Thanh Hóa sẽ hạn chế sơ tán dân tập trung ở nơi đang giãn cách xã hội, Hà Tĩnh sẽ cách ly thuyền viên và xét nghiệm. Còn Quảng Nam sẽ không di dời dân đến vùng khác.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bão số 5 (Conson) đã mạnh lên trong những giờ qua. Lúc 4h ngày 10/9, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa 220 km về phía đông đông nam với sức gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 12.
Theo bản đồ dự báo bão, hình thái này nhiều khả năng hướng vào đất liền các tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh. Hoàn lưu do bão ảnh hưởng rộng khắp đến toàn bộ khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Tây Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Quảng Nam.
Trước tình hình này, các tỉnh miền Trung đã và đang lên phương án ứng phó với bão phù hợp với tình hình thực tế và diễn biến dịch Covid-19 nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Hạn chế sơ tán dân tập trung
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT, TKCN&PTDS) tỉnh Thanh Hóa đã họp bàn, lên phương án đối với việc sơ tán dân do ảnh hưởng của bão.
Cụ thể, ở các địa phương chưa thực hiện giãn cách xã hội, tỉnh này sẽ thực hiện việc sơ tán dân theo phương án đã xây dựng, phê duyệt từ đầu năm, đồng thời bảo đảm tuân thủ khuyến cáo 5K trong phòng, chống dịch Covid-19.
Ngư dân Sầm Sơn neo đậu tàu thuyền tránh trú bão. Ảnh: Quỳnh An. |
Với địa phương đang giãn cách xã hội, tỉnh yêu cầu hạn chế đến mức tối đa việc sơ tán tập trung; ưu tiên việc chằng chống, gia cố an toàn nhà cửa, chuẩn bị phương tiện (thuyền, áo phao), lương thực, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ”.
Trường hợp bắt buộc phải sơ tán tập trung cần tuân thủ khuyến cáo 5K trong phòng, chống dịch Covid-19 và các quy định của cấp có thẩm quyền.
Tại tỉnh Nghệ An, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN đã ra công điện gửi các đơn vị địa phương rà soát phương án ứng phó và triển khai công tác phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Đến nay, toàn tỉnh còn 7 địa phương áp dụng Chỉ thị 16, 3 địa phương Chỉ thị 15 và 11 địa phương còn lại thực hiện Chỉ thị 19 về trạng thái bình thường mới.
Tỉnh yêu cầu các địa phương lên phương án sơ tán đảm bảo an toàn trong trường hợp xảy ra bão mạnh, mưa, lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, đồng thời đảm bảo phòng, chống dịch và an toàn cho các địa điểm sơ tán.
Đối với tuyến biển và ven bờ phải theo dõi chặt chẽ các bản tin về bão; thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn và có kế hoạch sản xuất phù hợp; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho phương tiện và cho người trên các tàu thuyền vận tải, tàu thuyền đánh cá vãng lai.
Tại Hà Tĩnh, ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Cảng cá Hà Tĩnh, cho biết số lượng tàu thuyền của địa phương hoạt động trên biển đã vào nơi trú tránh bão tại các cảng cá Cửa Sót, cảng Cửa Hội và cảng Cửa Nhượng.
Người dân Cửa Lò, Nghệ An, chằng chồng tài sản, nhà cửa. Ảnh: Phạm Trường. |
Để đảm bảo phòng tránh bão, đồng thời phòng dịch Covid-19 với tàu ngoại tỉnh, cơ quan chức năng đã dùng đài vô tuyến tầm xa nhắc họ về quê.
Với trường hợp bất khả kháng phải vào khu neo đậu Cửa Sót thì khi vào bắt buộc cách ly tại tàu và xét nghiệm nhanh mới cho vào neo đậu riêng ở khu vực tàu ngoại tỉnh.
Nếu xét nghiệm có vấn đề thì sử dụng phương án cách ly của tỉnh theo chỉ đạo của y tế và cử người trông giữ phương tiện tài sản cho họ.
Cùng với đó, tỉnh Hà Tĩnh cũng lên phương án thu hoạch lúa hè thu cho người dân trước khi bão đổ bộ để giảm thiệt hại. Hiện toàn tỉnh đã thu hoạch được 83% trên tổng diện tích 44.500 ha lúa hè thu. Các khu vực dễ sạt lở, ngập lụt cũng được cắm biển cảnh báo để người dân thận trọng.
Người dân vùng đỏ nội bất xuất, ngoại bất nhập
Còn tại Quảng Bình, địa phương này cũng đã ban hành công điện về việc sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn.
