Giới trẻ châu Á học theo phong trào ‘nằm yên’, mặc kệ sự đời

0
38

Người trẻ 3 nước Hàn, Nhật, Trung đều đối mặt với những kỳ vọng lớn của xã hội. Khi đã quá chán nản và mệt mỏi, nhiều người dần quay sang buông bỏ, chọn cuộc sống đơn giản.

Từng mơ ước lập nghiệp thành công ở thành phố lớn, Li Xiaoming (24 tuổi), đến từ một thị trấn nhỏ ở tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc), giờ chỉ muốn nghỉ ngơi, theo CNN.

Số lượng người còn trẻ tuổi như Li thấy mệt mỏi với sự cạnh tranh khốc liệt trong cuộc sống ngày càng đông. Gần đây, họ chuyển sang lối sống “nằm yên”, chọn sống đời đơn giản, không bon chen.

Theo Sixth Tone, “triết lý nằm thẳng” mới xuất hiện trong nửa năm trở lại đây. Chủ nhân bài đăng này đề cập đến thuật ngữ “tang ping” – hành động quyết tâm bỏ qua mọi nỗ lực để hoàn thành một công việc, mục tiêu nào đó.

gioi tre chau A hoc theo loi song nam yen cua thanh nien trung quoc anh 1

Mới chỉ xuất hiện gần đây, triết lý “nằm thẳng, mặc kệ sự đời” càng thể hiện rõ sự mệt mỏi với cuộc sống của lớp người trẻ Đông Á. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, loại hiện tượng này không chỉ giới hạn ở Trung Quốc. Tại các nước khu vực Đông Á, những người trẻ tuổi nói rằng họ đã kiệt sức trước viễn cảnh làm việc cật lực cả đời nhưng thành tựu mang lại ít ỏi.

Ở Hàn Quốc, những người trẻ tuổi đang từ bỏ hôn nhân và quyền sở hữu nhà. Ở Nhật Bản, nhiều người bi quan về tương lai của đất nước đến mức từ bỏ của cải vật chất.

Tại sao phải cố gắng

Điểm thi đại học thuộc top 0,37% cao nhất tỉnh. Học thạc sĩ tại 1 trong 3 trường luật hàng đầu ở Trung Quốc.

Chừng đó vẫn không đủ để Li kiếm công việc ưng ý. Nộp đơn xin thực tập hồi tháng 3, anh bị hơn 20 công ty từ chối.

“Sự cạnh tranh quá khốc liệt, khiến tôi mệt mỏi và muốn nằm ngoài cuộc đua”, Li cho biết mình học theo xu hướng “tang ping” như một cách giúp bản thân nhẹ nhõm.

gioi tre chau A hoc theo loi song nam yen cua thanh nien trung quoc anh 2

Chính quyền xứ tỷ dân quan ngại trước tình trạng giới trẻ “nằm yên”, không làm gì để biểu tình lối sống cạnh tranh, mệt mỏi. Ảnh: CGTN.

“Tôi sẽ không kết hôn, mua nhà hay sinh con. Tôi cũng không đua theo mua quần áo, túi xách. Tôi sẽ chểnh mảng trong công việc. Tôi như một thanh kiếm cùn cố gắng tẩy chay chủ nghĩa tiêu dùng”, dòng “tuyên ngôn” mô tả các đặc điểm của lối sống “nằm thẳng” được nhắc tới trên mạng.

Những áp lực mà thế hệ trẻ ở Trung Quốc phải đối mặt rất cao. Theo số liệu của Bộ Giáo dục Trung Quốc, 9,09 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng trong năm nay. Con số ở mức kỷ lục.

Văn hóa làm việc “từ sáng tới đêm” mang tên 996 cộng với tính cạnh tranh trong công việc khiến không ít nhân viên phải chạy đuổi theo, dù bản thân không muốn bào sức đến vậy.

Tony Tang (36 tuổi) nói về trạng thái kiệt sức khi liên tục làm việc 12 tiếng/tuần, 7 ngày/tuần. “Xã hội coi làm việc chăm chỉ, thậm chí cày ngày cày đêm là điều phải làm”, anh than phiền.

Giá nhà tăng cao càng tạo thêm áp lực. Chi phí trung bình cho một căn hộ trong một tòa nhà dân cư ở Bắc Kinh đã tăng gấp 2 lần trong 6 năm, tính đến năm 2019, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.

“Bạn thường nghe những lời cổ vũ như nếu đủ chăm chỉ, bạn sẽ có cơ hội tậu nhà, mua xe, điều kiện vật chất no đủ. Nhưng mọi thứ không dễ dàng thế. Khi thấy quá ít hy vọng, nhiều người chọn mặc kệ sự đời”, Terence Chong, phó giáo sư kinh tế tại Đại học Hong Kong, cho hay.

gioi tre chau A hoc theo loi song nam yen cua thanh nien trung quoc anh 3

Lối sống “nằm yên” giúp nhiều người tự do suy nghĩ và thể hiện bản thân. Ảnh: Korea Times.

Buông bỏ

Những người trẻ ở các nước Đông Á khác cũng đã vật lộn với nỗi thất vọng tương tự trong nhiều năm. Cách phản ứng cũng ít nhiều tương tự với “tang ping”.

Mới 22 tuổi, Shin Ye-rim (Hàn Quốc) đã từ bỏ việc kết hôn, sinh con hay sở hữu nhà.

