Đặc phái viên của ASEAN về vấn đề Myanmar cho biết vẫn đang tìm cách tiếp cận bà Suu Kyi, cũng như đàm phán với quân đội về chuyến đi của ông tới nước này.
Erywan Yusof, Bộ trưởng (thứ hai) Bộ Ngoại giao của Brunei, là người được Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bổ nhiệm làm đặc phái viên về vấn đề Myanmar vào tháng 8 vừa qua.
Trả lời Reuters ngày 4/9, ông Erywan nói: “Hiện tại nhu cầu cấp bách là phải đến Myanmar. Nhưng tôi nghĩ trước khi thực hiện được điều này, tôi cần có sự đảm bảo. Tôi cần hình dung rõ ràng về những gì tôi phải làm, những gì họ (chính quyền quân sự Myanmar) sẽ cho phép tôi làm khi đến thăm”.
Ông Erywan cho biết đã gửi yêu cầu được tiếp cận bà Aung San Suu Kyi tới Hội đồng Hành chính Nhà nước Myanmar, hiện do thống tướng quân đội Min Aung Hlaing làm chủ tịch.
Ông Erywan Yusof được ASEAN bổ nhiệm làm đặc phái viên về vấn đề Myanmar. Ảnh: AP. |
Theo Reuters, quân đội Myanmar chưa phản hồi về tuyên bố của ông Erywan.
Sau vụ chính biến ngày 1/2 đưa quân đội Myanmar lên nắm quyền, ASEAN đã nỗ lực chấm dứt tình trạng bạo lực bùng phát ở nước này, đồng thời tìm cách mở kênh đối thoại giữa chính phủ quân sự Myanmar và phe đối lập.
Vào tháng 4, chính phủ quân sự Myanmar “đồng thuận” năm điểm với ASEAN, trong đó kêu gọi chấm dứt bạo lực, đàm phán chính trị và chỉ định một đặc phái viên khu vực.
Kể từ sau chính biến, Myanmar rơi vào hỗn loạn, làn sóng biểu tình lan rộng khắp cả nước. Cựu cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo dân cử khác bị bắt giữ. Bà Suu Kyi bị cáo buộc nhiều tội danh và đang chờ được xét xử.
Ban đầu, quân đội Myanmar cáo buộc cuộc bầu cử 2020 ở nước này gian lận và cam kết sẽ tổ chức lại bầu cử vào năm 2022.
Đầu tháng 8, thống tướng quân đội Myanmar cho biết sẽ tổ chức bầu cử và dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào tháng 8/2023, tức kéo dài thời gian nắm quyền của quân đội.
Nguồn: News.zing.vn