Taliban hứa sẽ tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh cho người dân Afghanistan và hồi sinh nền kinh tế. Nhưng không nhiều người tin vào lời hứa đó.
Theo Nikkei Asian Review, hai tuần kể từ khi Taliban chiếm Kabul, cuộc sống thường nhật của người dân Afghanistan đã trở nên tù túng, khó chịu. Ma túy có khả năng tiếp tục gây ảnh hưởng đến nền kinh tế. Đất nước cũng rơi vào trạng thái bị cô lập với cộng đồng quốc tế.
“Không ai muốn ra ngoài vì họ sợ Taliban”, một tài xế 50 tuổi ở Kabul chia sẻ. “Chúng tôi không có việc làm và cũng chẳng còn tiền”, người này than thở.
Các nhà băng đóng cửa khiến người dân không thể rút tiền. Trong khi đó, lạm phát tăng vọt 20%. “Tôi được thông báo là không đến làm việc”, một phụ nữ ở độ tuổi 50, sống tại thành phố, chia sẻ. “Tôi e rằng mọi thứ sẽ cứ thế này trong nửa năm nữa”, bà nói.
Ngân hàng Thế giới (WB) đã tạm dừng giải ngân cho các dự án ở Afghanistan. Nguyên nhân là lo ngại về tác động của chính phủ Taliban đối với triển vọng phát triển, nhất là với phụ nữ.
Nhiều người Afghanistan không thể đi làm sau khi Taliban chiếm Kabul. Ảnh: Reuters. |
Hoạt động phi pháp
“Chúng tôi đang theo dõi sát sao và đánh giá tình hình dựa trên các chính sách nội bộ và thủ tục của mình”, Bloomberg dẫn lời phát ngôn viên của WB cho biết. WB khẳng định cũng sẽ tham vấn cộng đồng quốc tế và những đối tác phát triển.
Hiện, Mỹ đã đóng băng 9,5 tỷ USD tài sản của ngân hàng trung ương Afghanistan và tạm dừng chuyển tiền đến nước này. Các chính quyền châu Âu dừng viện trợ phát triển. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng cắt quyền truy cập vào SDR (quyền rút vốn đặc biệt) của Afghanistan.
Nikkei Asian Review nhận định đó là những thách thức ghê gớm. Viện trợ quốc tế chiếm hơn 60% ngân sách nhà nước của Afghanistan.
Các nhà lãnh đạo mới của Afghanistan đã cố vẽ lên bức tranh tương lai tươi sáng của nền kinh tế. Trong cuộc họp báo hôm 17/8, nhà phát ngôn của lực lượng khẳng định Taliban sẽ xây dựng kinh tế sau khi xung đột lắng xuống.
Người này nhấn mạnh Afghanistan sẽ là “một quốc gia không có ma túy”. Nền kinh tế có thể hồi sinh nhờ việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Nguồn thu | Doanh thu |
Khai khoáng | 464 triệu USD |
Ma túy | 416 triệu USD |
Tài trợ nước ngoài | 240 triệu USD |
Xuất khẩu | 240 triệu USD |
“Thuế” (tiền bảo kê, tống tiền | 160 triệu USD |
Bất động sản | 80 triệu USD |
Tuy nhiên, tuyên bố này trái ngược với một báo cáo được Liên Hợp Quốc công bố hồi tháng 6. Theo báo cáo, các nguồn tài chính chính của Taliban vẫn là những hoạt động tội phạm, bao gồm buôn bán ma túy, sản xuất cây thuốc phiện, tống tiền, bắt cóc, khai thác khoáng sản trái phép và thu thuế ở các khu vực do lực lượng kiểm soát hoặc ảnh hưởng. Theo ước tính, thu nhập của những hoạt động này lên đến 1,6 tỷ USD/năm.
Theo ước tính của WB, GDP danh nghĩa của Afghanistan đạt khoảng 19 tỷ USD vào năm ngoái. Như vậy, thu nhập của Taliban chỉ bằng chưa đến 10%. Việc đất nước thiếu viện trợ từ nước ngoài sẽ khiến nền kinh tế phụ thuộc nhiều hơn vào kinh tế ngầm.
Hơn nữa, Afghanistan được coi là một trong những nước sản xuất cây thuốc phiện lớn nhất thế giới. Theo khảo sát của Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm, năm ngoái, khoảng 224.000 ha đất trồng cây thuốc phiện trải dài khắp đất nước.
Quy mô đã tăng gấp ba lần trong vỏn vẹn 2 thập kỷ. Báo cáo về ma túy của Liên Hợp Quốc cho thấy có tới 22 trên tổng số 33 tỉnh của Afghanistan trồng phần lớn cây thuốc phiện.
“Nếu Taliban muốn tái xây dựng nền kinh tế, cây thuốc phiện sẽ là ‘cứu tinh’ của họ”, Nikkei Asian Review dẫn lời một chuyên gia nhận định.
Nền kinh tế ngầm
Trong khi đó, triển vọng phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên của Taliban cũng không chắc chắn. Năm 2010, các quan chức quân sự và nhà địa chất Mỹ ước tính Afghanistan đang nằm trên những mỏ khoáng sản trị giá gần 1.000 tỷ USD, bao gồm sắt, vàng, đồng, đất hiếm và một trong các mỏ lithium lớn nhất thế giới – một thành phần quan trọng đối với xe điện.
Một ước tính khác chỉ ra trị giá của các mỏ khoảng sản có thể lên tới 3.000 tỷ USD. “Hầu hết hoạt động khai thác ở Afghanistan là bất hợp pháp hoặc không được kiểm soát”, Viện Hòa bình Mỹ nhận định.
“Doanh thu khai khoáng hàng năm của Taliban ước tính là 200-300 triệu USD/năm, nhiều hơn 300 lần doanh thu khai thác khoáng sản được chính phủ báo cáo”, nhóm nói thêm.
Trong khi đó, theo báo cáo mật của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), con số lên đến 464 triệu USD.
Nhiều nông dân ở Afghanistan dự định tiếp tục trồng cây thuốc phiện vì chúng dễ trồng và kiếm lời tốt. Ảnh: AFP. |
Taliban đã nhiều lần hứa hẹn sẽ tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh cho người dân Afghanistan. Nhưng không mấy ai tin vào việc đó.
Lực lượng phụ thuộc chủ yếu vào nông dân ở phía nam Helmand, Uruzgan, Kandahar và Zabul để trồng cây thuốc phiện và trả cho những người này một khoản hậu hĩnh.
Số tiền các nông dân được trả thường cao hơn nhiều so với những chương trình sinh kế do cộng đồng quốc tế phát triển nhằm chống lại nạn buôn bán ma túy bất hợp pháp của Afghanistan.
“Cây thuốc phiện dễ trồng hơn lúa mì và những loại cây khác. Vì thế, chúng tôi dự định vẫn tiếp tục trồng chúng”, một nông dân ở tỉnh Uruzgan (phía nam Afghanistan) thừa nhận.
Nguồn: News.zing.vn