Vì sao Olympic cần nhân viên cứu hộ môn bơi?

0
30

Dù bị chế giễu là công việc vô ích, nhàm chán nhất Olympic, các nhân viên cứu hộ môn bơi nói rằng họ cũng đang góp phần làm nên thành công cho Thế vận hội.

Hình ảnh một nhân viên cứu hộ tay chống cằm, hướng cặp mắt thẫn thờ về phía các VĐV bơi lội trở thành một trong những meme (ảnh chế) nổi tiếng nhất trong lịch sử Thế vận hội.

Khoảnh khắc này được chụp tại Olympic Rio 2016, hiện vẫn phổ biến trên mạng xã hội với chú thích: “Nếu hôm nay bạn cảm thấy mình vô dụng, hãy nhớ đến nhân viên cứu hộ môn bơi tại Thế vận hội”.

nhan vien cuu ho mon boi olympic anh 1

Hình ảnh nhân viên cứu hộ môn bơi ở Olympic 2016 trở thành meme nổi tiếng. Ảnh: New York Times.

“Việc nhẹ lương cao”, “nhàn rỗi đến mức nhàm chán”, “vô ích nhất Olympic” là những gì mọi người thường mô tả về công việc cứu hộ này. Nhiều người cho rằng ý tưởng một kình ngư như Michael Phelps, người có 23 HCV Olympic, sẽ cần đến nhân viên cứu hộ nghe quá nực cười.

Thế nhưng, với những người đã và đang làm nhiệm vụ này, không ai nghĩ công việc của mình là vô ích. Họ được đào tạo nghiêm ngặt và có mặt xung quanh hồ bơi Thế vận hội với nhiệm vụ đề phòng bất trắc, kể cả những sự cố chỉ có 1% khả năng xảy ra.

Quan niệm sai lầm

James Meyers, nhân viên cứu hộ ở Nebraska (Mỹ) có 26 năm kinh nghiệm và từng nhiều lần hỗ trợ các cuộc thi thử nghiệm của VĐV Olympic, chưa bao giờ nghĩ công việc của mình tại các sự kiện thể thao là vô nghĩa. Sự kiện lớn hay nhỏ không quan trọng, mức độ an toàn mới là mối bận tâm.

“Đó là quan niệm sai lầm khi nghĩ rằng chúng tôi nhàn rỗi như cô gái trong meme”, Meyers nói.

Khi tham gia cứu hộ trong các cuộc thi, những nhân viên như Meyers thường phải rất tập trung bởi những sự cố có thể xảy ra chỉ trong tích tắc lơ là.

nhan vien cuu ho mon boi olympic anh 2

Nhân viên cứu hộ không chỉ hỗ trợ các VĐV bơi lội. Ảnh: AP.

“Thật không may nhưng chúng tôi phải thực hiện nhiệm vụ khi có người bị thương. Trong 4 lần tôi tham dự các cuộc thi Thế vận hội, Olympic 2020 là lần đầu tiên nhân viên cứu hộ không phải xuống nước”, Meyers đề cập đến các quy tắc xa cách phòng dịch Covid-19 khiến hồ bơi hạn chế người từ bên ngoài.

Meyers giải thích nhân viên cứu hộ môn bơi Olympic không chỉ hỗ trợ các VĐV mà còn đảm bảo an toàn cho mọi người xung quanh hồ bơi.

“Đó là những nhân viên dọn dẹp, ban huấn luyện, khán giả… Nói chung, chúng tôi ở đó để góp phần giúp cuộc thi diễn ra an toàn và suôn sẻ”.

Không chỉ cứu người đuối nước

Trong lịch sử hơn 100 năm của Thế vận hội, chưa có VĐV bơi lội nào đuối nước. Theo New York Times, khả năng này cũng gần như bằng 0.

Tuy nhiên, không có số liệu thống kê nào cho thấy 100% kình ngư không gặp bất kỳ sự cố nào trong quá trình luyện tập, thi đấu.

Theo Danielle Martelote, người giám sát nhân viên cứu hộ tại Sân vận động Olympic Aquatics, dù chỉ có 1% nguy cơ xảy ra sự cố, nhân viên cứu hộ không bao giờ là vô ích. Cô đề cập đến khả năng VĐV có thể bị chuột rút, đau tim hoặc va đập.

nhan vien cuu ho mon boi olympic anh 3

Tại Olympic 2016, mỗi nhân viên cứu hộ nhận lương 340 USD cho 2 tuần làm việc. Ảnh: New York Times.

James Meyers so sánh các nhân viên cứu hộ môn bơi như những lính cứu hỏa, tức ngoài việc biết bơi, cứu người đuối nước, họ phải đáp ứng nhiều kỹ năng khác.

“So với một nhân viên cứu hộ ở hồ bơi công cộng chủ yếu chỉ ứng phó với sự cố đuối nước, chúng tôi còn được đào tạo để xử lý các vấn đề y tế, chấn thương. Một số thậm chí xuất thân là y tá”, Meyers nói.

Tại Olympic 2016, ban tổ chức đã thuê 75 nhân viên cứu hộ môn bơi và trả lương 340 USD/người cho 2 tuần làm việc. Tùy vào kích thước, thể tích của hồ bơi, mỗi cuộc đua sẽ có 1-2 nhân viên cứu hộ túc trực xuyên suốt.

Còn ở những cuộc tập dượt cho Olympic, hàng trăm nhân viên cứu hộ đã được huy động. Không ai trong số họ hy vọng sự cố xảy ra, nhưng cũng chẳng một ai mong muốn vai trò của mình bị xem thường và phủ nhận.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn