Ngày 22/5 (nhằm ngày 18/4 âm lịch), tại Đình Thần Tân An, thành phố Cần Thơ, Lễ hội Kỳ yên Hạ điền đã được tổ chức, nhằm cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Quang cảnh buổi lễ.
Lễ hội diễn ra trong 2 ngày, từ 22-23/5 (nhằm ngày 18, 19/4 âm lịch) với các hoạt động chính: Thỉnh sắc Linh thần Tân An du ngoạn, khai mạc lễ Kỳ yên Hạ điền, lễ cúng Thần Nông, lễ cúng Miếu Bà Vạn ban ngũ hành, lễ cúng Túc yết; lễ Chánh tế, lễ thay khăn, phơi sắc linh thần Tân An…
Ông Mai Văn Hữu, Trưởng ban Quản lý Đình Thần Tân An cho biết: Đình Thần Tân An là một trong những ngôi đình cổ xưa nhất của Cần Thơ. Đình được xây dựng vào năm Canh Thìn (1880). Sau nhiều biến cố lịch sử, chiến tranh và các lần di dời, đến ngày 12/7/1986, sắc linh thần Tân An được thỉnh về thờ chung với linh thần Thới Bình. Đến năm 2015, Đình Thần Tân An được xây dựng tại phường Cái Khế, sắc linh thần Tân An được nhân dân rước về thờ tại đây.
Lễ Kỳ yên Hạ điền là dịp người dân địa phương cầu cho làng xóm bình yên, quốc gia thịnh vượng. Ngoài lễ tế các vị thần bảo hộ cho nông nghiệp, Lễ Kỳ yên Hạ điền cũng là ngày tế Tiền Hiền – Hậu Hiền, Tiền Bối – Hậu Bối… Đây là nghi lễ bắt nguồn từ nếp nghĩ quý trọng công lao của các bậc tiên tổ có công, biểu thị tư tưởng truyền thống uống nước nhớ nguồn, một hình thức tri ân bậc tiền nhân có công khai sáng bồi đắp cho địa phương.
Theo tên gọi, “Kỳ yên” tức là “Cầu an”. Do đó, ngoài nghi thức tế tự chính thống còn mang nhiều dạng tín ngưỡng dân gian. Cụ thể, trong ngày Kỳ yên có lễ cúng miễu, mời bà bóng diễn xướng múa hát.
Cũng theo ông Mai Văn Hữu, Đình Thần Tân An, ngoài ý nghĩa tâm linh lâu đời, còn được coi là công trình kiến trúc đình chùa tiêu biểu của thành phố. Do đó, nơi đây được chọn tổ chức Lễ hội Kỳ yên Hạ điền hằng năm. Đình được xây dựng với tổng diện tích trên 6.000m2, theo kiến trúc đình Nam Bộ, gồm 7 hạng mục chính. Trong đó, tiêu biểu nhất là đền chính với thiết kế hai nóc giao nhau, mái lợp ngói âm dương tráng men. Đỉnh mái được đắp phù điêu hình tượng “Lưỡng long chầu nguyệt”; góc mái, đầu hồi đều được đắp nổi hoa văn truyền thống. Hai bên đền chính là các công trình miếu thờ Võ ca, nhà soạn lễ, miếu Thần, nhà Ấp…
Ánh Tuyết
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn