Không khí sản xuất ông Táo bằng đất ở làng Địa Linh, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế, những ngày cuối năm vô cùng tất bật để đảm bảo có hàng kịp thời phục vụ khách.
Làng Địa Linh là nơi hiếm hoi còn lưu giữ nghề làm ông Táo với lịch sử lâu đời. Trước đây, ở Huế có hai làng Địa Linh và làng Sình làm nghề đúc tượng ông Táo. Tuy nhiên, sau này làng Sình đã chuyển sang làm áo ông Táo, chỉ còn Địa Linh là nơi cuối cùng còn giữ được nghề độc đáo này đến bây giờ. |
Để cho ra đời những tượng ông Táo hoàn chỉnh, kịp cho các gia đình “rước” về đón Tết, người thợ gốm Địa Linh phải cẩn thận từng bước một, từ khâu chọn lựa đất sét, đến công đoạn nhào nặn, in khuôn, nung gốm và tô điểm cho tượng. Tượng được phơi khô, cho vào lò nung, công đoạn này thường mất 2-3 ngày, nếu thời tiết không nắng ráo, có khi họ phải dùng quạt máy để hỗ trợ cho quá trình phơi khô. |
Đất làm ông táo phải là loại đất đẹp, được chở về và nhào nặn từ trước Tết vài tháng. Những ngày trời nắng ráo, người thợ tranh thủ nhào nặn, phơi khô đất trước khi cho vào lò nung. |
Công đoạn xếp tượng vào lò nung nhìn rất đơn giản, nhưng đó là lúc thể hiện sự khéo léo, kinh nghiệm bàn tay người thợ. |
Một mẻ tượng trước khi thành phẩm được nung và làm nguội trong 2 ngày. Lò nung thường có nhiều cửa, được bố trí bốn phía giúp thông hơi và đảm bảo nhiệt độ bên trong. |
Khi thành phẩm, tượng có màu vàng nhạt đặc trưng của đất. |
Để sản phẩm bắt mắt hơn, người ta sơn lên các bức tượng một lớp sơn màu đỏ cho ông Táo. |
Ông Táo sau này có nhiều thay đổi về màu sắc hơn so với ngày xưa khi được sơn và rắc kim tuyến lên bề mặt. Tuy nhiên, người Huế xưa vẫn chuộng thờ ông Táo theo hình thức mộc mạc trước đây. |
Được biết mỗi bộ tượng ông Táo bán ra cho lái buôn với giá 1.000 đồng/Táo không màu hay Táo sơn mài bóng và 1.500 đồng/Táo sơn màu, tiền lời thu được là 500-700 đồng/tượng. Ông Táo là một thứ đồ không thể thiếu trong các sạp bán hàng của các khu chợ, dù là chợ lớn hay chợ quê ở cố đô Huế mỗi dịp Tết đến, xuân về. |
Nguồn: News.zing.vn