“Tôi nghĩ vấn đề lớn nhất là giá nhà đang tăng phi mã, quá mức nghiêm trọng”, nghiên cứu sinh tại Đại học Yonsei danh tiếng ở Seoul, cho biết.

Năm 2011, một tờ báo ở Hàn Quốc đặt ra khái niệm “sampo” để mô tả một thế hệ thanh niên nước này từ bỏ 3 điều: hẹn hò, kết hôn, sinh con.

Năm 2014, sở hữu nhà được liệt kê tiếp vào những điều người trẻ chọn bỏ cuộc. Kể từ đó, danh sách ngày một dài thêm với nhiều thứ khác.

Năm 2017, 74% người trưởng thành Hàn Quốc cho biết họ đã buông bỏ ít nhất một thứ – kết hôn, hẹn hò, hoạt động giải trí, mua nhà hay một khía cạnh nào khác – vì khó khăn kinh tế, theo cuộc khảo sát với 3.880 người tham gia bởi cổng thông tin việc làm Incruit.

gioi tre chau A hoc theo loi song nam yen cua thanh nien trung quoc anh 4

Thị trường việc làm ảm đạm, giá nhà vẫn tăng nhanh là hai yếu tố khiến thanh niên Hàn Quốc thấy một tương lai no đủ nằm ngoài tầm với. Ảnh: Insider.

Như nhiều nước khác, thị trường việc làm tại Hàn Quốc phủ màu xám xịt trong thời kỳ đại dịch. Năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp của nước này ở mức 4%, cao nhất trong 19 năm.

“Bởi vì không có việc làm, người trẻ càng lạc lõng trong việc định hướng cho tương lai”, Lim Woon-taek, giáo sư Xã hội học tại Đại học Keimyung, đánh giá.

Ngoài giá nhà vẫn đang tăng phi mã, các mâu thuẫn xã hội cũng là lý do để người trẻ từ bỏ những mục tiêu truyền thống. Chuyện phân biệt giới tính hay tội phạm tình dục kỹ thuật số đã làm nổi bật thói gia trưởng, coi thường phái yếu của đàn ông Hàn.

“Tôi nghĩ bạn đời dễ cản trở công việc chuyên môn hoặc các việc tôi muốn làm cho bản thân. Tôi đã học tập và làm việc miệt mài để bản thân hoàn thiện. Và tôi không muốn từ bỏ từng đó công sức bằng việc an phận lấy chồng, sinh con”, Shin bày tỏ.

Thế hệ từ chức

Còn ở Nhật Bản, lớp người trẻ chán nản, muốn mặc kệ sự đời được biết tới dưới tên gọi “Satori sedai”, mang nghĩa đen là thế hệ từ chức. Thuật ngữ này xuất hiện lần đầu vào năm 2010, để chỉ thái độ bi quan đối với tương lai và thiếu ham muốn vật chất.

“Tôi chỉ tiêu tiền vào những thứ thấy thích”, Kenta Ito (25 tuổi), tự mô tả mình là người tối giản. Ito kiếm được mức lương khá tại một công ty tư vấn ở Tokyo nhưng không màng đến nhà cửa, xe hơi.

gioi tre chau A hoc theo loi song nam yen cua thanh nien trung quoc anh 5

Dù “nằm yên” phản ánh thực trạng buồn thế hệ trẻ đối mặt, một số chuyên gia vẫn tin rằng đây chỉ là lựa chọn nhất thời. Ảnh: Nikkei.

Gần 26% trong số 2.824 người trong 16-35 tuổi sống ở Nhật Bản nói họ thấy các đặc điểm bản thân gắn với thế hệ từ chức, theo khảo sát bởi công ty tư vấn Dot ở Tokyo vào năm 2017.

Sachiko Horiguchi, phó giáo sư nhân chủng học tại cơ sở Nhật Bản của Đại học Temple (Mỹ), phân tích: “Họ sẽ cố gắng làm việc nhưng không quá nhiều. Họ không còn đề cao của cải, ít quan tâm đến tiêu dùng”.

“Thế hệ này thấy không có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế của đất nước. Lương của họ về cơ bản không tăng lên. Vì vậy, động lực tìm kiếm phần thưởng cho công sức mình bỏ ra cũng giảm đi”, bà nói thêm.

Ito tỏ ra bi quan về tương lai của Nhật Bản. Anh lo lắng các nguồn lực của đất nước sẽ tập trung vào việc chăm sóc dân số cao tuổi hơn là người trẻ.

“Khi số lượng người già không ngừng tăng lên và gen Z trở thành thiểu số, phần lớn tiền thuế của Nhật Bản sẽ được sử dụng cho họ. Mọi thứ sẽ khó khăn hơn cho chúng tôi”, anh nói.

Năm ngoái, lần đầu tiên Hàn Quốc ghi nhận số ca tử vong nhiều hơn số ca sinh, theo Cục Thống kê. Còn dân số Trung Quốc đang tăng với tốc độ chậm nhất trong nhiều thập kỷ.

Tuy vậy, vẫn có nhiều quan điểm tích cực cho rằng xu hướng “nằm yên, mặc kệ sự đời” chỉ là nhất thời.

“Dù nó phản ánh suy nghĩ của đông người trẻ hiện nay, nhưng các tuyên ngôn như chểnh mảng công việc, từ bỏ vật chất rất khó trở nên phổ biến. Trong thâm tâm, con người vẫn muốn làm việc chăm chỉ và có đời sống tốt đẹp”, phó giáo sư Terence Chong kết luận.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn