Trong khi các trường ĐH nước ngoài sẵn sàng tiếp nhận sinh viên đang học tại các trường ĐH Việt Nam sang học, các trường ĐH trong nước khó có thể tiếp nhận theo chiều ngược lại.
Năm 2020, dịch Covid-19 khiến thị trường giáo dục ĐH trên thế giới đảo lộn. Du học sinh Việt Nam không thể quay lại các nước để tiếp tục học, học sinh không thể đi du học.
Học chương trình liên kết
Lần đầu tiên, Bộ GD&ĐT có văn bản chỉ đạo cho phép các cơ sở giáo dục ĐH tiếp nhận du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế không tiếp tục học tập ở nước ngoài do dịch Covid-19. PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết năm qua, trường tiếp nhận hơn 10 trường hợp du học sinh Việt Nam về nước học tập.
Các em tiếp tục theo học tại các chương trình liên kết của trường. Ông Điền cho rằng việc công nhận kết quả học tập của du học sinh là sự thỏa thuận giữa hai trường. Các em về Việt Nam và được công nhận vào học tiếp thì phải có hội đồng chuyên môn xem xét.
Khi du học sinh đáp ứng tất cả yêu cầu về tốt nghiệp, trường sẽ cấp bằng. Khả năng sinh viên được cấp bằng tại trường nước ngoài phụ thuộc vào việc ký kết, hợp tác ở cấp độ nào.
PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngoại thương, nói rằng có hai phương án để du học sinh lựa chọn. Một là du học sinh học tập ngắn hạn tại trường, kết thúc sẽ nhận được các tín chỉ và được công nhận đối với các trường mà du học sinh đang theo học tại nước ngoài. Hai là du học sinh có thể quyết định học tại Việt Nam để lấy bằng được đào tạo liên kết với nước ngoài. Một số du học sinh Việt Nam về nước theo học chương trình liên kết tại trường.
Tiệm cận chuẩn quốc tế
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho hay ngay sau khi có văn bản của Bộ GD&ĐT, ĐH Quốc gia Hà Nội đã đề nghị các đơn vị công bố trên trang thông tin điện tử các chương trình đào tạo giảng dạy bằng tiếng nước ngoài do trường cấp bằng, các chương trình trao đổi, công nhận tín chỉ, các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài phù hợp điều kiện tuyển sinh và năng lực đào tạo của đơn vị; hướng dẫn thủ tục và xem xét tiếp nhận du học sinh. Đối với các chương trình đào tạo liên kết quốc tế, đơn vị tổ chức xét tuyển theo đề án được phê duyệt.
Đối với các chương trình đào tạo do giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội hoặc hiệu trưởng trường thành viên cấp bằng, người học phải đáp ứng các điều kiện như đang học tại trường ĐH có thứ hạng cao hơn hoặc bằng ĐH Quốc gia Hà Nội (theo bảng xếp hạng QS, THE…); đã tích lũy tối thiểu 3 tín chỉ và đạt kết quả trung bình chung học tập (GPA) từ 2,50 trở lên (theo thang điểm 4,0); để được nhận bằng tốt nghiệp, sinh viên phải tích lũy từ 55% số tín chỉ thuộc chương trình đào tạo tương ứng của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Ngoài ra, nếu sinh viên chưa có kết quả thi đầu vào (SAT, ACT,…), hội đồng tuyển sinh hoặc hội đồng chuyên môn đánh giá hồ sơ năng lực dựa trên kết quả học tập ở bậc THPT tương ứng như xét tuyển đối với thí sinh có chứng chỉ A-Level. Đơn vị có thể tổ chức bài kiểm tra riêng (nếu có).
Ông Thảo cho biết, năm vừa qua chỉ có 5-6 du học sinh về nước tiếp tục theo học tại các đơn vị thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội. Theo ông, việc chuyển tiếp ngược du học sinh hiện tại chưa có vướng mắc nhiều. Vấn đề là do ít du học sinh đáp ứng được yêu cầu của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Ông nói rằng dưới góc độ quản lý Nhà nước, để đảm bảo chất lượng đầu vào cho các trường ĐH, cơ quan ra chính sách chung nên có quy định rõ ràng về thứ hạng của các trường ĐH mà du học sinh đang học ở các nước muốn chuyển về; thời gian hay số lượng tín chỉ đã tích lũy phải đạt trung bình khá trở lên; tổng số tín chỉ tích lũy chương trình đào tạo sẽ học tại Việt Nam phải đạt trên 55%.
PGS Nguyễn Phong Điền cho biết chuẩn đầu vào của ĐH Bách khoa Hà Nội không thấp, không phải du học sinh nào trở về nước cũng đáp ứng được. Trong đợt xét tuyển theo phương thức riêng vừa qua, với ngành Khoa học máy tính, điểm SAT vào trường tương đương các trường ĐH nổi tiếng của Mỹ như Harvard, Stanford… Những thí sinh điểm SAT cao như thế là do các em không đi du học được mới lựa chọn học ĐH Bách khoa Hà Nội.
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế quốc dân, cho hay dù trường mở cửa đón du học sinh Việt Nam về học, năm vừa qua, không sinh viên nào đăng ký học chính quy.
Nguyên nhân là hệ này tuyển sinh theo đề án, trong khi du học sinh về nước do dịch là diện chuyển trường nên phải theo quy chế đào tạo, trong đó có việc đáp ứng đầu vào, như ĐH Kinh tế quốc dân không xét tuyển bằng học bạ nên không có sự tương đồng về chuẩn giữa hai trường.
Tuy vậy, năm 2021, trường đã có điều chỉnh để đón du học sinh. Nếu có chứng chỉ SAT, ACT, du học sinh sẽ đủ điều kiện chuyển tiếp về trường học. Năm nay, trường tuyển sinh kết hợp thí sinh có một trong hai loại chứng chỉ này và bằng tốt nghiệp THPT.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, những năm gần đây, các trường ĐH trên toàn quốc đã đổi mới phương thức tuyển sinh, đa dạng hóa phương thức tuyển sinh bắt kịp với thế giới như dùng các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, SAT, ACT.
Do đó, du học sinh hoàn thành chương trình THPT hoàn toàn có thể dùng các chứng chỉ quốc tế để chuyển tiếp vào các trường ĐH Việt Nam.
Nguồn: News.zing.vn