Theo đó, khi có tình huống bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ xảy ra, thì các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh phải tổ chức phòng chống thiên tai, đồng thời thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Hiện, Quảng Bình đã ban hành kế hoạch di dời hơn 108.177 người dân ở các khu vực thuộc diện nguy hiểm, vùng ven biển, cửa sông, có nguy cơ sạt lở trước khi bão đổ bộ.
Trong đó, tỉnh sẽ di dời xen ghép 20.248 hộ/75.064 khẩu, di dời tập trung 8.877 hộ/33.113 khẩu. Việc di dời, sơ tán phải đảm bảo phòng chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, tỉnh cũng yêu cầu tàu thuyền hoạt động ngoài khơi vào nơi tránh trú an toàn. Hiện có hơn 6.600 tàu thuyền đã vào nơi trú tránh, số còn lại neo đậu ở nơi an toàn, không nằm trong vùng nguy hiểm.
Để phòng chống thiên tai, Quảng Bình cũng chỉ đạo các huyện sớm thu hoạch lúa vụ hè thu. Đối với các khu phong tỏa, các địa phương thành lập tổ đội gặt lúa chở về tận nhà cho người dân, có sự giám sát cộng đồng nhằm đảm bảo khách quan, tránh thất thoát.
Riêng người dân trong “vùng đỏ” luôn đảm bảo yêu cầu “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Trong trường hợp đặc biệt, có thể cho ra ngoài nhưng phải chặt chẽ, được xét nghiệm PCR Covid-19 âm tính và trước khi ra ngoài thì phải có test nhanh âm tính trong vòng 72 giờ. Còn sơ tán, tỉnh đã có phương án đến các trường học trên địa bàn từng địa phương.
Ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ, Quảng Nam, cho biết trước tình hình diễn biến phức tạp của bão Conson, địa phương đã chủ động lên phương án đảm bảo an toàn cho người dân.
“Chúng tôi đã lên kế hoạch và chủ động sớm cắt tỉa cây xanh trên các tuyến đường để tránh việc gãy đổ, giảm thiểu tối đa thiệt hại. Địa phương đang tập trung tuyên truyền nhân dân chằng chống nhà cửa phòng chống bão. Ngoài ra, TP Tam Kỳ có 202 phương tiện, tàu cá đã vào bờ neo đậu an toàn trước khi bão đến”, ông Ảnh nói.
Chủ tịch TP Tam Kỳ cho hay địa phương không thực hiện di dời người dân khi bão số 5 đổ bộ.
“Trong năm nay, địa phương không thực hiện di dời người dân đến vùng khác, chỉ thực hiện di dời tại chỗ, từ nhà không kiên cố qua nhà kiên cố. Phương án này lồng ghép với việc phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo thực hiện phương án 4 tại chỗ”, ông Ảnh thông tin thêm.
Tàu thuyền ngư dân miền Trung vào bờ tránh bão. Ảnh: Hoàng Dương. |
Theo báo cáo nhanh của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa, đến sáng 10/9, địa phương có 514 tàu, 2.475 ngư dân đang hoạt động đánh bắt thủy sản trên biển. Trong đó, có 8 tàu/63 ngư dân ở khu vực biển Trường Sa; 505 tàu/2398 ngư dân hoạt động khu vực biển từ Bình Định đến Bình Thuận; một tàu có 14 ngư dân hoạt động ở vùng biển phía Nam.
Hiện, các tàu cùng ngư dân đều đã nhận được thông tin về cơn bão số 5 và có kế hoạch phòng tránh an toàn. Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa duy trì 180 cán bộ với 19 tàu xuồng, 9 ôtô, 80 xe máy… tham gia thường trực, sẵn sàng cơ động phòng chống, bão Conson.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Phong yêu cầu các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh lên phương án sơ tán dân, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, lồng bè trên biển, phòng tránh mưa lớn gây lũ, ngập lụt, sạt lở bờ biển.
Ngoài ra, tỉnh UBND tỉnh Bình Thuận giao các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng phương án di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn theo phương châm 4 tại chỗ và đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.
Riêng đối với UBND thị xã La Gi, cần khẩn trương khắc phục, hỗ trợ cho ngư dân trong quá trình trục vớt tàu thuyền bị chìm vào ngày 28/8, không để xảy ra sự cố, thiệt hại tương tự khi tình hình mưa, lũ được dự báo còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới.
Cập nhật tình hình Covid-19
Xem chi tiết
Số ca lây nhiễm ghi nhận từ 27/4/2021
Ca nhiễm
Hôm nay
Tỉnh | Hôm nay | Tổng số ca |
Nguồn: News.zing.vn