Tại các tỉnh phía Nam, nhiều lao động quyết định nghỉ việc về quê. Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn do dịch bệnh lại tiếp tục thêm nỗi lo bảo toàn nguồn nhân lực.
Vì lo việc sản xuất, đáp ứng đơn hàng cho các đối tác ở Mỹ mà ông Trần Lam Sơn – Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Xuất nhập khẩu Thiên Minh vẫn còn kẹt ở Cần Thơ khi 19 tỉnh, thành phía Nam áp dụng Chỉ thị 16.
Không thể đến nhà máy tại Long An, cũng không thể về TP.HCM, ông Sơn chỉ có thể điều hành công ty qua online từ Cần Thơ. Hiện, công ty Thiên Minh đã có đơn hàng đến tháng 5/2022 nhưng ông Sơn lo là khó đáp ứng được.
Bởi nhà máy nhỏ ở Cần Thơ đã đóng cửa vì không thể thực hiện “3 tại chỗ” như quy định. Còn nhà máy lớn ở Long An cũng có phân nửa số lao động trong hơn 400 người phải nghỉ việc vì nhà lưu trú cho công nhân chỉ đáp ứng được hơn 200 chỗ ở.
“Số lao động còn lại phải gồng mình làm việc để tăng sản lượng đáp ứng đơn hàng đi Mỹ và châu Âu”, ông Sơn than.
Thực tế hiện nay, khi người lao động từ các vùng dịch ồ ạt về quê trong những ngày qua, đã đặt ra nhiều thách thức đối với chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Bài toán lúc này là bằng mọi giá phải giữ lại lực lượng sản xuất, không để ảnh hưởng đến nguồn nhân lực lâu dài.
Chuyến bay đưa những công dân Hà Tĩnh từ TP.HCM về quê. Ảnh: Phạm Trường. |
Nhân lực có nơi còn chưa đến 20%
Hiện các doanh nghiệp ngành cơ khí điện cũng trong tình trạng thiếu hụt lao động. Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty cơ khí Duy Khanh, chia sẻ: “Hiện nay các doanh nghiệp thực hiện ‘3 tại chỗ’ hầu hết đều không đủ công nhân. Nhiều doanh nghiệp sản xuất trong điều kiện chỉ có được 10-30% lao động để đáp ứng những đơn hàng quan trọng”.
Các ngành có lượng lao động lớn như dệt may, da giày, gỗ, tình trạng thiếu hụt công nhân đang diễn ra phổ biến. Theo ông Nguyễn Chánh Phương – Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), tình trạng thiếu hụt lao động đã diễn ra khá lâu và khi bùng phát dịch bệnh lại càng trầm trọng hơn.
Ở những khu vực bị cách ly, phong tỏa, công nhân không đi làm được càng thiếu hụt lao động. Ngành gỗ hiện có đơn hàng rất tốt, nhiều doanh nghiệp nhận được đơn hàng đến tháng 3, tháng 4 năm sau.
Chỉ trong vòng 2 ngày đã có 2.000 người xin về và hơn 2.000 người xin hỗ trợ khẩn cấp.
Bà Lâm Thuý Ái – Phó tổng giám đốc Công ty Mebipha.
“Gần 600 doanh nghiệp hội viên HAWA chủ yếu có nhà máy ở Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh và một số tỉnh miền Tây đang căng mình thực hiện đơn hàng xuất khẩu. Nhưng lao động ở lại làm việc nhiều lắm cũng chỉ đạt 60 – 70%”, ông nói.
Cũng theo ông Trần Lam Sơn, trước mắt, công ty phải lo cho sự an toàn của người lao động, phải tính toán lại mặt hàng sản xuất, ưu tiên giải quyết những đơn hàng quan trọng. Trong đó, tập trung đáp ứng những đơn hàng cho khách hàng kinh doanh siêu thị, cửa hàng còn các khách hàng bán online sẽ giao hàng sau.
Cả tuần nay, bà Lâm Thuý Ái – Phó tổng giám đốc Công ty Mebipha và các doanh nhân trong Hiệp hội doanh nghiệp Tiền Giang phải làm việc ngày đêm để có được hàng nghìn phần lương thực thiết yếu gửi những người lao động Tiền Giang đang “kẹt” lại TP.HCM.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất trong điều kiện chỉ có được 10 – 30% lao động để đáp ứng những đơn hàng quan trọng. Ảnh: Quỳnh Danh. |
“Chỉ trong vòng 2 ngày đã có 2.000 người xin về và hơn 2.000 người xin hỗ trợ khẩn cấp. Những cuộc gọi cứ kéo dài đến 23-24h và số người cần giúp đỡ vẫn cứ tăng. Chúng tôi đã báo về tỉnh nhưng Tiền Giang hiện cũng đang là tâm dịch, lực lượng y bác sỹ quá tải nên không thể hỗ trợ đưa họ về quê”, bà Lâm Thuý Ái cho biết.
Tìm mọi cách “níu chân” người lao động
Cũng triển khai mô hình sản xuất “3 tại chỗ” nhưng không may cho Công ty CP bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery), nhà máy đã xuất hiện nhiều ca F0. Để đảm bảo sức khoẻ cho người lao động, ABC Bakery lập tức ngưng sản xuất, đóng cửa nhà máy và đưa toàn bộ 300 công nhân, trong đó có những F0 đi cách ly, chữa trị theo quy định.
