Hoang mạc Nam Cực băng giá là một trong những nơi kỳ bí nhất trên Trái Đất. Lục địa này rộng lớn đến nỗi các nhà khoa học mới chỉ bắt đầu khám phá những kho báu ẩn giấu.
Nhiều nơi ở Nam Cực không có mưa hay tuyết trong 2 triệu năm: Khoảng 1% lục địa Nam Cực (4.000 km) không bao giờ có băng, gọi là thung lũng khô hoặc ốc đảo. Những nơi này cũng chưa từng có mưa hoặc tuyết trong gần 2 triệu năm. Theo một nghiên cứu, do thay đổi khí hậu, khu vực không có băng có thể mở rộng tới 25% vào cuối thế kỷ XXI và làm thay đổi đáng kể đa dạng sinh học của lục địa. Ảnh: David Saul. |
Thác máu: Năm triệu năm trước, khi mực nước biển dâng cao, Đông Nam Cực bị ngập và hình thành một hồ nước mặn. Nhà địa chất người Australia Griffith Taylor phát hiện thác nước có màu đỏ như máu ở sông băng phía trên hồ nước này cách đây hơn 100 năm. Do nước bên dưới chứa rất nhiều sắt, khi sông băng tiếp xúc với không khí tạo ra oxit sắt có màu đỏ, để lại các vết màu máu trên mặt băng. Ảnh: Peter Rejcek. |
Tìm thấy nhiều thiên thạch hơn bất cứ nơi nào trên Trái Đất: Mặc dù, thiên thạch ở mọi nơi có xác suất gần như bằng nhau, có nhiều lý do để các nhà khoa học dễ dàng phát hiện thiên thạch ở Nam Cực hơn như bề mặt băng trắng, khí hậu rất khô, hầu như không có khả năng ăn mòn… Hơn 20.000 mẫu đá không rõ nguồn gốc ở Nam Cực được thu thập từ năm 1976. Ảnh: NASA Johnson. |
Tảng băng lớn nhất được ghi nhận lớn hơn đảo Jamaica: Iceberg B-15 dài khoảng 295 km, rộng 37 km rộng với diện tích bề mặt 11.000 km2 được ghi nhận là tảng băng lớn nhất thế giới. Diện tích của tảng băng này còn lớn hơn toàn bộ đảo Jamaica, vùng biển Caribbean. Năm 2000, Iceberg B-15 chia thành các tảng băng nhỏ hơn, sau đó trôi dạt ra biển. Ảnh: Josh Landis. |
Ở Nam Cực có hai khu định cư dân sự: Thị trấn lớn hơn là Villa Las Estrellas thành lập năm 1984. Là trạm nghiên cứu Chile, thị trấn này giờ đây có trường học, bệnh viện, nhà trọ, bưu điện, Internet, truyền hình. Thị trấn còn lại là Esperanza Base, trạm nghiên cứu Argentina với 55 cư dân gồm 10 gia đình và 2 giáo viên trung học, thành lập năm 1953 và trở nên nổi tiếng năm 1978 với sự ra đời của Emilio Marcos Palma, người đầu tiên được sinh ra ở Nam Cực. Ảnh: Andrew Shiva. |
Hơn 300 hồ lớn tồn tại bên dưới lớp băng: Tính đến nay, hơn 300 hồ nước lớn được xác định dưới lục địa Nam Cực. Những hồ nước này không bị đóng băng nhờ năng lượng địa nhiệt của lõi Trái Đất và trở thành một phần của mạng lưới thủy văn rộng lớn dưới lớp băng dày. Các nhà nghiên cứu tin rằng các hồ biệt lập này có thể là nơi sinh sống của những vi sinh vật khoa học hiện đại chưa biết đến. Ảnh: NASA – Stone Aerospace. |
Từng là lục địa nhiệt đới và có thể tái hình thành do khí thải CO2: Vào khoảng 52 triệu năm trước khi khí hậu rất nóng và nồng độ khí CO2 cao hơn gấp đôi hiện nay, Nam Cực là thiên đường nhiệt đới xanh cùng các loài động vật có vú. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, nếu khí thải tiếp tục tăng thì lượng CO2 trong khí quyển tồn tại hàng triệu năm trước có thể đạt được trong vòng vài trăm năm tới. Ảnh: Billy Wilson. |
Nam Cực, Bắc Cực và một số đảo không có kiến: Hầu hết mảnh đất trên thế giới có ít nhất một loài kiến bản địa. Tuy nhiên, Nam Cực, Bắc Cực và một số ít các hòn đảo xa xôi hoặc khắc nghiệt không phải là nơi “định cư” của kiến. Ảnh: Flickr. |
Do biến đổi khí hậu, Nam Cực đã mất 3 nghìn tỷ tấn băng chỉ trong 25 năm: Hơn nữa, quá trình băng tan tăng tốc đáng kể trong 5 năm qua. Khi phân tích dữ liệu từ nhiều cuộc điều tra vệ tinh năm 1992-2017, nhóm 84 nhà nghiên cứu quốc tế phát hiện băng ở Nam Cực tan nhanh gấp khoảng ba lần so với trước năm 2012. Người ta dự đoán có hơn 241 tỷ tấn băng tan mỗi năm. Ảnh: Reeve Jolliffe. |
Lục địa duy nhất không có các loài bò sát: Ở Nam Cực có nhiều loài động vật hoang dã như cá voi, hải cẩu, chim cánh cụt và các loài chim khác. Trong đó, chim cánh cụt là loài động vật phổ biến nhất. Tuy nhiên, các loài rắn và bò sát khác không có mặt tại nơi khắc nghiệt nhất Trái Đất này. Ảnh: Christopher Michel. |
Trọng lực của Trái Đất đang dịch chuyển vì biến đổi khí hậu: Ngày nay, tác động của biến đổi khí hậu rất nghiêm trọng. Theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), chỉ trong 3 năm 2009-2012, băng tan ở Tây Nam Cực gây ra sự sụt giảm trong trường trọng lực của khu vực và thay đổi lực hấp dẫn của Trái Đất. Ảnh: LHQ. |
Có một máy ATM: Ngân hàng Wells Fargo (Mỹ) đã lắp đặt một máy ATM năm 1998 tại McMurdo Station, trung tâm khoa học lớn nhất trên lục địa này. Nằm gần lãnh thổ New Zealand, máy ATM chỉ phân phối đôla Mỹ. Ảnh: Julian Ortiz. |
Có 7 nhà thờ Thiên chúa giáo: Ngay ở vùng khí hậu khắc nghiệt nhất trên thế giới, người ta vẫn xây dựng những nơi thờ phụng. Ngày nay, có ít nhất bảy nhà thờ Thiên Chúa giáo trên lục địa băng giá Nam Cực như nhà nguyện của Tuyết, nhà nguyện Trinity, nhà nguyện San Francisco de Asis, nhà thờ Chile Santa Maria Reina de la Paz… Ảnh: Akulovz. |
Nguồn: News.zing.vn