Du lịch nước ngoài

Du lịch nước ngoài, tin tức du lịch nước ngoài, các tour du lịch nước ngoài, các địa điểm du lịch nước ngoài hấp dẫn được chúng tôi tổng hợp và đăng tin hàng ngày cho quý khách tham khảo và lựa chọn những tour du lịch nước ngoài ưng ý nhất

Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản – Kỳ quan Vịnh Hạ Long: Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ

Vịnh Hạ Long là vùng biển đảo có giá trị to lớn về đa dạng sinh học, văn hoá lịch sử, là nơi diễn ra nhiều hoạt động kinh tế, xã hội liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

Kể từ khi Vịnh Hạ Long được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới đến nay, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản đã được các cấp, ngành quan tâm và đạt được những kết quả nhất định. Vị thế và uy tín của Vịnh Hạ Long được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là khi Vịnh Hạ Long được công nhận là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ khách du lịch tham quan Vịnh đã từng bước được hoàn thiện và đồng bộ hơn.

 

 

Để nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan du lịch, bên cạnh việc bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, công tác đầu tư, tôn tạo các dự án phục vụ bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long cũng được nâng lên một bước. Cơ sở hạ tầng điểm đến, bến cập tàu, đường đi, đèn chiếu sáng trong hang động v.v. đã được đầu tư nâng cấp đảm bảo tham quan thuận tiện, an toàn cho du khách.

 

Trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã đầu tư hàng trăm dự án với tổng số tiền hàng trăm tỷ đồng, như: Tôn tạo động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hang Sửng Sốt, bãi tắm Ti Tốp, bãi tắm Soi Sim, Trung tâm văn hoá nổi Cửa Vạn, nâng cấp các điểm lưu trú nghỉ đêm trên Vịnh; xây dựng đề án điểm dừng chân cho khách du lịch tại khu vực Ba Hang, Hoa Cương; lập dự án điều chỉnh điểm đỗ nghỉ đêm từ Hồ Ba Hầm về hang Tiên Ông; phối hợp với Sở Giao thông – Vận tải, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch xây dựng các tuyến điểm tham quan trên Vịnh Bái Tử Long; xây dựng hồ sơ thiết kế và lựa chọn nhà thầu thi công dự án bến cập tàu đảo Ti Tốp v.v.. Chỉ tính riêng trong năm 2013, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã đầu tư khoảng hơn 24,115 tỷ đồng để phục vụ cho công tác đầu tư, tôn tạo các dự án, công trình phục vụ bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long. Cụ thể, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã hoàn thành công trình bến cập tàu Thiên Cung – Đầu Gỗ và triển khai thi công 3 công trình: Cải tạo nhà làm việc, sân đón khách, nhà vệ sinh, đường đi khu vực Thiên Cung, Đầu Gỗ; tiếp tục xây dựng biển quảng bá Vịnh Hạ Long tại TP Móng Cái; cải tạo, nâng cấp bến cập tàu đảo Ti Tốp. Đồng thời tổ chức kiểm tra, rà soát các công trình xây dựng, các cảng, bến, điểm neo đậu lưu trú trên Vịnh, đôn đốc nhà thầu sửa chữa công trình và hoàn thiện hồ sơ quản lý chất lượng của dự án chiếu sáng trang trí nghệ thuật ven bờ Vịnh Hạ Long… Đầu năm 2014 này, hệ thống cập tàu mới trên đảo Ti Tốp chính thức đưa vào phục vụ khách tham quan.

 

Bên cạnh việc đầu tư, tôn tạo các công trình phục vụ bảo tồn, để làm phong phú các sản phẩm du lịch tham quan trên Vịnh, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cũng đưa ra một số định hướng phát triển sản phẩm du lịch như: Tham quan các hang động có giá trị đa dạng sinh học cao như: Tam Cung, Hồ Động Tiên, các điểm đến có giá trị lịch sử: Hang Quan, Soi Nhụ… Đặc biệt, năm 2013, Quảng Ninh đã triển khai mở rộng không gian du lịch Vịnh Hạ Long xuống Vịnh Bái Tử Long, vùng giáp ranh với di sản Vịnh Hạ Long, bước đầu đã hình thành được 3 tuyến du lịch bao gồm: Hạ Long – Công viên Hòn Xếp, tuyến Vũng Đục (TP Cẩm Phả) – Công viên Hòn Xếp và tuyến Cái Rồng – Minh Châu… Cũng như việc kết nối các sản phẩm trên Vịnh với khu vực ven bờ như khu vực bến phà Bãi Cháy, núi Bài Thơ. Theo lãnh đạo Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, trong thời gian tới, để mở rộng không gian du lịch, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục mở rộng các tuyến, tour du lịch xuống Vịnh Bái Tử Long, đây cũng là cách bảo tồn giảm bớt việc khai thác du lịch trong vùng lõi di sản, phát triển các vùng phụ cận để  khách du lịch sẽ có thêm những trải nghiệm, khám phá mới ở một vùng rộng lớn hơn của di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Hiện nay Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cũng đang phối hợp với các sở, ngành liên quan khảo sát và đề xuất các phương án cải tạo, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng để đưa các điểm tham quan như: Lờm Bò, Hồ Động Tiên, Động Tam Cung… vào quản lý, khai thác, tạo ra các điểm tham quan mới, phục vụ khách du lịch. Đồng thời, hoàn thành đề án bảo tồn và phát huy sản phẩm du lịch văn hoá làng chài trên Vịnh Hạ Long.

 

Với những nỗ lực hiện tại và các định hướng đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ khách du lịch tham quan Vịnh Hạ Long đang dần được hiện thực hoá, Vịnh Hạ long sẽ mang một diện mạo mới, hấp dẫn hơn với du khách. Vị thế, uy tín của Vịnh Hạ Long sẽ ngày càng được nâng cao, các giá trị cảnh quan môi trường trong khu vực di sản được giữ vững và ngày càng phát huy có hiệu quả.

Thu Nguyên

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

VietJet khai trương đường bay Tp.HCM – Đà Lạt

Ngày 22/03/2014, VietJet tưng bừng khai trương đường bay giữa TP.HCM – Đà Lạt, nối liền Sài Gòn sôi động với xứ sở ngàn hoa lãng mạn.

Đây là đường bay thứ 22 của hãng và cũng là đường bay thứ 3 đến Đà Lạt cùng với Hà Nội – Đà Lạt và Vinh – Đà Lạt. Cùng trong ngày này, điểm bán vé mới tại địa chỉ số 02 – 04 Trần Quốc Toản, Tp. Đà Lạt đã mở bán phục vụ và có nhiều chương trình khuyến mãi mỗi ngày cho hành khách.

Trên chuyến bay khai trương giữa TP.HCM – Đà Lạt, VietJet đã trao tặng quà lưu niệm xinh xắn cho tất cả hành khách.

 

Tại sân bay Liên Khương, hành khách còn được chào đón với điệu múa dân tộc Tây Nguyên.

Đặc biệt, sự kiện khai trương được đánh dấu bằng màn diễu hành chưa từng có của đoàn ngựa 30 con trên khắp các tuyến đường chính của thành phố hoa. Màn biểu diễn đã mang lại nhiều bất ngờ, thú vị cho người xem, đông đảo du khách đã chụp hình và đi theo cùng đoàn. Thành phố Đà Lạt bỗng rộn ràng nhộn nhịp hơn ngày thường. 

Với tần suất khai thác 7 chuyến khứ hồi/tuần, thời gian bay khoảng 40 phút, chuyến bay TP.HCM – Đà Lạt được khởi hành hàng ngày từ Đà Lạt lúc 9h45 và đến Tp.HCM lúc 10h25. Chiều ngược lại khởi hành lúc 11h00 từ Tp.HCM và tới Đà Lạt lúc 11h40 rất thuận tiện cho hành khách.

Hiện VietJet đang khai thác hơn 600 chuyến bay mỗi tuần trên 23 đường bay nội địa và quốc tế. Sắp tới, VietJet sẽ tiếp tục mở rộng mạng bay trong nước và đến các vùng kinh tế trọng điểm của Châu Á – Thái Bình Dương mang đến cho người dân và du khách thêm nhiều sự lựa chọn về chặng bay và thời gian bay, với chi phí tiết kiệm nhất. 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Thành Nhà Hồ nhận bằng Di sản văn hóa TG

Tối 16/6, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức lễ đón bằng công nhận Thành Nhà Hồ là Di sản văn hóa thế giới do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng.

Buổi lễ được tổ chức trang trọng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, nhằm giới thiệu và tôn vinh những nét đẹp, giá trị của Thành nhà Hồ đến bạn bè trong và ngoài nước.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: “Thành Nhà Hồ-một công trình quân sự, kiến trúc độc đáo, được nhân dân gìn giữ, bảo tồn hơn 600 năm qua, được đánh giá mang giá trị văn hóa nổi bật toàn cầu, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.”

“Đây là niềm vui, niềm tự hào của nhân dân Thanh Hóa và nhân dân cả nước. Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ cùng các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể khác được thế giới công nhận sẽ tô đậm thêm nền văn hiến ngàn năm hết sức phong phú của dân tộc Việt Nam, góp phần để bạn bè thế giới hiểu biết thêm về đất nước, con người Việt Nam, mở ra triển vọng, cơ hội mới cho phát triển du lịch, nghiên cứu văn hóa Việt Nam,” Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Theo Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ, Thành Nhà Hồ còn gọi là thành Tây Đô hoặc thành Tây Kinh, thành An Tôn, thành Tây Giao, Thạch Thành (thành Đá) thuộc địa phận hai xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Thành Nhà Hồ nhận bằng Di sản văn hóa TG - 1

Thành Nhà Hồ sau nhiều năm xây dựng hồ sơ, đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào ngày 27/6/2011

Thành được xây dựng trong khoảng thời gian ba tháng, từ tháng Giêng đến tháng Ba năm 1397. Người quyết định chủ trương xây thành là Hồ Quý Ly, lúc đó là Thái sư nắm giữ mọi quyền lực của triều đình nhà Trần. Người trực tiếp tổ chức và điều hành là Thượng thư bộ lại kiêm Thái sử lệnh Đỗ Tỉnh. Tháng 3 năm Canh Thân, Hồ Quý Ly lên ngôi lập ra nhà Hồ lấy tên nước là Đại Ngu (1400-1407) và Tây Đô là kinh đô.

Thành Nhà Hồ sau nhiều năm xây dựng hồ sơ, đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào ngày 27/6/2011. Xét trên hai tiêu chí, Thành Nhà Hồ thỏa mãn được tính toàn vẹn và xác thực, bên cạnh đó, di sản này còn biểu hiện sự giao lưu quan trọng các giá trị ảnh Nho giáo Trung Hoa đối với một biểu tượng vương quyền tập trung ở thời kì cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV.

Trong thời gian tới, Thanh Hóa sẽ mở hai tour du lịch là Hành trình về với kinh đô (Thành Nhà Hồ – Lam Kinh) và Bất ngờ Cẩm Lương (Thành Nhà Hồ – Cẩm Lương) nhằm giới thiệu tiềm năng du lịch di sản ở địa phương.

Cũng nhân dịp này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế Ủy ban quốc gia UNESCO các nước châu Á-Thái Bình Dương trong ba ngày từ ngày 15 – 17/6 tại thành phố Thanh Hóa.

Nguồn: 24H.COM.VN

TIN MỚI NHẤT