
VTV.vn – Làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc vừa trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo thế giới.
Tối 14/2, Lễ đón nhận làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo thế giới đã được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long.
Buổi lễ có sự tham dự của nhiều đại biểu Trung ương và Hà Nội, cũng như đại diện các nước, các tổ chức quốc tế. Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Mạnh Quyền (Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội) cho biết, nhận thức sâu sắc về tiềm năng và giá trị của các làng nghề, thành uỷ Hà Nội đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án và các cơ chế, chính sách để phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt là bảo tồn làng nghề và các sản phẩm thủ công truyền thống.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu khai mạc buổi lễ
Ông Nguyễn Mạnh Quyền cũng nhấn mạnh: “2 làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc được công nhận là thành viên của Mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo thế giới không chỉ là niềm tự hào mà còn là minh chứng cho những nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống… Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục hợp tác với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Hội đồng Thủ công thế giới để quảng bá rộng rãi hơn nữa những tinh hoa nghề thủ công của Hà Nội cũng như của cả nước”.
Cũng trong buổi lễ, ông Saad al-Qaddumi (Chủ tịch Hội đồng Thủ công thế giới) chia sẻ: “Bát Tràng và Vạn Phúc chính là những biểu tượng của sự hồi sinh và phát triển mạnh mẽ… Khi tôn vinh hai làng nghề này, chúng ta cũng đồng thời ghi nhận sự quyết tâm và nỗ lực của người dân Việt Nam, những người không chỉ gìn giữ bản sắc văn hóa mà còn đưa các ngành nghề truyền thống lên một tầm cao mới trên bản đồ thế giới. Thành công của Bát Tràng và Vạn Phúc là nguồn cảm hứng to lớn cho các quốc gia khác, chứng minh rằng với sự đoàn kết, đầu tư và tâm huyết, các ngành thủ công không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ, trở thành động lực kinh tế và niềm tự hào văn hóa”.
Ông Saad al-Qaddumi (Chủ tịch Hội đồng Thủ công thế giới) phát biểu tại buổi lễ
Hiện nay, Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề và các nghệ nhân nhiều nhất cả nước; với 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề truyền thống của cả nước. Mỗi làng nghề đều mang bản sắc riêng, với những sản phẩm độc đáo theo phong cách văn hóa địa phương; có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Nổi bật như các sản phẩm gốm sứ, dệt, thêu, ren, đồ gỗ mỹ nghệ, chế biến nông sản…
Trải qua biết bao thăng trầm, các làng nghề của Hà Nội vẫn giữ được nét đẹp riêng vốn có. Với bề dày lịch sử cùng câu chuyện ý nghĩa ẩn giấu trong từng sản phẩm, những làng nghề bền bỉ phát triển theo thời gian. Từ những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo đã ra đời, vượt qua thời gian để tồn tại và phát triển cho đến ngày nay. Làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc không chỉ là những biểu tượng của nghề thủ công truyền thống Việt Nam, mà còn tạo ra những tác phẩm nghệ thuật sáng tạo, kết tinh từ tài hoa cùng tâm huyết của các nghệ nhân, thợ giỏi.
Cũng nhân dịp này, Thành phố Hà Nội cũng khai mạc sự kiện trưng bày, trình diễn, tạo tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Một số hình ảnh tại buổi lễ:
Các đại biểu trao chứng nhận 2 làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc là thành viên của Mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo thế giới
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc
Tái hiện nghi lễ rước kiệu và đọc cáo yết Thành hoàng làng
Các tiết mục văn nghệ mở màn chương trình
Nguồn: Vtv