Với hàng trăm người ở New York và các thành phố ảnh hưởng bởi vụ khủng bố ngày 11/9/2001, sáng thứ ba đó hóa ra là thời điểm đúng đắn để muộn giờ làm, trẹo chân hay bị đuổi việc.
Joseph Lott, nhân viên tại công ty công nghệ Compaq, là người yêu thích cà vạt liên quan tới kiệt tác nghệ thuật.
Sáng ngày 11/9/2001, ông có bài phát biểu tại một hội nghị ở nhà hàng Windows on the World.
Trong bữa sáng, đồng nghiệp Elaine Greenberg đã tặng ông một chiếc cà vạt mang đặc trưng của danh họa Monet.
“Chiếc cà vạt có màu đỏ và xanh”, ông Lott nói. “Tôi bảo với cô ấy rằng tôi sẽ đeo nó khi diễn thuyết. Nhưng cô ấy bảo đừng mặc cà vạt xanh đỏ với áo sơ mi xanh lá cây”.
Sau khi ăn sáng, trong khi đồng nghiệp di chuyển tới nhà hàng nằm trên tầng 104 của Tháp Bắc, ông Lott trở về khách sạn để thay áo sơ mi trắng.
“Khi tôi đang từ tầng 7 xuống sảnh để đi thang máy lên thẳng nhà hàng, tòa nhà đột nhiên rung chuyển”, ông nhớ lại.
Ông Lott đã thoát khỏi khu phức hợp Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) vào ngày hôm đó. Elaine Myra Greenberg – 56 tuổi, nhà tư vấn tài chính ở New York – thì không.
Mỗi ngày, mọi người đưa ra hàng nghìn quyết định nhỏ nhặt và tùy ý – ăn gì, nghỉ khi nào, đi làm trên tuyến đường nào, đặt chuyến bay hay lên chiếc thang máy nào – mà không hề nhận ra khả năng dẫn tới biến số trong cuộc sống ra sao, theo The Atlantic.
Đối với một số ít người trong ngày 11/9/2001 – ngày xảy ra vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất lịch sử nước Mỹ, quyết định có vẻ tầm thường đó – bước ra ngoài hút thuốc, hủy hẹn, muộn giờ làm, thậm chí “đen đủi” hơn là chậm chuyến bay – đã tạo ra lằn ranh giữa sự sống và cái chết. Sau 20 năm kể từ ngày 11/9, mỗi người đều đưa ra một triệu quyết định, theo đúng nghĩa đen, tạo ra vô số kết quả thay thế không bao giờ biết được.
Sống sót nhờ bị đuổi việc
David Kravette, môi giới tại ngân hàng Cantor Fitzgerald, sống sót vì khách hàng quên bằng lái xe và cần phải làm thủ tục tại quầy an ninh. Thông thường, ông sẽ cử trợ lý xuống xử lý. Tuy nhiên, trợ lý lại đang mang thai hơn 8 tháng, và ông nghĩ mình đang giúp đỡ nhân viên bằng cách không cử cô xuống sảnh.
Cũng làm việc tại Cantor Fitzgerald, Monica O’Leary thoát nạn vì công ty sa thải bà trước đó chưa đầy 24 giờ. Sau đó bà đã quay trở lại làm việc, bởi tất cả nhân viên nhân sự – người giải quyết quyết định sa thải bà – đã thiệt mạng vào ngày 11/9.
Rob Herzog là phó giám đốc công ty môi giới bảo hiểm Marsh & McLennan nằm ở tầng 96 của Tháp Bắc.
Thông thường, ông sẽ có mặt vào lúc 8h45 bằng cách đi chuyến tàu điện ngầm địa phương, trước khi chuyển sang tàu tốc hành ở ga 59th Street. Tuy nhiên, tàu tốc hành bỗng dưng đông đúc khiến ông cảm thấy ngột ngạt. Ông đã quay lại chuyến tàu địa phương và bị muộn giờ làm 5 phút.
Khi vừa tới WTC, một chiếc Boeing 767 đã đâm vào tòa nhà văn phòng của ông.
