Được mệnh danh là vùng đất của những tinh hoa nghề Việt, Cẩm Kim lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, tâm linh đặc sắc. Trải nghiệm Cẩm Kim không chỉ giúp du khách khám phá vùng đất bên bờ di sản mà còn là sự trở về với những giá trị nguyên sơ của một miền quê điển hình xứ Quảng.
Du khách tham quan Kim Bồng, Cẩm Kim.Ảnh: V.LỘC
Lưu luyến Kim Bồng
Làng Kim Bồng, xã Cẩm Kim (Hội An) là một trong những ngôi làng hình thành khá sớm tại thương cảng Hội An. Từ xa xưa Kim Bồng đã nổi tiếng với nghề mộc do các cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ và xứ Thanh Nghệ Tĩnh mang vào qua những cuộc di dân lập nghiệp tại đây. Trải bao thăng trầm, nghề mộc vẫn được các nghệ nhân lưu giữ như níu kéo niềm tự hào của cha ông thuở lập làng khai xứ.
Từ phố cổ muốn qua Kim Bồng có nhiều cách, tuy vậy đi thuyền vẫn mang đến cho du khách nhiều cảm xúc thú vị. Từ bến thuyền Hội An mất chừng 10 phút lênh đênh trên sóng nước, du khách sẽ đến làng. Thuyền vừa cập bến đã nghe tiếng đục đẽo, khoan cắt vang lên từ các xưởng mộc trong làng vọng lại. Những âm thanh như nhịp điệu cuộc sống gắn liền bao thế hệ người dân nơi đây để tạo nên cái hồn riêng cho mảnh đất này. Tham quan Kim Bồng du khách không chỉ chiêm ngưỡng những tác phẩm gỗ được chạm trổ tinh xảo từ đôi tay tài hoa của người thợ mà còn được nghe những câu chuyện nghề qua hàng trăm năm lịch sử vẫn còn được người dân truyền tụng như niềm tự hào về sức sống mãnh liệt của làng.
Ngày nay, mộc Kim Bồng được biết đến với 3 nhóm nghề chính gồm: mộc xây dựng các công trình kiến trúc nhà ở, mộc dân dụng và nghề đóng sửa tàu thuyền. Cùng với đó, nghề nề đắp vẽ, chạm trổ linh vật và phát triển các dòng sản phẩm mỹ nghệ phục vụ du lịch cũng góp phần đưa Kim Bồng trở thành một trong những ngôi làng hội tụ nhiều tinh hoa nghề Việt. Du khách đến Kim Bồng không chỉ được tham quan, trải nghiệm các hoạt động văn hóa truyền thống, làng nghề mà còn có cơ hội chọn mua cho mình những sản phẩm lưu niệm tinh xảo bằng gỗ để mang về làm quà cho một chuyến đi. Cũng từ Kim Bồng sẽ mở ra một không gian thoáng đãng của làng quê, nơi du khách khám phá thêm nhiều điều mới lạ gắn với cuộc sống người dân. Đó là những cánh đồng xanh màu lúa, những khu vườn hoa trái sum sê; là những người phụ nữ cần mẫn bên khung dệt chiếu, tráng mỳ… Một không gian bình yên cứ vương vấn bước chân đi để rồi quay về phố vẫn còn lưu luyến.
Kết nối phố cổ
Theo ông Phan Trọng Nhân – Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim – Kim Bồng chỉ là điểm nhấn nổi bật của Cẩm Kim bên cạnh khung cảnh bình yên xóm làng của một miền quê nông thôn điển hình xứ Quảng. Thời gian qua, việc đánh thức tiềm năng du lịch Cẩm Kim là định hướng của xã, nhằm biến vùng đất này trở thành một điểm đến đầy hấp dẫn bên ngoài di sản. “Cẩm Kim là vùng đất lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, ngành nghề truyền thống, đây sẽ là những lợi thế tốt để xây dựng nên những sản phẩm du lịch đặc thù, đáp ứng nhu cầu của khách tham quan. Đặc biệt, danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia mà làng mộc Kim Bồng vừa được Bộ VH-TT&DL công nhận sẽ là cơ hội thuận lợi để quảng bá mạnh mẽ hơn thương hiệu nghề mộc Kim Bồng cũng như Cẩm Kim đến du khách gần xa” – ông Nhân nhìn nhận.
Trong chiến lược phát triển du lịch Hội An những năm qua, ngoài giá trị di sản văn hóa vật thể, thành phố cũng đã tập trung phát triển các di sản phi vật thể, cụ thể là khai thác các làng nghề truyền thống, vùng ven như một chiến lược trọng tâm, trong đó có mộc Kim Bồng và Cẩm Kim. Tuy nhiên, do cách trở giao thông nên một thời gian dài du lịch Cẩm Kim vẫn đứng ngoài cuộc. Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An – cho rằng, với việc đầu tư cây cầu bắc sang sông (2016) đã giúp kết nối Cẩm Kim với phố cổ. Thành phố cũng đã có một số chính sách đầu tư về hạ tầng nhằm quy hoạch Cẩm Kim trở thành một vùng quê điển hình của Hội An. Đặc biệt, đã có hẳn nghị quyết chuyên đề về xây dựng Cẩm Kim thành một làng quê, làng nghề truyền thống với nền tảng là nghề mộc Kim Bồng, trên cơ sở đó sẽ tập trung khai thác các thế mạnh của địa phương, kết nối Cẩm Kim với khu phố cổ Hội An, mở ra một không gian du lịch mới đầy hấp dẫn bên ngoài phố cổ. “Bên cạnh cơ hội, lợi thế vẫn có nhiều lo lắng, nhất là vấn đề đô thị hóa nhanh quá cũng sẽ làm ảnh hưởng đến cảnh quan làng quê nông thôn Cẩm Kim… Do vậy, để du lịch phát triển, thì địa phương cũng cần tập trung tuyên truyền vận động nhân dân giữ gìn lại khung cảnh làng quê, đồng thời xây dựng quy chế quản lý, chỉnh trang một cách ngăn nắp để tạo cảnh quan nông thôn truyền thống nhưng cũng hết sức văn minh để thu hút khách đến Cẩm Kim” – ông Sơn nói.
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn