3 cấp độ não người là giả thuyết sai lầm

0
76

Được Tiến sĩ Paul MacLean đưa ra vào những năm 1960, giả thuyết về các bước tiến hóa từ não bò sát, thú đến người đã bị nhiều nhà khoa học thần kinh bác bỏ.

Khi còn là phó giáo sư Đại học Yale vào năm 1949, MacLean đã có đam mê nghiên cứu về khả năng kiểm soát hành vi não bộ. Sau khi phân tích hoạt động của não ở bệnh nhân tâm thần và động kinh, ông chuyển sang nghiên cứu não mèo, khỉ và một số động vật có ý thức bằng cách dùng điện cực kích thích các phần khác nhau của não.

Đến những năm 1950, MacLean bắt đầu nghiên cứu một số hành vi cá nhân của con người như gây hấn, đói bụng hoặc ham muốn tình dục. Vị tiến sĩ cho rằng những cảm xúc này nằm trong một cấu trúc não gọi là não tạng. Đến năm 1952, nó được đổi tên thành hệ limbic.

Gia thuyet ve nao bo sat cua Paul MacLean anh 1

Theo thuyết của MacLean, não người được tiến hóa từ “não bò sát”, sau đó bồi đắp thêm các cấu trúc để thành não người hoàn chỉnh. Ảnh minh họa: National Geographic.

Sau nhiều quan sát, nhà thần kinh học James Papez cho biết hệ limbic đã phát triển ở các loài động vật có vú, dùng để kiểm soát phản ứng chiến-hay-chạy (fight-or-flight), cảm xúc dễ chịu hoặc đau đớn. Giả thuyết này được chấp nhận rộng rãi trong giới khoa học thần kinh.

Mô hình tiến hóa từ não bò sát đến não người

Đến những năm 1960, MacLean mở rộng giả thuyết, chia cấu trúc não người thành 3 phần, gọi là não bộ ba (triune brain). Mô hình của ông cho thấy não người được tổ chức thành hệ thống phân cấp, dựa trên quan điểm về sự tiến hóa của não, theo Interaction Design.

Bên cạnh hệ limbic (não thú) thiên về cảm xúc, MacLean đặt ra phần não R-complex (não bò sát), điều khiển các chức năng cơ bản như chuyển động cơ và thở. Trong khi đó, phần não thứ 3 là neocortex (tân vỏ não, não người) kiểm soát lời nói và suy nghĩ.

Theo MacLean, hệ thống phân cấp như trên thể hiện sự hình thành và phát triển cấu trúc não bộ thông qua tiến hóa. Mô hình của MacLean cho thấy não bò sát hình thành đầu tiên do phụ trách các bản năng nguyên thủy của con người. Tiếp theo là hệ limbic, điều khiển cám xúc hoặc tình cảm. Cuối cùng là tân vỏ não, chịu trách nhiệm về các suy nghĩ khách quan.

Gia thuyet ve nao bo sat cua Paul MacLean anh 2

Giả thuyết của MacLean về sự tiến hóa của não người theo cấu trúc não bộ ba. Ảnh: SciShow/YouTube.

Mô hình của MacLean tuyên bố đây là 3 vùng não khác nhau, hoạt động tùy hoàn cảnh. Ví dụ khi chúng ta gặp nguy hiểm và cần phản ứng nhanh, não bò sát được kích hoạt cho các hành động tự vệ. Khi đọc bản tin giật gân hoặc thông báo gây khó chịu, hệ limbic kích thích cảm xúc tương ứng. Còn khi cần suy nghĩ và đưa ra quyết định, tân vỏ não sẽ hoạt động mà không có sự tham gia của 2 cấu trúc kia.

Theo giả thuyết của MacLean, 3 cấu trúc não vẫn giữ nguyên sau khi tiến hóa và thường xuyên cạnh tranh. Giả thuyết này có thể giải thích những thái cực khác nhau trong hành vi của con người.

Năm 1990, MacLean đã giải thích đầy đủ về thuyết não bộ ba trong cuộn sách The Triune Brain in Evolution: Role in Paleocerebral Functions. Đến năm 2008, ông qua đời ở tuổi 94.

Bị giới khoa học bác bỏ

Theo New York Times, thuyết về não bộ ba của MacLean gây nhiều tranh cãi từ khi xuất hiện. Tiến sĩ Thomas Insel, nhà khoa học thần kinh, cựu Giám đốc Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Mỹ cho rằng giả thuyết “nằm ngoài xu hướng các nỗ lực nghiên cứu khoa học”.

Tiến sĩ Terrence Deacon, chuyên gia về tiến hóa nhận thức con người tại Đại học California cho biết những nghiên cứu đã chứng minh giả thuyết về tiến hóa não bộ dựa trên sự bồi đắp của MacLean là sai. “Gần như chắc chắn bồi đắp không phải cách bộ não phát triển. Thay vào đó, một cấu trúc não đã chỉnh sửa theo nhiều cách khác nhau qua từng thế hệ”, Deacon cho biết.

Gia thuyet ve nao bo sat cua Paul MacLean anh 3

Dù xuất hiện từ lâu và bị giới khoa học bác bỏ, giả thuyết não bộ ba của MacLean vẫn có tác động văn hóa lâu dài. Ảnh: Washington Post.

“Mô hình não bộ ba chỉ là sự tưởng tượng… Nó không tiến hóa theo kiểu bồi đắp từng lớp như trầm tích”, nhà tâm lý học Lisa Feldman Barrett chia sẻ với The Psychologist.

Đó cũng là quan điểm của nhà thần kinh học Georg Striedter. Ông đã ví cách tiến hóa của não giống như một công ty, được tổ chức lại khi mở rộng. Vùng não thiên về cảm xúc mà MacLean gọi là hệ limbic được xem là nơi chứa các trung tâm giao tiếp chính của não.

Từ quan điểm của khoa học thần kinh và kiến thức mới về cách não bộ kiểm soát cảm xúc, giả thuyết về não bò sát của MacLean không còn đúng nữa.

Theo Tiến sĩ Sarah McKay, “góc nhìn cổ điển” về cách bộ não kiểm soát cảm xúc không còn được thừa nhận khi giới nghiên cứu phát hiện nhiều kiến thức mới về cách hoạt động của não. Chúng bao gồm thuyết về “xây dựng cảm xúc” cho rằng một tập hợp xúc cảm không có sẵn trong não của chúng ta, thay vào đó các thành phần được xử lý bởi toàn bộ mạng lưới não bộ để tạo ra cảm giác mới.

Dù MacLean đã qua đời và giả thuyết não bộ ba bị nhiều nhà khoa học bác bỏ, bản thân nó vẫn có tác động văn hóa lâu dài khiến nhiều người tin tưởng.

“Cái chết của ông ta cho thấy một kỷ nguyên đã trôi qua. MacLean thực sự là hình mẫu của việc hiểu bộ não theo thuật ngữ tiến hóa… Rất nhiều tiến bộ hiện đại của chúng ta đã vượt qua giả thuyết của ông ấy, dù biết rằng đó là điều không đúng”, Deacon chia sẻ.

Máy chuyển tín hiệu não thành câu đơn giản Các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu ra phương thức truyền đạt mới dành cho người bị liệt, thông qua các tín hiệu từ não bộ của con người.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn