Nhờ nâng cao hệ thống hành chính, xúc tiến đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Quảng Ninh trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Dù chịu tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19, các lĩnh vực kinh tế của tỉnh Quảng Ninh vẫn duy trì mức tăng trưởng khả quan. 9 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP tỉnh đạt 8,2% – mức tăng trưởng kinh tế xếp thứ tư khu vực phía bắc.
Quảng Ninh vẫn giữ vững vị trí đứng đầu toàn quốc trong bảng xếp hạng 4 chỉ số gồm: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS).
Không chỉ trong năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP của Quảng Ninh còn cho thấy sự tăng trưởng nhanh qua các năm khi bình quân 5 năm tăng 10,7%. Quy mô nền kinh tế năm 2020 của tỉnh đạt gần 220.000 tỷ đồng, tốc độ tăng số doanh nghiệp thành lập mới giai đọan 2016-2020 đứng thứ 16 trên 63 địa phương, tăng 53,1%.
Đáng chú ý, Quảng Ninh trở thành tỉnh thu hút nhiều nhà đầu tư cùng số lượng lớn nguồn vốn ngoài ngân sách. Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng vốn ngoài ngân sách đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt 269.497 tỷ đồng, gấp 5 lần kịch bản đề ra. Tính riêng trong tháng 8, tổng vốn thu hút ngoài ngân sách đạt hơn 8.700 tỷ đồng, lũy kế 8 tháng đạt 268.095 tỷ đồng.
Hiệu quả từ cải cách hành chính
Bức tranh kinh tế nhiều điểm sáng tại Quảng Ninh thời gian qua có được một phần nhờ hiệu quả cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư. Trong 10 năm quyết liệt hành động, tỉnh đã tiến hành rà soát, bổ sung và vận dụng các cơ chế chính sách; ban hành nhiều văn bản tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời làm rõ những trở ngại gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh và có biện pháp khắc phục, giải quyết nhanh chóng thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Chính quyền tỉnh Quảng Ninh tương tác với người dân và nhà đầu tư thông qua mạng xã hội. |
Với sự vào cuộc của các ban ngành liên quan, nhiều cuộc tiếp xúc giữa chính quyền và doanh nghiệp đã được tổ chức, giúp những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được kịp thời tháo gỡ, các chính sách ban hành phù hợp tình hình thực tế. Thời gian xem xét và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhiều dự án cũng được rút ngắn. Thành quả của sự cải cách quyết liệt đó là 4 năm liên tiếp 2017-2021, Quảng Ninh đứng đầu bảng xếp hạng PCI của cả nước.
Ông Nguyễn Xuân Ký – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh – khẳng định: “Quảng Ninh được như ngày hôm nay là hành trình 10 năm liên tiếp tìm phương thức, triết lý phát triển, trong đó lấy cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là khâu đột phá, động lực mạnh mẽ thu hút nguồn lực ngoài ngân sách để thực hiện mục tiêu, chiến lược đã đề ra”.
Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Quảng Ninh xác định cải cách hành chính tiếp tục là một trong ba đột phá chiến lược, là nhiệm vụ trọng tâm với mục tiêu hàng năm giữ vững vị trí nhóm đầu về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đặt ra bài toán hoàn thiện chính quyền số, thủ tục hành chính trong môi trường điện tử.
Trung tâm điều hành thành phố thông minh tại tỉnh Quảng Ninh. |
Mục tiêu chuyển đổi số toàn diện
Tiếp nối những thành công trong 10 năm qua, Quảng Ninh đặt mục tiêu chuyển đổi số toàn diện với ba trục là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Thông qua việc tận dụng công nghệ hiệu quả, tỉnh mong muốn đẩy nhanh chuyển đổi số trong hệ thống chính trị, hướng đến quản trị dựa trên dữ liệu số, từ đó tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong phát triển kinh tế – xã hội.
Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, Quảng Ninh đang từng bước đẩy mạnh hiện đại hóa nền hành chính với mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn. Đến nay, tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 của tỉnh đạt trên 92,1%; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên cổng dịch vụ công quốc gia đạt tỷ lệ 75%. Số hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 đạt tỷ lệ 43,5%. 3 năm gần nhất, tỉnh nằm trong nhóm 3 địa phương đứng đầu về chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin.
Người dân, nhà đầu tư chấm điểm thái độ phục vụ của cán bộ thông qua hệ thống một cửa trung tâm phục vụ hành chính công. |
Dự kiến đến năm 2025, Quảng Ninh có 90% giao dịch trên cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được định danh điện tử. Tỷ lệ hồ sơ nộp qua mạng và giải quyết theo dịch vụ công mức độ 4 trên tổng số hồ sơ toàn tỉnh dự kiến đạt tối thiểu 70%. Trung tâm điều hành thành phố thông minh đặt mục tiêu phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành toàn tỉnh; gắn kết phát triển dịch vụ đô thị thông minh với hệ thống chính quyền điện tử, phát triển bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh định hướng nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu để sàng lọc. Trong đó, tỉnh ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao…
Quảng Ninh thí điểm mô hình chuyển đổi số ở huyện đảo Cô Tô. |
Khi tiến hành đẩy mạnh cải cách hành chính, lấy chính quyền điện tử làm chìa khóa then chốt giúp tăng khả năng cạnh tranh, Quảng Ninh sẽ có nền tảng vững chắc để trở thành tỉnh dịch vụ – công nghiệp hiện đại, hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại vào năm 2030. Qua đó, tỉnh không chỉ hấp dẫn nhà đầu tư bởi các yếu tố tài nguyên, khoáng sản, mà còn thu hút nhờ những chính sách đầu tư hấp dẫn, thông thoáng và an toàn.
Nguồn: News.zing.vn