Cách đặt tên món ăn gây “lú” của ông bà ta, đến cả một idol Kpop còn phải “hoang mang style”

0
Cách đặt tên món ăn gây “lú” của ông bà ta, đến cả một idol Kpop còn phải “hoang mang style”

Cùng khám phá ý nghĩa sâu xa sâu những món ăn “vị đi một đằng, tên lại một nẻo” của ẩm thực Việt nhé!

Có lẽ ta sẽ không bao giờ hết trầm trồ được với tài đặt tên món ăn độc đáo của ông bà ta, có khi đơn giản như lấy tiếng “xèo xèo” khi cho bánh vào chảo làm tên, có khi “lái lụa” tạo ra những danh xưng mỹ miều như “cơm hoàng bào” (mà thực ra là cơm bọc một lớp trứng rán vàng). Bên cạnh đó, tư duy của người Việt Nam còn “thú dzị” đến mức dễ liên tưởng, dễ “nhảy số” khiến bạn bè quốc tế theo không kịp, ví dụ như những cái tên vàng trong làng gây “lú” sau đây:

Bánh bò

Cách đặt tên món ăn gây lú của ông bà ta, đến cả một idol Kpop còn phải hoang mang style - Ảnh 1.

Chính nó, “cú lừa” ám ảnh cả một tuổi thơ của team cuồng thịt: Lần đầu nghe tên bánh bò, bọn trẻ con ai cũng hả hê sắp được ăn thịt, nào ngơ bánh chả có miếng thịt bò nào mà cũng không phải món mặn luôn! Thậm chí cái tên này gây hiểu nhầm đến mức một thành viên của nhóm nhạc SEVENTEEN đã hết sức “ngờ vực” nhìn MC khi nói rằng sẽ cho mình ăn bánh bò, nhưng lại… hổng thấy miếng thịt nào.

Cách đặt tên món ăn gây lú của ông bà ta, đến cả một idol Kpop còn phải hoang mang style - Ảnh 2.

Yoon Jeonghan (SEVENTEEN), nạn nhân tiêu biểu của cái tên gây lý “bánh bò”: Tới Việt Nam hí hửng ăn bánh bò, rồi phát hiện nó không có miếng thịt nào hết!

Chỉ trách tiếng Việt quá đa nghĩa, khi “bò” ở đây không phải là thịt bò, mà là hiện tượng bột bánh “bò” lên thành khi được ủ. Bánh vốn được làm từ bột gạo tẻ lên men, khi đổ vào khuôn, bột sẽ phồng to từ từ cho đến khi gần gấp đôi lượng ban đầu. Vì hiện tượng này mà người ta mới liên tưởng và đặt ra cái tên thú vị “bánh bò”. Liên tưởng xa cả… cây số như vậy mà cũng nghĩ được, ông bà ta đúng thật là có lối tư duy sáng tạo!

Chè Lam

Cách đặt tên món ăn gây lú của ông bà ta, đến cả một idol Kpop còn phải hoang mang style - Ảnh 3.

Trong phòng khách người Hà Nội xưa vẫn thường có một bình trà, đi kèm một địa sứ nhỏ xíu thấp thoáng mấy thanh bánh dẻo dẻo, thơm nức mùi gừng. Loại bánh ấy chính là chè lam – thú ăn chơi tinh tế nức tiếng của người Hà Thành, tồn tại cả thế kỉ mà người đời vẫn chưa thể cắt nghĩa nó thực sự là… bánh hay chè.

Xét về hình thức, chè lam đích thị là một loại bánh, vuông vức xinh xắn, ăn không dính tay. Nhưng có lẽ công đoạn chế biến mới là thứ khiến người ta liên tưởng nó với chè. Ban đầu, nước, gừng và mạch nha đươc cho vào nồi nấu như nấu chè, khi mạch nha dẻo quánh và thêm bột nếp vào thì mới dần dần đặc lại, đứng dáng thành cái bánh.

Bánh cam

Cách đặt tên món ăn gây lú của ông bà ta, đến cả một idol Kpop còn phải hoang mang style - Ảnh 4.

Tương tự như bánh bò, bánh cam lại chả có múi cam lẫn tí hương cam nào trong đó. Có người lý giải rằng, đây chỉ là một cái tên giúp khu biệt với bánh rán (loại bánh nhân đậu xanh tương tự ở miền Bắc), nhưng cũng có giả thiết nói, bánh tròn xoe bóng lưỡng và mang màu cam óng ánh, nên được so sánh với quả cam rồi gọi là bánh cam.

Tuy nhiên, dù cái tên có mang nhiều bối rối, không thể phủ nhận màu cam óng ánh, đặc trưng của bánh vẫn luôn là kí ức khó phai trong trí óc nhiều đứa trẻ Sài Gòn. Nếu gọi bằng cái tên khác như bánh rán, bánh đậu xanh,… có lẽ món bánh này sẽ mất đi nhiều thi thú.

Kẹo dồi

Cách đặt tên món ăn gây lú của ông bà ta, đến cả một idol Kpop còn phải hoang mang style - Ảnh 5.

Sự kết hợp “tai quái” gì thế này: Món dồi lợn lại được đem đi làm bánh kẹo ư? Thế nhưng với bọn trẻ con miền Bắc, kẹo dồi chả có chút gì đáng sợ. Nó đã là món quà vặt bình dân được ưa chuộng mấy trăm năm, đến mức chẳng ai thèm thắc mắc về cái tên kì lạ của nó.

Nhưng liên tưởng của ông bà ta cũng không phải không có cơ sở. Xét về ngoại hình, kẹo trong khá giống… dồi lợn với phần nhân là mạch nha, lạc, vừng và đường, được cuộn lại trong một lớp vỏ trắng kem. Cách làm thì cũng tương tự món dồi: Nhân bánh được ngào trước, sau đó cho vào phần vỏ bánh đã được “kéo” dẻo, cuốn thành thanh dài, rồi mới cắt ra miếng vừa ăn. Xét cả ngoại hình lẫn cách làm, quả nhiên kẹo dồi càng nghĩ càng giống món dồi lợn trứ danh của làng quê miền Bắc.

Bánh da lợn

Cách đặt tên món ăn gây lú của ông bà ta, đến cả một idol Kpop còn phải hoang mang style - Ảnh 6.

Nếu miền Bắc có kẹo gồi “gây lú” cho người nước ngoài, thì miền Tây Nam Bộ có bánh da lợn cũng gây hoang mang không kém. Cho đến bây giờ, nguồn gốc cái tên này vẫn khiến các nhà ngôn ngữ học đau đầu. Người miền Nam vẫn thường dùng từ “heo” chứ không phải “lợn” (như bánh lỗ tai heo, thịt heo, giò heo…), chỉ riêng cái tên bánh da lợn vẫn tồn tại bền bỉ và phổ biến. Người miền Nam chẳng ai nói bánh da heo mà ai cũng gọi bánh da lợn, khiến nhiều nhà nghiên cứu cho rằng bánh xuất phát từ khu vực phía Bắc, được gọi thế rồi… chết tên luôn.

Mặt khác, trong thành phần của bánh cũng chả có gì liên quan đến thịt heo. Bánh có tên như vậy bởi nhiều lí do: Lớp vỏ bên trên óng và mỏng như lớp da heo, hoặc kết cấu bánh có nhiều lớp, trẻ con ngày xưa thích bóc từng tầng một để ăn, nên người ta mới liên tưởng đến lớp da lợn mà gọi vậy.

Những cái tên thoạt nghe chẳng liên quan như thế cũng không ngăn được các loại bánh trái này đi sâu vào văn hóa, đời sống người Việt. Thế mới biết, khả năng tưởng tượng của ông bà ta phong phú thế nào, mà tình yêu ăn uống đến quên cả sự “vô lý” của con cháu cũng chẳng hề kém cạnh!

Nguồn: KENH14.VN