Nicholas Reihner đã đặt vé cho chuyến bay 11 của Hãng hàng không American Airlines có lịch trình bay từ Boston tới Los Angeles. Bất ngờ, ông bị trẹo mắt cá chân khi đang đi bộ ở Cảng Bar và bỏ lỡ chuyến bay. Diễn viên hài Seth MacFarlane cũng mua vé sau khi biểu diễn ở Rhode Island, nhưng nhân viên du lịch đã điền sai thời gian trên lịch trình, khiến ông có mặt muộn vài phút sau khi máy bay cất cánh.
Chiếc máy bay này sau đó đã đâm vào Tháp Bắc của WTC.
Tòa tháp của WTC bốc khói ngay sau khi bị tấn công bởi máy bay thương mại do không tặc kiểm soát vào ngày 11/9/2001. Ảnh: Reuters. |
Tại Lầu Năm Góc, chuyến bay 77 của American Airlines đã đâm vào khu vực duy nhất được nâng cấp của tòa nhà.
Philip Smith – một quan chức quân đội – nhớ lại: “Thực sự là một điều kỳ diệu khi chiếc máy bay đâm vào khu vực vững chãi nhất của Lầu Năm Góc. Nếu đâm phải bất kỳ một khu vực nào khác, máy bay sẽ đỗ ngay giữa tòa nhà”.
Sự ngẫu nhiên này cũng đóng vai trò lớn đối với những người mắc kẹt trong các tòa nhà trong vụ tấn công, khi họ đưa ra quyết định trốn thoát theo hướng nào.
Trung tá lục quân Rob Grunewald đang ngồi trong phòng họp với các đồng nghiệp khi Chuyến bay 77 gặp nạn. “Cách mọi người ra khỏi phòng thực sự rất độc đáo, bởi những quyết định đó dẫn tới cái chết, thương tích, hay sự tuyệt vọng. Những người ngồi quanh tôi đã ra khỏi cửa và rẽ phải, và đã phải bỏ mạng”, ông Grunewald nói.
Về phần mình, Grunewald đã dừng lại một phút để cứu đồng nghiệp. Trong làn khói, hai người đã quyết định rẽ trái thay vì rẽ phải – một quyết định cứu mạng họ.
Trong đội cứu hộ Ladder 6 dẫn dắt bởi Đại úy Jay Jonas, cả đội đã cùng sống sót vào thời khắc WTC sụp đổ. Trong lúc sơ tán khỏi tòa nhà, họ đã quyết định cứu một người phụ nữ. Điều này khiến họ ở vị trí trú ẩn hoàn hảo trong Stairwell B khi các tòa tháp đang sụp đổ.
Trong đội cứu hộ khác gồm chín cảnh sát Cảng vụ, chỉ có hai người sống sót. Eugene Fasano được cử quay về lấy bộ dụng cụ sơ cứu, và Sharon Miller vô tình bị tách khỏi các đồng nghiệp ở cầu thang của WTC. Họ đã sống, trong khi bảy đồng nghiệp khác thì không.
Máy bay trực thăng cứu hộ xem xét thiệt hại của Lầu Năm Góc sau khi bị tấn công bởi chiếc máy bay bị không tặc cướp quyền kiểm soát. Ảnh: Reuters. |
“Tại sao mình lại là người sống sót?”
Nhiều năm sau, một số người sống sót vẫn bị ám ảnh bởi lần cận kề lưỡi hái tử thần. Họ đã khóc và tự hỏi: “Tại sao lại là tôi?”. Họ cảm thấy áp lực phải trở thành một người tốt hơn, để tạo ra điều gì đó tuyệt vời từ món quà này, theo CNN.
Mark DeMarco, nhân viên dịch vụ khẩn cấp của Sở Cảnh sát New York, kể lại: “Tại sao chúng tôi lại ra ngoài? Ban đầu tôi đã có cảm giác tội lỗi này. Nếu tôi rẽ phải thay vì rẽ trái, nếu tôi chậm hơn năm phút hoặc hai phút, nếu tôi đi đến một đội khác. Có rất nhiều biến số. Tất cả những ai có mặt ở đó đều nói một điều: Đó là may mắn, không gì khác hơn là may mắn”.
Chú của Daniel Belardinelli, William Cashman, đã lên kế hoạch cho chuyến đi đến Công viên Quốc gia Yosemite và mời Belardinelli đến. Cashman đã đặt vé trên Chuyến bay 93 của United Airlines từ New Jersey đến San Francisco vào ngày 11/9.
