Xem xong phim ‘Ranh giới’, còn ai phàn nàn về cuộc đời mình nữa không?

0
91

50 phút của phim tài liệu “Ranh giới” đã khắc họa chân thực cuộc chiến giành giật sự sống từ bác sĩ và sản phụ tại khu K1, Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM).

– Thở đi, cố gắng lên. Giỏi lắm.

– Muốn nhanh gặp con thì phải ráng thở đi

– Bình tĩnh, bình tĩnh…

Tiếng một nữ bác sĩ vang lên giữa phòng hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Hùng Vương. Ở trên giường bệnh, một sản phụ đang giành giật sự sống từ máy thở. Cách đó không xa, gần chục bác sĩ tập trung để cấp cứu cho một bệnh nhân khác cận kề lằn ranh sinh tử.

Không khí làm việc khẩn trương, quyết liệt. Bác sĩ đang ở trong một cuộc chạy đua. Nhân viên y tế không phút ngơi nghỉ, chỉ chợp mắt vội trên ghế hoặc cửa phòng bệnh.

Đó là những hình ảnh được ghi lại trong phim tài liệu kéo dài 50 phút mang tên Ranh giới. Khi tác phẩm lên sóng vào tối 8/9 thu hút sự quan tâm của giới làm phim lẫn khán giả.

Ranh giới trong phim của Tạ Quỳnh Tư là giữa sống và chết, niềm vui và nỗi buồn, nước mắt và nụ cười đưa đến sự xúc động, lòng cảm phục, sự tri ân của hàng triệu người Việt Nam gửi đến y bác sĩ cùng đội ngũ nhân viên y tế trong cuộc chiến với Covid-19.

“Ranh giới” chân thật trong từng khoảnh khắc

“Nếu ai chưa có ý niệm gì về Covid-19, hãy xem phim này. Nếu ai chưa từng chứng kiến cảnh y bác sĩ, nhân viên y tế chiến đấu để giành sự sống cho bệnh nhân ra sao, hãy xem phim này. Ranh giới thực sự là một tác phẩm đưa đến sự xúc động”, đó là một trong số hàng nghìn bình luận sau khi Ranh giới của Tạ Quỳnh Tư phát sóng.

Chọn bối cảnh là khu K1, Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), nơi điều trị cho rất nhiều sản phụ mắc Covid-19, phim tài liệu khắc họa chân thực cuộc chiến giành giật sự sống của y bác sĩ lẫn bệnh nhân.

phim ranh gioi cua ta quynh tu anh 1

Ranh giới khắc họa cảnh bác sĩ giành giật sự sống cho các sản phụ tại Bệnh viện Hùng Vương. Ảnh: ĐPCC.

Ngay từ những phút mở đầu, đạo diễn đã mở một cánh cửa để người xem được mục sở thị cảnh nhân viên y tế cuống quýt liên lạc với đội tổng đài báo động đỏ, khẩn trương lắp bình oxy, các bác sĩ chạy vội vã trong đêm để cấp cứu.

Trải dài sau đó là những thước phim đầy xúc động: Bác sĩ động viên sản phụ thở bình oxy, điều dưỡng viên dỗ dành bệnh nhân, buộc tóc, bón cháo hay thay phiên nhau ngồi bóp bóng thở suốt đêm cho những người không đủ máy thở.

Dù ai cũng nỗ lực và làm việc với 300% công suất nhưng không tránh khỏi những ca cấp cứu thất bại. Và y bác sĩ là những người đón nhận nỗi buồn đầu tiên.

Khoảnh khắc họ tỏa ra mỗi người một góc để khóc, buồn bã sau khi bệnh nhân không may qua đời khiến người xem thắt lòng.

Đạo diễn Đặng Hồng Giang trao đổi với Zing khi xem xong 50 phút của Ranh giới, anh mến phục và kính trọng Tạ Quỳnh Tư cùng ê-kíp khi đã dấn thân vào khu K1 của Bệnh viện Hùng Vương để hoàn thành bộ phim.

“Một số cảnh như người vợ sợ hãi khi bước vào ca cấp cứu nhưng không có chồng kề bên, phân đoạn đội ngũ bác sĩ quyết định phải bỏ bào thai 21 tuần tuổi để giữ mạng cho sản phụ, rồi hình ảnh người cha đau đớn xin ra khỏi khu cách ly đến bệnh viện để nhìn mặt đứa con gái lần cuối mà không được phép, chồng vật vã khi nhận những món đồ của người vợ vừa mất khiến tôi ám ảnh”, nam đạo diễn nói.

Với nhà thơ Nguyễn Phong Việt, anh nhấn mạnh Ranh giới chân thật trong từng khoảnh khắc. Mỗi phút giây trong phim đều có giá trị riêng trong hành trình chiến đấu, giành lấy sự sinh tồn của lực lượng y tế, các sản phụ cùng sinh linh bé bỏng.

“Cảm xúc mạnh nhất khi xem bộ phim đều là đến từ sự chân thực. Tôi thậm chí đã rơi nước mắt khi xem đến cảnh ngay sau sự mất mát của một sản phụ, gần như tất cả bác sĩ tham gia vào tình huống hỗ trợ khẩn cấp ấy đều chết lặng vì không thể cứu dù đã nỗ lực”, anh nói với Zing.

Ranh giới là phim tài liệu không có lời bình nhưng chân thực, xúc động với những hình ảnh nghẹt thở của các sản phụ, em bé sơ sinh và các thiên thần áo trắng đang níu kéo sự sống giữa lằn ranh sinh tử”, nhà báo Nguyễn Phương Nam bày tỏ.

Bài học về trân trọng giá trị sống, hơi thở

Với Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, anh cho biết trong cuộc chiến với Covid-19, các y bác sĩ xứng đáng được tôn vinh như những người hùng.

“Bác sĩ, nhân viên y tế đáng và cần được dành những tình cảm thiêng liêng, quý giá và trân trọng nhất. Họ đang trực tiếp đối mặt với cái chết của người khác và của chính mình”, anh Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

phim ranh gioi cua ta quynh tu anh 2

Gần chục bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân ở giai đoạn nguy hiểm. Ảnh: ĐPCC.

Anh cũng viện dẫn số liệu hàng trăm nghìn y bác sĩ, nhân viên y tế đang ngày đêm trực chiến trong tâm dịch TP.HCM xuyên suốt 3 tháng qua và khẳng định: “Liệu xem phim này, nhìn những hình ảnh về tuyến đầu, mọi người còn kêu ca, phàn nàn gì về cuộc đời của mình nữa hay không?”.

CEO Thái Hà Books nói anh nhận ra yêu thương là bài học quan trọng trong cuộc đời. “Tôi phải mím môi lại để không bật ra tiếng khóc. Thật sự thương cho những người ở tuyến đầu. Vừa xem, tôi vừa nguyện cầu, gửi yêu thương đến đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế. Những thước phim ám ảnh, chân thực khiến tôi trằn trọc mãi”, anh tâm sự với Zing.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết bản thân anh cũng đang nỗ lực để hỗ trợ các y bác sĩ, nhân viên y tế trong cuộc chiến cam go với Covid-19.

Cùng chung quan điểm, nhà thơ Nguyễn Phong Việt cho biết bộ phim đưa đến những giá trị mới và thay đổi hệ nhận thức của nhiều người về sự nguy hiểm đến tận cùng của Covid-19 cùng những nỗi đau mà đại dịch đã gieo rắc trên hành tinh này.

“Tác phẩm này còn có giá trị hơn cả triệu lời tuyên truyền vì người xem tự cảm nhận được hết khó khăn của lực lượng tuyến đầu, sự quá tải của hệ thống y tế và sự chống chọi của các bệnh nhân mắc Covid-19. Trải nghiệm này giúp người dân tự ý thức được việc phải bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh”, anh đánh giá.

Với Nguyễn Phong Việt, anh nói bản thân biết tự trân quý giá trị của sự sống, hơi thở khi xem xong bộ phim.

“Sự trân quý sinh mệnh cá nhân sẽ giúp cho các y bác sĩ đang ngày đêm căng mình chống dịch có thể bớt đi áp lực, sự vất vả và bớt đi cả những giọt nước mắt không đáng có khi nhìn những bệnh nhân rời bỏ thế giới này theo cách khó khăn nhất trong ngày đại dịch”, anh nhấn mạnh.

Ranh giới khép lại bằng việc trích dẫn một câu văn trong Mùa lạc của Nguyễn Khải: “Không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua ranh giới ấy”.

Và sức mạnh để vượt qua ranh giới tử thần trong thời dịch không gì khác ngoài sự đoàn kết, chung lòng từ người dân và tự ý thức bảo vệ sự an toàn của bản thân, cộng đồng.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn