Xu hướng ra mắt ca sĩ ở tuổi vị thành niên

0
Xu hướng ra mắt ca sĩ ở tuổi vị thành niên

Nhiều chuyên gia khẳng định việc ra mắt khi còn quá trẻ tuổi có thể gây ảnh hưởng tới quá trình phát triển tâm lý của thần tượng Kpop.

Khi các nhóm nhạc Kpop ngày càng trẻ hóa, sự xuất hiện của thành viên trong độ tuổi thanh thiếu niên không còn là điều ngoại lệ, hiếm hoi.

Thực tế, nền công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc ngày càng cho ra mắt nhiều ca sĩ thần tượng ở tuổi 15. Mức tuổi này đã trở nên quá phổ biến trong Kpop, đến mức khán giả hầu như không còn chú ý tới độ tuổi tưởng chừng “vẫn quá non trẻ để bước chân vào giới giải trí” của họ.

Con số này không chỉ dừng ở 15. Khi công chúng dần cảm thấy quen thuộc với ca sĩ thần tượng 15 tuổi, các công ty giải trí bắt đầu giới thiệu tới khán giả những nhóm nhạc có thành viên chỉ mới 13, 14 tuổi.

Việc công ty giải trí cho ra mắt ca sĩ ở tuổi 14 làm dấy lên một chút quan ngại từ công chúng, tuy nhiên, điều này cũng dần trở nên phổ biến trong văn hóa âm nhạc Hàn Quốc chính thống. “Chính thống” theo nghĩa những ca sĩ này hoạt động dưới tư cách nghệ sĩ Kpop chính thức, không phải thành viên của dự án đặc biệt dành cho ngôi sao nhí.

Trước hiện tượng thần tượng Kpop ngày càng “trẻ hóa”, nhiều chuyên gia nhận định ngành giải trí Hàn Quốc cần đưa ra phương án phù hợp, kịp thời để bảo vệ những ngôi sao trẻ.

Ảnh hưởng từ chương trình thi đấu nhạc trot

Trước đây, làng nhạc Hàn Quốc từng gây chấn động dư luận khi họ quyết định cho ra mắt một số ca sĩ “nhỏ tuổi tới không tưởng tượng được”.

Năm 2000, nữ ca sĩ BoA phát hành ca khúc đầu tiên năm cô mới 13 tuổi. Nam ca sĩ Tae Min (SHINee) từng một thời nắm giữ danh hiệu “thần tượng trẻ tuổi nhất Kpop” khi anh gia nhập giới giải trí năm 14 tuổi. Lúc bấy giờ, sự xuất hiện của thần tượng dưới 15 tuổi là chủ đề khiến công chúng Hàn Quốc phải bàn tán xôn xao.

Tuy nhiên, maknae (thuật ngữ tiếng Hàn chỉ người trẻ nhất trong nhóm nhạc) 14 tuổi giờ không còn gây nhiều ngạc nhiên với người hâm mộ Kpop, đặc biệt kể từ năm 2020. Chỉ trong năm 2021, Kpop đã cho ra mắt 3 ca sĩ thần tượng 14 tuổi

Ca sĩ 14 tuổi gần đây nhất được giới thiệu tới công chúng là thành viên Lee Seo của nhóm nhạc nữ IVE. Sinh năm 2007, Lee Seo trở thành thần tượng trẻ tuổi nhất từng ra mắt tại sân khấu Kpop chính thống.

Trước Lee Seo, thành viên người Nhật Mire của nhóm nhạc nữ TRI.BE và Jian của nhóm nữ Lightsum cũng gia nhập giới giải trí ở tuổi 14. Xu hướng cho ra mắt thần tượng nhỏ tuổi không chỉ giới hạn trong ngôi sao nữ. Nam ca sĩ Jong Seob (P1Harmony) và thành viên người Nhật Niki của nhóm nam Enhypen mới tròn 14 tuổi khi ra mắt vào cuối năm 2020.

Lee Gyu Tak, giáo sư nghiên cứu truyền thông và âm nhạc đại chúng tại Đại học George Mason, chi nhánh Hàn Quốc, chia sẻ với Korea JoongAng Daily: “Sự xuất hiện của thần tượng Kpop trong độ tuổi thanh thiếu niên chắc chắn không phải chưa từng có tiền lệ, nhưng tôi cảm thấy xu hướng này đã có sự gia tăng trong thời gian gần đây, một phần nguyên nhân tới từ chương trình thi đấu nhạc trot”.

Trot là dòng nhạc truyền thống của nhạc pop Hàn Quốc, với nét đặc trưng là giai điệu, tiết tấu sôi động. Trot đạt cực thịnh trong giai đoạn từ năm 1950 tới năm 1980. Thể loại này được hồi sinh trong vài năm qua nhờ một số cuộc thi ăn khách dành cho ca sĩ nhạc trot, điển hình như Miss Trot và Mr. Trot của đài TV Chosun.

“Nhiều thí sinh nhí xuất hiện và trở nên nổi tiếng trên các cuộc thi trot. Trot chủ yếu được công chúng thuộc thế hệ lớn tuổi yêu thích, nên việc theo dõi trẻ em biểu diễn trên chương trình này chỉ như xem cuộc thi tài năng dễ thương, không gây khó chịu cho khán giả khi theo dõi”, Lee phân tích.

Giáo sư Lee cho biết quan niệm này bắt đầu lan truyền sang cả nền công nghiệp Kpop. Sự xuất hiện của thí sinh cực kỳ nhỏ tuổi đã trở thành điều bình thường, khiến công chúng dần chấp nhận những ngôi sao Kpop có độ tuổi rất trẻ.

“Vấn đề là trong khi chương trình âm nhạc trot kỳ vọng thí sinh nhí biểu diễn theo đúng độ tuổi của họ – như một đứa trẻ – thì cuộc thi dành cho thần tượng lại yêu cầu ca sĩ tuổi thiếu niên phải cư xử như nghệ sĩ Kpop chuyên nghiệp. Khó để khẳng định liệu việc trẻ em hành động quá trưởng thành so với độ tuổi có thực sự phù hợp hay không”, Lee chỉ ra vấn đề liên quan tới thần tượng tuổi thanh thiếu niên trong nền âm nhạc Hàn Quốc.

Gây ảnh hưởng tới quá trình phát triển tâm lý

Dù vậy, có một số điểm thuận lợi khi ca sĩ Kpop bắt đầu sự nghiệp ngay từ khi còn nhỏ. Nhà phê bình văn hóa đại chúng Ha Jae Keun chỉ ra lợi thế: “Các tài năng trẻ có thể ‘sải cánh’ và làm những gì họ yêu thích từ khi còn trẻ”.

Quả thực, phần lớn ca sĩ tân binh tuổi 14 ra mắt trong những năm gần đây được công chúng khen ngợi rằng họ tài năng và giỏi giang “không thua kém gì các thành viên lớn tuổi hơn”.

Trong trường hợp của nhóm nhạc nam, thực chất nhiều người hâm mộ hoan nghênh việc ngôi sao nam ra mắt ở độ tuổi thiếu niên. Theo họ, nếu gia nhập giới giải trí từ sớm, thần tượng người Hàn Quốc sẽ có nhiều thời gian để tạo dựng sự nghiệp trước khi họ thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc.

Dù vậy, đa phần chuyên gia tỏ ra cảnh giác về biến số có thể xảy ra với thần tượng trẻ tuổi.

Nhà phê bình văn hóa Ha Jae Keun phân tích: “Thần tượng ở lứa tuổi thiếu niên đang trong giai đoạn phát triển. Xuyên suốt quãng thời gian đó, họ phải được hòa nhập với xã hội thông qua giao tiếp cùng bạn bè ở trường học, tận hưởng và tạo dựng kỷ niệm thời thơ ấu”.

Theo nhà phê bình Ha, ra mắt ở độ tuổi trẻ thường đồng nghĩa với bỏ lỡ trải nghiệm của tuổi thanh thiếu niên.

“Tại trường hợp xấu nhất, nếu họ không thành công dưới tư cách người nổi tiếng, họ phải đối diện với nhiều hạn chế khi lựa chọn nghề nghiệp, vì rất có thể họ đã bỏ lỡ nhiều phần quan trọng trong quá trình học tập của mình, dưới ảnh hưởng của các hoạt động thần tượng”, Ha nhận xét.

Lim Myung Ho – giáo sư tâm lý học tại Đại học Dan Kook, chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý học trẻ em và thanh thiếu niên – cho biết khi trẻ em trở thành thần tượng Kpop, họ sẽ tham gia vào quá trình đào tạo theo nhóm một cách biệt lập.

Giáo sư Lim chỉ ra tác hại của quy trình đào tạo này: “Sự cô lập, thiếu tương tác cùng bạn bè chắc chắn gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển tâm lý và cơ chế đối phó của trẻ em khi trưởng thành. Dù có vươn lên thành ngôi sao, khả năng cao họ sẽ cảm thấy khó khăn trong việc xử lý cảm xúc hay duy trì trạng thái kiên cường nếu đối mặt với căng thẳng. Họ cũng có thể bị ảnh hưởng rất nhiều bởi bình luận thù ghét, rồi vì không đủ khả năng đối phó mà đắm chìm vào hành vi tự hủy hoại bản thân. Chúng ta từng chứng kiến nhiều người nổi tiếng rơi vào trường hợp này. Mức độ thiếu hụt giao tiếp xã hội là vấn đề còn nghiêm trọng hơn cả chuyện bỏ học”.

Thần tượng nữ tuổi vị thành niên bị “gợi dục hóa”

Yếu tố khác khiến khán giả cảm thấy lo ngại về thần tượng tuổi thanh thiếu niên là sự thay đổi trong xu hướng nhóm nhạc nữ. Kpop ngày xưa ưa chuộng hình ảnh ngôi sao nữ ngây thơ, đoan trang và dễ thương, tuy nhiên phong cách ấy hiện bị đánh giá “không còn hợp thời”.

Nhằm bắt kịp xu hướng, không ít thần tượng nữ chuyển sang theo đuổi phong cách phụ nữ trưởng thành, mạnh mẽ. Điều này có nghĩa ca sĩ trẻ tuổi trong nhóm nhạc nữ thường xuyên phải “thể hiện hình ảnh quá trưởng thành, thậm chí là gợi dục, hoàn toàn không phù hợp với lứa tuổi của họ”, theo giáo sư Lee.

Giáo sư Lee khẳng định vấn đề không chỉ nằm ở trang phục mỏng manh. Điều khiến Lee quan ngại là khi thần tượng tuổi thiếu niên thể hiện phong cách âm nhạc mà họ “còn quá nhỏ tuổi để có thể thấu hiểu cặn kẽ”.

“Tại thời điểm chứng kiến ngôi sao trẻ trình diễn bài hát với ca từ đầy cảm xúc, tôi tự hỏi liệu họ có thực sự hiểu mình đang hát về điều gì không. Kết quả, phần trình diễn của họ thường đem lại cảm giác thiếu chiều sâu”, Lee bày tỏ.

Giáo sư Lee khẳng định việc cho ra mắt thần tượng cực kỳ trẻ tuổi thậm chí gây ảnh hưởng tới hình ảnh chung của Kpop.

Lee đề cập tới một trong những lời chỉ trích phổ biến nhất dành cho ngành công nghiệp thần tượng – khẳng định Kpop là “hệ thống nhà máy” nơi ngôi sao chỉ hành động theo những gì công ty chủ quản đã lên kế hoạch sẵn.

Giáo sư Lee chỉ ra rằng định kiến này sẽ càng được củng cố và chứng minh trong tương lai, nếu ngày càng nhiều trẻ em ra mắt dưới tư cách thần tượng Kpop, tiếp tục hát những lời ca họ thậm chí không thể hiểu vì còn quá nhỏ.

“Tất nhiên, không phải là nghệ sĩ chỉ được trình diễn về trải nghiệm cá nhân của họ. Nhưng khi người biểu diễn còn quá trẻ, rất khó để chấp nhận rằng thứ âm nhạc họ đem tới hoàn toàn là của họ”, theo Lee.

Phương án bảo vệ thần tượng trẻ tuổi

Cuộc thi tuyển chọn tài năng Kpop chủ yếu tập trung vào thực tập sinh chưa ra mắt, nên người xem có thể bắt gặp cả các tài năng trẻ dưới 14 tuổi trên những chương trình này.

Jang Won Young, thành viên của nhóm nhạc nữ IVE, chỉ mới 13 tuổi khi cô tham gia chương trình Produce 48 của đài truyền hình Mnet vào năm 2018. Tại thời điểm cô giành hạng nhất và ra mắt cùng nhóm nhạc chiến thắng IZ*ONE, Won Young tròn 14 tuổi.

Cuộc thi tuyển chọn thần tượng nữ My Teenage Girl hiện lên sóng của đài MBC khiến công chúng không khỏi xôn xao khi chương trình có sự góp mặt của cả thí sinh trẻ ở độ tuổi 11. Chỉ duy nhất 1 trong số 83 thí sinh tham gia cuộc thi sinh sau năm 2000.

Độ tuổi cực kỳ non trẻ đã dẫn đến tranh cãi ngay từ tập đầu tiên của My Teenage Girl, khi video trình diễn ca khúc Nonstop của hai thực tập sinh bị lan truyền trên mạng xã hội. Sau khi nhận ra hai thí sinh trong video mới chỉ 14, 15 tuổi, clip họ bị ban giám khảo chỉ trích nặng nề khiến nhiều người xem cảm thấy lo lắng.

Giáo sư Lim nhận xét: “Việc bị ban giám khảo là người nổi tiếng mắng mỏ trên sóng truyền hình quốc gia, và việc video ghi lại khoảnh khắc xấu hổ của bản thân tồn tại trên mạng xã hội vĩnh viễn rõ ràng là điều cực kỳ gây tổn thương cho trẻ em”.

Lim bày tỏ: “Tôi thậm chí có thể khẳng định đây là hình thức hành hạ tinh thần dưới danh nghĩa tổ chức chương trình. Những thí sinh nhí đó hoàn toàn không được bảo vệ. Không thể để cho bất kỳ đứa trẻ nào trải qua trải nghiệm đau thương như vậy. Cần có mức giới hạn cao hơn về độ tuổi của thí sinh trong chương trình thử giọng”.

Nhiều chuyên gia tin rằng xu hướng cho ra mắt thần tượng trẻ tuổi khó có khả năng biến mất, vì vậy việc đưa ra kế hoạch ứng phó là điều cần thiết.

“Dựa trên xu hướng hiện tại, tôi nghĩ độ tuổi ra mắt của thần tượng Kpop sẽ ngày càng trẻ hóa. Nếu chúng tôi không thể làm gì để giải quyết vấn đề, phương án thứ hai tốt nhất mà công ty giải trí phải thực hiện là chuẩn bị hệ thống hỗ trợ giao tiếp xã hội và sức khỏe tinh thần cho nghệ sĩ trẻ. Đây là điều hoàn toàn cần thiết cho sự thành công của các thần tượng, đặc biệt về mặt lâu dài”, giáo sư Lim đưa ra phương án.

Nhà phê bình Ha nhận xét: “Nếu công ty giải trí cố tình gợi dục hóa thần tượng trẻ tuổi, hoặc định hướng họ theo phong cách quá trưởng thành so với lứa tuổi, thì người tiêu dùng nên học cách phân biệt và chỉ ra điều gì là không phù hợp”.

Ngoài ra, theo Ha, bản thân thần tượng, cũng như cha mẹ và công ty quản lý, cần suy nghĩ sâu sắc về điều họ sẽ thực hiện nếu sự nghiệp âm nhạc không thành công.

“Đó là lý do họ không bao giờ được bỏ bê việc học hành, ngay cả khi họ mơ ước trở thành ngôi sao Kpop từ nhỏ”, Ha khẳng định.

Nguồn: News.zing.vn