Một tuần trước chuyến đi, Belardinelli đã hủy hẹn vì có việc bận. Người chú đã không bao giờ đặt chân tới Yosemite. Ông đã chết cùng với phi hành đoàn và hành khách của Chuyến bay 93, những người đã chiến đấu chống lại bọn không tặc và rơi gần Shanksville, Pennsylvania.
Lúc đầu, ông Belardinelli vật lộn với cảm giác tội lỗi của người sống sót. Nhưng sau nhiều tháng đau buồn, ông đã nghe theo lời khuyên của bố vợ: “Con phải sống cuộc sống của mình. Đó đã là quá khứ rồi”.
Một vài người thì cho rằng có người khác đã “chết thay cho họ”.
Tiếp viên hàng không của United Airlines, Elise O’Kane, bình thường có lịch trình phục vụ toàn bộ chuyến bay từ Boston đến Los Angeles trong tháng đó.
Tuy nhiên, do vô tình đảo ngược hai số mã dẫn đến lịch trình bị sai, bà đã phải tìm cách đổi lịch cho các tiếp viên khác – ngoại trừ Chuyến bay 175 vào ngày 11/9/2001.
Vào đêm hôm trước, bà cố gắng đăng nhập lại nhưng hệ thống đóng băng. Cuối cùng, khi đã xử lý yêu cầu, bà lại bị quá hạn một phút cho phép đổi lịch trình. Vì vậy, bà phải bay đến Denver thay vì Los Angeles.
Trên chuyến xe đưa đón nhân viên đến Sân bay Quốc tế Logan, bà ngồi gần một tiếp viên dự bị, Robert Fangman. Người đàn ông 33 tuổi đã kể về niềm vui khi được sắp xếp chuyến bay tới California.
Chiếc máy bay đến Denver của bà rời Logan, giữa lúc Chuyến bay 175 đâm vào Tháp Nam. Fangman và đồng nghiệp của O’Kane trên chuyến bay thường lệ của bà đã thiệt mạng.
“Tại sao lại là tôi – trong số tất cả những người tuyệt vời đó?”, bà đặt câu hỏi. “Tôi đã làm gì? Tôi có phải thánh hay thiên thần gì đâu”.
Tòa tháp còn lại của WTC chìm trong khói bụi khoảng nửa giờ sau khi tòa tháp đầu tiên sụp đổ. Ảnh: Reuters. |
Những lựa chọn thông thường, lịch trình du lịch và nghỉ ngơi theo thói quen quyết định việc ai đó sống hay chết vào ngày 11/9/2001 như một cú hích vào cấu trúc và trật tự hoàn hảo con người đang cố gắng sắp xếp cho cuộc sống của mình.
Tác giả Garrett M. Graff của tờ The Atlantic cho rằng chúng ta đang đưa bản thân vào một thế giới siêu hiệu quả, khi lịch hàng ngày được sắp xếp theo từng giờ từng phút. Tuyến đường đi lại được tối ưu hóa bằng Google Maps, danh sách việc cần làm do Trello sắp xếp, lối sống hoàn hảo thể hiện qua Instagram.
Chúng ta cố gắng hạ thấp và hoàn toàn bỏ qua vai trò của sự thay đổi trong cuộc sống, vượt qua nó mà không để ý đến sự ngẫu nhiên của số phận. Đồng thời, sự kiểm soát cuộc sống quá mức cũng cướp đi sự tự nhiên, cho phép niềm vui đến vào những khoảnh khắc bất ngờ.
Là giám đốc điều hành tại Morgan Stanley, bà Greer Epstein hiếm khi rời khỏi văn phòng trên tầng thứ 67 vì bà không bao giờ có thời gian nghỉ.
Nhưng 20 phút trước 9h sáng ngày 11/9, khi một đồng nghiệp rủ bà hút thuốc, bà Epstein đã bất ngờ đồng ý. Về sau, bà nhận ra rằng nếu bà không nghỉ vào thời điểm đó, bà đã mất tất cả.
“Tôi không bao giờ nghỉ ngơi trước buổi trưa”, bà nói. “Tôi đã ra khỏi tòa nhà khi máy bay va phải. Nếu tôi vẫn ngồi đó (như lịch trình hàng ngày), ai biết được điều gì sẽ xảy ra?”.
Nguồn: News.zing.vn