Điều này đồng nghĩa với các đơn hàng xuất khẩu sang Nhật của họ phải hủy. Thị trường trong nước cũng tạm dừng hơn nửa tháng nay.
Đến nay, công ty ông mới chỉ đón được 20 công nhân trở về sau cách ly. Họ được đưa về phòng trọ có sẵn gần nhà máy, hàng ngày, đội phản ứng nhanh của ABC Bakery lại tiếp tục phân chia để vừa phục vụ cơm nước, thuốc men, chăm sóc tinh thần cho người đang cách ly và cả người đã trở về dù xưởng sản xuất chưa hoạt động.
Ông Kao Siêu Lực cho biết công ty đang làm mọi cách để giữ công nhân bởi theo ông để họ về quê trong điều kiện khó khăn này sẽ khiến họ nhụt chí.
“Mà khi họ không muốn trở lại làm việc thì công ty sẽ không có được lao động khi nhà máy hoạt động trở lại. Vì vậy, dù có lỗ bao nhiêu tôi cũng chấp nhận để lo cho họ chỗ ăn, chỗ ở, không để họ đói, thiếu thốn trong thời điểm này”, ông nói.
Nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực mọi cách để giữ công nhân ở lại. Ảnh: Phạm Ngôn. |
May mắn hơn ABC Bakery, Công ty Cơ khí Việt Sơn không có người lao động nhiễm virus SARS-CoV-2 sau hơn một tháng sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”. Với 2 nhà máy sản xuất cấu kiện khung nhà thép nhẹ và chế tạo máy tại Củ Chi và Hóc Môn, từ ngày 15/6 đến nay, hơn 100 công nhân Công ty cơ khí Việt Sơn đã bám trụ tại nhà xưởng để cứ cách ngày công ty xuất 1 container cho các khách hàng châu Phi, Ấn Độ và Indonesia.
Ông Huỳnh Kiều Sơn – Tổng giám đốc công ty cho biết đến nay, công suất nhà máy vẫn duy trì nhờ sự đồng lòng của những con người được xem như người nhà. Ở Việt Sơn, nhiều công nhân đang thực hiện “3 tại chỗ” cho rằng vẫn còn may mắn vì đang được làm việc, có thu nhập và sức khỏe được bảo vệ.
Để không bị mất công nhân có tay nghề giỏi, trong đợt giãn cách này, Việt Sơn tăng các chế độ đãi ngộ cho người lao động. Trong đó, những người tạm nghỉ vẫn được hưởng lương cơ bản, đóng bảo hiểm đầy đủ.
Bên cạnh đó, công ty sẽ cho phép trong 10 ngày đến nửa tháng (từ 25/8 đến sau lễ 2/9) để người lao động về với gia đình. “Biết rằng, sau thời gian tạm nghỉ, chúng tôi sẽ mất nhiều thời gian để sản xuất trở lại nhưng điều đó là bắt buộc để công nhân gắn bó với mình. Tất cả vì mục tiêu không để người lao động bỏ về quê trong lúc này”, ông Sơn chia sẻ.
Nếu không giữ được người lao động đã đào tạo nhiều năm thì có thể 1, 2 tháng nữa, khi khống chế được dịch bệnh thì doanh nghiệp không có công nhân để sản xuất.
Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM
Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho biết hiện nay, các doanh nghiệp ngành thực phẩm đang sống trong hồi hộp, bất an mặc dù ngay từ khi thực hiện “3 tại chỗ” đã làm rất tốt.
Theo bà chi, điều lo lắng của chủ các doanh nghiệp là làm sao để giữ người lao động. Bởi nếu không giữ được người lao động đã đào tạo nhiều năm thì có thể mộ tháng nữa, khi khống chế được dịch bệnh thì doanh nghiệp không có công nhân để sản xuất.
“Các doanh nghiệp trước mắt hãy đặt ra thời gian đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người lao động trong vòng một tháng. Tôi tin các doanh nghiệp có đủ năng lực, đủ điều kiện và tâm thế để làm điều này”, bà Chi nói.
Thực tế, việc người dân ồ ạt di chuyển khỏi nơi cư trú như những ngày vừa qua chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn lực lâu dài tại các khu kinh tế trọng điểm phía Nam. Trao đổi với Zing, ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) – cũng cho rằng điều quan trọng nhất lúc này để ổn định tâm lý lao động và doanh nghiệp là tiêm vaccine.
Đồng thời lãnh đạo VASEP cũng đề nghị Chính phủ cần đẩy mạnh việc hỗ trợ công nhân, người lao động khó khăn. Về phương án “3 tại chỗ”, ông Hòe cho rằng chủ yếu để doanh nghiệp tự chủ động phù hợp với hoàn cảnh.
“Các nhà máy chỉ có thể cố gắng duy trì ‘3 tại chỗ’ trong 2-3 tuần là tối đa. Còn trong thời gian dài, cả doanh nghiệp lẫn lao động sẽ không thể yên tâm sản xuất”, ông Hòe nhấn mạnh.
Nguồn: News.zing.vn