Thay vì chuyển bệnh nhân trở nặng lên tuyến trên, quận 7 (TP.HCM) tự thiết lập cơ sở gồm 5 tầng điều trị để xử lý cấp cứu kịp thời.
Trong ít nhất 45 ngày tới tới, các nhân viên y tế tại khu điều trị Nguyễn Văn Quỳ (quận 7, TP.HCM) không còn phải lo lắng về việc bệnh nhân thiếu oxy. Một bồn oxy 32 tấn cùng hệ thống oxy trung tâm vừa được lắp đặt ngay tại khu điều trị này, đảm bảo cung cấp cho hàng trăm bệnh nhân cùng lúc.
Đây là sáng kiến của quận 7 sau khi ghi nhận số bệnh nhân chuyển nặng tăng cao. Từ chỗ phải thay hàng trăm bình mỗi ngày, các bác sĩ không còn phải bận tâm nhiều đến vấn đề oxy, giảm được khối lượng lớn công việc hậu cần.
Bồn oxy 32 tấn là một trong trong những giải pháp nhằm giảm tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 trở nặng phải chuyển lên tuyến trên. Bí thư Quận ủy quận 7 Võ Khắc Thái gọi đây là chiến lược “đánh chặn từ xa”, vừa giúp quận chủ động cứu chữa người kịp thời, vừa giảm áp lực cho cơ sở y tế tuyến trên.
Điểm trung gian cấp cứu trở thành cơ sở điều trị F0 nặng
“Hệ thống này được lắp đặt gấp rút trong 2 ngày. Trong khi bác sĩ điều trị cho bệnh nhân thì các kỹ sư khẩn trương lắp đặt đường ống oxy cho cả khu. Hệ thống này đủ cho 72 bệnh nhân dùng máy thở oxy dòng cao (HFNC) cùng lúc”, bác sĩ Nguyễn Đức Tâm, quản lý khu điều trị Nguyễn Văn Quỳ, vừa nói, vừa chỉ vào những đường ống đồng nhỏ đính sát tường. Hệ thống này do doanh nghiệp tư nhân tài trợ.
Khu điều trị Nguyễn Văn Quỳ thiết lập hôm 21/7, hoàn thiện trong chưa đầy một tuần và tiếp nhận bệnh nhân ngay sau khi lắp được máy thở đầu tiên. Bác sĩ Tâm nói theo kế hoạch, cơ sở này chỉ là điểm trung gian xử lý cấp cứu ban đầu cho những ca F0 có triệu chứng nặng, suy hô hấp, SpO2 thấp nhưng chưa thể chuyển lên tuyến trên (tầng 3, 4, 5 trong mô hình điều trị tháp 5 tầng).
Tuy nhiên, khi số lượng bệnh nhân tăng cao và việc chuyển tuyến khó khăn, chính quyền quận 7 quyết định nâng cấp cơ sở này thành đơn vị điều trị Covid-19 cấp 3, có hồi sức, thở máy.
Bồn oxy 32 tấn được đặc trước khu điều trị Nguyễn Văn Quỳ để cung cấp oxy cho bệnh nhân. Ảnh: Thu Hằng. |
10 năm kinh nghiệm làm hồi sức, bác sĩ Tâm chưa bao giờ nghĩ mình có thể thiết lập bệnh viện chỉ trong chưa đầy một tuần.
“Trong tay không có gì mà bảo làm khoa hồi sức điều trị F0, những ngày đầu bỡ ngỡ lắm. Tụi tôi không biết phải làm gì. Nhưng từ từ, máy móc, oxy của quận rồi bệnh viện chuyển về hỗ trợ từ đầu đến cuối, mọi người dần dần thiết lập được cơ sở này”, bác sĩ Tâm kể.
Kịp thời xử trí sớm sẽ giúp bệnh nhân vượt qua giai đoạn khó khăn nhất
Bác sĩ Nguyễn Đức Tâm
Hiện, 200 giường của cơ sở điều trị này đều kín chỗ, trong đó có 77 bệnh nhân phải hồi sức cấp cứu (vượt công suất 72 giường bệnh cấp cứu được thiết lập). Các bác sĩ giải quyết bằng cách lắp thêm 5 bình oxy rời 40 lít cho các bệnh nhân không thể sử dụng hệ thống oxy tường.
Từ khi thành lập cơ sở, bác sĩ Tâm cho biết anh chỉ phải chuyển khoảng 15 ca lên tuyến trên. Tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng và tỷ lệ tử vong đều giảm rõ rệt. Hiệu quả này đến từ việc trạm y tế cộng đồng phát hiện sớm ca bệnh rồi kết hợp với khu điều trị xử trí kịp thời.
“Kịp thời xử trí sớm sẽ giúp bệnh nhân vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, hạn chế nguy cơ diễn tiến nặng. Tôi hy vọng đây có thể trở thành mô hình tham khảo cho các bệnh viện tuyến quận, huyện áp dụng để cứu sống bệnh nhân”, bác sĩ Tâm chia sẻ.
Cơ sở “không giống ai”
Nói về những sáng kiến của quận trong công tác điều trị F0, Bí thư quận 7 Võ Khắc Thái gọi đây là “quy luật phát triển”. Khi dịch mới bùng phát, quận chỉ có các khu cách ly F1, rồi chuyển thành nơi thu dung F0 nhẹ, sau đó lại nâng cấp thành cơ sở cấp cứu tạm thời F0 trở nặng.
Nhưng do tình hình chuyển bệnh khó khăn, quận quyết định tự thực hiện 3 tầng điều trị ngay tại địa phương, thay vì chỉ 2 tầng như hướng dẫn của Sở Y tế. Đến nay, ngành y tế quận đã có thể chủ động xử lý ca bệnh ở cả 5 tầng điều trị mà không cần chuyển lên tuyến trên.
Ông Thái cho biết nếu bệnh nhân diễn tiến quá nặng sẽ được chuyển tới bệnh viện tư trên địa bàn để xử trí ban đầu. Khi tình hình được cải thiện, bệnh nhân được đưa về cơ sở của quận để tiếp tục điều trị. Hiện, 3 bệnh viện tư nhân đã đồng ý tham gia mô hình này.
Bệnh nhân tại khu điều trị Nguyễn Văn Quỳ được sử dụng hệ thống oxy trung tâm. Ảnh: T.H. |
Bí thư quận 7 nhận định “kịp thời” là yếu tố quan trọng nhất với bệnh nhân Covid-19. Do đó, ở tầng thấp nhất, phường phải củng cố chặt 10 đội y tế cộng đồng, mỗi đội có 3-4 bác sĩ và 7-8 y tá.
Nhiệm vụ của họ là thăm khám, phát hiện F0 trở nặng, kịp thời cấp cứu. Thay vì gọi Trung tâm cấp cứu 115 như trước kia, người dân được thông tin số điện thoại của bác sĩ và y tá trong đội y tế cộng đồng của từng địa bàn.
Ngoài thăm khám trực tiếp, quận 7 còn phối hợp với mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” để tư vấn trực tuyến cho các trường hợp F0.
Quận hầu như tự xử lý, tỷ lệ chuyển lên tuyến trên rất thấp, tỷ lệ tử vong cũng giảm rõ rệt
Bí thư quận 7 Võ Khắc Thái
“Trước đây, từ tầng điều trị thứ 3 là phải chuyển bệnh nhân lên trên hết. Nhưng giờ thì quận hầu như tự xử lý, tỷ lệ chuyển lên tuyến trên rất thấp, tỷ lệ tử vong cũng giảm rõ rệt”, ông Thái chia sẻ về những thành quả bước đầu của quận.
Chủ động huy động đơn vị y tế tư nhân tham gia chống dịch, kêu gọi tài trợ từ nhiều nguồn, tuy nhiên, quận 7 vẫn phải đối mặt không ít khó khăn.
Thiếu trang thiết bị, thiếu nhân lực, đặc biệt là thiếu thuốc và dinh dưỡng cho người bệnh là những vấn đề quận đang phải tìm giải pháp. Đó là chưa kể quy trình pháp lý không theo kịp với tốc độ thiết lập của khu điều trị Nguyễn Văn Quỳ. Bí thư quận 7 cho rằng khi thiết lập một cơ sở “không giống ai”, quận cần được tạo điều kiện áp dụng một quy trình đặc biệt trong tình trạng khẩn cấp.
Điển hình trong xây dựng mô hình 5 tầng điều trị
Quận 7 không phải nơi duy nhất thực hiện thành công mô hình 5 tầng khép kín ngay trên địa bàn mình. TP Thủ Đức là địa phương tiên phong tự triển khai 5 tầng điều trị gói gọn ngay trong thành phố nhằm hạn chế việc phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Mô hình điều trị 5 tầng (hay 3 tầng 5 lớp) là giải pháp phân tầng điều trị được Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM thiết kế để áp dụng trên toàn thành phố. Tuy nhiên, trước thực trạng quá tải các tầng điều trị khiến nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng chậm được tiếp nhận, các địa phương như TP Thủ Đức và quận 7 đã tự áp dụng mô hình này trong chính phạm vi quận/thành phố để giảm phụ thuộc vào các bệnh viện tuyến trên.
Thế nhưng, không phải tất cả 22 địa bàn của TP.HCM đều hội tụ đủ điều kiện khách quan để tự thiết lập 5 tầng điều trị. Quan sát trên Bản đồ Covid-19 TP.HCM, số lượng bệnh viện, cơ sở y tế tập trung nhiều tại khu vực trung tâm thành phố. Trong khi đó, các vùng ven, khu vực phía tây bắc (huyện Củ Chi, Hóc Môn) và đặc biệt là phía nam như huyện Cần Giờ có rất ít cơ sở y tế và phân bố không đồng đều.
Các cơ sở y tế, bệnh viện tập trung nhiều ở khu vực trung tâm thành phố. Ảnh chụp màn hình bản đồ Covid-19 TP.HCM. |
Trao đổi với Zing, ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Phó ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, cũng nhận định không phải tất cả địa phương đều có điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, vật lực để thực hiện mô hình 5 tầng điều trị ngay trong địa bàn. Sự năng động, sáng tạo của đội ngũ lãnh đạo đóng vai trò rất quan trọng.
Nhiều địa phương tại TP.HCM như quận 10, quận 5, quận Phú Nhuận, huyện Bình Chánh… đang theo đuổi mô hình này nhưng mức độ hoàn thiện mỗi nơi một khác. TP Thủ Đức và quận 7 là hai điển hình thành công nhất.
Trước đây, thành phố chủ trương quận, huyện chỉ là nơi thu dung (tầng 1) hoặc điều trị bệnh nhân có triệu chứng nhẹ (tầng 2). Tuy nhiên, thực tế cho thấy khi bệnh nhân vừa chuyển nặng rất cần can thiệp oxy. Do đó, tuần qua, thành phố đã trang bị oxy cho 50% bệnh viện quận, huyện, TP và sẽ tiếp tục trang bị cho các đơn vị còn lại bởi lẽ oxy là yếu tố quan trọng nhất trong cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân.
Sự năng động, sáng tạo của đội ngũ lãnh đạo đóng vai trò rất quan trọng
Phó bí thư Phan Văn Mãi
Từ khi khu điều trị Nguyễn Văn Quỳ đi vào hoạt động, Bí thư quận 7 Võ Khắc Thái cho biết tỷ lệ chuyển nặng và tử vong của quận 7 giảm rõ rệt so với trước đây. Dù vậy, quận sẽ tiếp tục thiết lập thêm một khu điều trị F0 300 giường có chức năng giống như khu điều trị Nguyễn Văn Quỳ để chuẩn bị cho kịch bản xấu hơn.
“Đánh chặn từ xa – phát hiện sớm F0 trở nặng để can thiệp kịp thời – là chiến lược vừa giúp giảm áp lực cho tuyến trên, vừa hạn chế nguy cơ tử vong cho người dân”, ông Thái nói về giải pháp của quận mình.
Nguồn: News.zing.vn