4 con đường thơ mộng ở Tây Nguyên đẹp không kém trời Tây

0
176

(Dân trí) – Khung cảnh hùng vĩ nhưng cũng đầy thơ mộng của Tây Nguyên từ lâu đã mê hoặc nhiều tín đồ du lịch. Những con đường hoa sứ, con đường hoa dã quỳ hay con đường dẫn lên đồi chè Gia Lai,… chắc chắn sẽ làm cho du khách không khỏi trầm trồ, ngỡ ngàng trước sự tuyệt diệu của đất trời.

Con đường hoa dã quỳ

Không phải chỉ một khóm hoa, một vườn hoa mà là cả một rừng hoa dã quỳ trải dài trên những ngọn đồi và triền núi ở nhiều tỉnh Tây Nguyên. Tuy không sang trọng như cúc vàng, vạm vỡ như hoa hướng dương, nhưng hoa dã quỳ lại mang một vẻ đẹp dung hòa mà dân dã.

Hoa dã quỳ trải dài. (Ảnh: dalattrongtoi)

Hoa dã quỳ trải dài. (Ảnh: dalattrongtoi)

Màu vàng của dã quỳ như gom hết màu nắng trong năm để khoe sắc, làm núi rừng bừng sáng. Hoa càng quyến rũ hơn khi sánh đôi cùng khung cảnh thơ mộng của vùng núi lửa Chư Đăng Ya.

Chư Đăng Ya theo tiếng địa phương nghĩa là củ gừng dại, vốn là một miệng núi lửa đã tắt của dòng nham thạch phun trào từ lòng đất cách đây hàng triệu năm. Có nhiều con đường đến ngọn núi lửa Chư Đăng Ya, nhưng cách thông thường là xuất phát từ thành phố Pleiku tới ngã ba Biển Hồ rẽ phải theo tỉnh lộ 671, rồi đi qua xã Chư Jôr (huyện Chư Păh) tới địa phận xã Chư Đăng Ya. Từ đây, du khách cứ đi theo con đường đất đỏ để lên đỉnh núi và ngắm hoa dã quỳ mọc hai bên đường.

Ngọn núi lửa Chư Đăng Ya nhìn từ xa. (Ảnh: Phạm Hoàng)

Ngọn núi lửa Chư Đăng Ya nhìn từ xa. (Ảnh: Phạm Hoàng)

Với những ai thích mạo hiểm, leo núi thì đây cũng là một cung đường đáng để trải nghiệm. Cột mốc của bạn sẽ là những cây cổ thụ nằm dưới chân núi lửa. Du khách sẽ phải chinh phục con đường với dốc cao và trơn để lên được lòng chảo.

Từ đỉnh núi lửa, bạn có thể ngắm trọn vẹn một vùng trời Gia Lai thanh bình với những mảng màu xanh của cây cối, đất đỏ bazan và sắc vàng rực rỡ của hoa dã quỳ.

Đường quanh đồi chè Gia Lai

Nhắc đến đồi chè xanh mướt tầm mắt, nhiều người sẽ nhớ đến Mộc Châu, Thái Nguyên hay Nghệ An. Ít ai biết rằng, tại Gia Lai cũng có một đồi chè khiến không ít du khách mê mẩn vì những góc chụp ảnh tuyệt đẹp.

Đồi chè Gia Lai cách thành phố Pleiku khoảng 13km, nằm tại huyện Chư Pah và được hình thành từ thế kỷ trước. Đến với nơi đây, bạn sẽ bị “hút” bởi màu xanh tươi bát ngát trong nắng sớm.

Đồi chè mênh mông giữa đất trời bao la.

Đồi chè mênh mông giữa đất trời bao la.

Để đến được đồi chè, du khách sