Vĩnh Long: Làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa “đỏ lửa” đón Tết

0
Vĩnh Long: Làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa “đỏ lửa” đón Tết

Tết Nguyên đán Ất Tỵ đang cận kề, không khí lao động ở làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long rất nhộn nhịp. Từng giàn phơi tàu hũ ky vàng óng ánh dưới nắng, mùi thơm của đậu nành len lỏi khắp các con hẻm nhỏ, tạo nên một bức tranh đầy sinh động.


Sức sống trăm năm ở làng nghề

Qua gần một thế kỷ tồn tại, trải qua nhiều thăng trầm để tồn tại, làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa từ chỗ chỉ bán ở tỉnh Vĩnh Long đã dần phát triển ra thị trường Đồng bằng sông Cửu Long và đi khắp cả nước. Làng nghề chưa bao giờ “tắt lửa”, bởi những người thợ làm nghề ở đây luôn chú trọng cải tiến chất lượng sản phẩm và đưa làng nghề trở thành biểu tượng văn hóa của địa phương. Ngày 4-8-2022, “Nghề làm tàu hũ ky xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ngày 3-4-2023, tỉnh Vĩnh Long tổ chức Lễ công bố Quyết định Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia “Nghề làm tàu hũ ky xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh”, đã đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển của làng nghề.

Đậu nành sau sơ chế sẽ được đun một thời gian sẽ tạo thành những lớp ván tàu hũ. Thợ dùng dụng cụ vớt lớp ván lên treo hong khô sẽ tạo thành tàu hũ ky lá.

Làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa không chỉ mang giá trị văn hóa mà còn là sinh kế ổn định của hơn 59 hộ gia đình nơi đây (trong đó có 29 hộ là thành viên của Hợp tác xã tàu hũ ky). Anh Nguyễn Thanh Vàng – người có 20 năm làm nghề cho biết, nhờ nghề nấu tàu hũ mà vợ chồng anh nuôi 2 con ăn học thành tài và có được công việc ổn định. “Nghề tuy vất vả nhưng thu nhập đảm bảo để gia đình có cuộc sống thoải mái. Mỗi ngày tôi thu nhập được khoảng 700.000 đồng, vợ tôi cũng làm cho 1 lò khác, 2 đứa con đều đi làm hết rồi, chỉ còn 2 vợ chồng làm sống khỏe lắm” – anh Vàng cho hay.

Còn Mỹ Lộc từ 12 tuổi đã bắt đầu theo mẹ ra lò tàu hũ ky phụ giúp và hiện tại Lộc, 20 tuổi, đã trở thành thợ chính của lò, thu nhập ổn định. “Làm nghề này cực lắm, phải thức đêm và làm suốt ngày, nhưng thu nhập cao hơn làm công nhân và thời gian thoải mái hơn. Bình thường, em chỉ làm khoảng 15-20 ngày mỗi tháng (700.000 đồng/ngày), nhưng vào mùa Tết hay các ngày Rằm lớn, ở trong lò suốt cả tháng, thu nhập cao hơn, ham lắm” – Lộc nói.

Nhộn nhịp mùa Tết

Những ngày giáp Tết, làng tàu hũ ky Mỹ Hòa sáng đèn suốt ngày đêm. Trong cái nắng hanh vàng, những người thợ vẫn cần mẫn bên các lò nấu, đôi tay thoăn thoắt vớt từng lớp tàu hũ ky vàng óng. Dù mệt nhọc, nhưng trong ánh mắt họ vẫn ánh lên niềm vui. Bởi Tết là thời điểm cao điểm nhất của làng nghề. Nhu cầu thị trường tăng mạnh, các cơ sở phải sản xuất ngày đêm mới kịp giao hàng. Những lá tàu hũ ky được làm thủ công từ khâu nấu đến vớt và phơi khô. Mỗi người thợ đều dồn hết tâm huyết vào từng mẻ tàu hũ ky để đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất.

Tàu hũ ky được ưa chuộng nhất là loại lá và cọng.

Chị Hà, một thợ làm tàu hũ ky lâu năm, chia sẻ: “Dịp Tết này, mỗi ca chúng tôi phải làm từ 18-24 giờ. Làm cực nhưng vui, vì thu nhập cao hơn ngày thường, lại thấy sản phẩm của mình được ưa chuộng. Tết đến, thấy người ta dùng tàu hũ ky cho các mâm cơm gia đình, tôi cảm thấy tự hào lắm”.

Theo những người thợ lâu năm ở làng nghề, để tạo ra những lá tàu hũ ky vàng óng, người thợ phải trải qua một quy trình sản xuất thủ công đầy công phu và tỉ mỉ. Nguyên liệu chính là đậu nành. Đậu nành phải được chọn lọc kỹ, đảm bảo hạt đều, mẩy, không bị mốc hay lép. Đậu được rửa sạch, ngâm nước và xay nhuyễn để tạo nước cốt. Nước cốt được cho vào các chảo lớn và đun liên tục.

Tàu hũ ky cọng được tạo thành trên cơ sở lớp ván đậu được cắt chia làm 2, cuộn lại, 1 lớp ván đậu tạo thành 2 cọng tàu hũ.

“Lửa phải được giữ ổn định, không quá lớn cũng không quá nhỏ, để tạo điều kiện cho lớp váng tàu hũ ky hình thành trên bề mặt. Sau đó vớt lớp tàu hũ ky – đây là công đoạn quan trọng và đòi hỏi kinh nghiệm cao. Người thợ phải quan sát lớp váng đậu nành thật kỹ, khi thấy váng đã đủ dày và đạt độ mềm mại thì dùng que tre rạch vòng để tách lớp váng khỏi bề mặt nước. Sau đó, lớp tàu hũ được nhẹ nhàng vớt lên, tránh làm rách hay nát. Khoảng 130kg đậu nành chỉ cho ra được 50kg tàu hũ ky thành phẩm” – anh Nguyễn Thanh Vàng cho biết.

Sau khi được vớt ra khỏi lò, những lá tàu hũ ky được treo lên giàn ngay trong không gian bếp lò để tận dụng sức nóng từ chảo đậu. Công đoạn này giúp lá tàu hũ khô tự nhiên, giữ được màu vàng óng và hương thơm đặc trưng. Tàu hũ ky sau khi khô sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng, cắt tỉa gọn gàng và đóng gói theo yêu cầu của khách hàng. Mỗi sản phẩm đều đảm bảo chất lượng, không bị gãy nát, giữ trọn vẹn hương vị truyền thống.

Vào những ngày thường, mỗi cơ sở sản xuất tàu hũ ky trong làng cung cấp từ 50-120 kg sản phẩm ra thị trường. Nhưng vào dịp Tết, sản lượng tăng gấp đôi, gấp ba để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Các lò nấu hoạt động không ngừng nghỉ, người thợ làm việc liên tục để kịp thời giao hàng. Hiện giá tàu hũ ky đang dao động khoảng 110.000-130.000 đồng/kg. Sự bền bỉ, khéo léo và tình yêu nghề của người dân nơi đây đã giữ cho làng nghề luôn “đỏ lửa” và lan tỏa giá trị văn hóa đến khắp mọi miền đất nước.

Bài, ảnh: Nhung Nguyễn

Nguồn: Dulichvn.org.vn