết vào tháng 10, ngoài bão ở Biển Đông thì phía bắc còn có sự hoạt động của không khí lạnh. Đây là tổ hợp hình thế thời tiết rất bất lợi. Bão vào kèm theo không khí lạnh, kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới, các đợt mưa lớn ở miền Trung sẽ dồn dập và kéo dài.

2 đợt mưa lớn ở miền Trung

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, không khí lạnh đang hoạt động và tác động đến miền Bắc, trong khi cơn bão Kompasu tiếp tục quần thảo trên Biển Đông với sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 13.

Khi gần vào đất liền, bão sẽ tương tác với không khí lạnh gây ra đợt mưa lớn diện rộng cho các tỉnh phía nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nơi vừa hứng chịu đợt mưa do hoàn lưu bão số 7 gây ra. Chuyên gia cảnh báo lượng mưa trong ngày 13-15/10 ở hai khu vực trên rất lớn.

Đáng lưu ý, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên – Huế khả năng xuất hiện một đợt lũ trong những ngày tới, vùng núi có thể xảy ra lũ quét, sạt lở. Khu vực đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội đối diện nguy cơ tái diễn hiện tượng ngập lụt do mưa lớn trút xuống.

“Sau khi cơn bão Kompasu đi vào đất liền, không khí lạnh tiếp tục tác động với dải hội tụ nhiệt đới khiến mưa dông ở Trung Bộ duy trì đến ngày 19-20/10”, ông Hưởng nói và nhận định sau ngày 15/10, vùng mưa lớn sẽ mở rộng ra các tỉnh, thành ở Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ.

bao don dap vao Bien Dong anh 2

Hình ảnh vệ tinh sáng 12/10 cho thấy hoàn lưu của bão Kompasu rất rộng, hệ thống mây bao trùm hầu khắp Biển Đông. Ảnh: NICT.

Như vậy, miền Trung khả năng mưa lớn dồn dập liên tục trong 7 ngày (13-20/10). Đợt mưa này chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (13-14/10), các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 8. Tổng lượng mưa 200-250 mm, có nơi trên 300 mm.

Giai đoạn 2 (15-20/10), mưa lớn tiếp diễn ở Bắc Trung Bộ và mở rộng ra khắp khu vực Trung Trung Bộ. Điều này xảy ra do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp dải hội tụ nhiệt đới. Chuyên gia chưa đưa ra nhận định cụ thể về đợt mưa này.

Về diễn biến cơn bão Kompasu, cơ quan khí tượng cho biết lúc 7h ngày 12/10, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 850 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất cấp 10-11, giật cấp 13.

Sáng 13/10, khi cách quần đảo Hoàng Sa 320 km về phía bắc đông bắc, bão ở giai đoạn mạnh nhất khi sức gió vùng gần tâm có thể đạt cấp 11, giật cấp 14. Sau thời điểm này, bão di chuyển nhanh và có xu hướng suy yếu dần về cường độ.

Sáng 14/10, tâm bão nằm trên vùng biển từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10.

Theo bản đồ dự báo, bão khả năng hướng thẳng vào khu vực các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình. Dù vậy, vùng ảnh hưởng do hoàn lưu bão rất rộng, bao trùm khu vực Đông Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh, thành từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi. Đây cũng là vùng trọng tâm của đợt mưa lớn những ngày tới.

Chuyên gia cảnh báo bão Kompasu gây thời tiết xấu ở hầu khắp khu vực Biển Đông. Vì vậy, ngư dân không nên ra khơi thời điểm này khi bão vào đất liền, một cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới mới tiếp tục hình thành ngay trên Biển Đông.

Nguồn: News.zing.vn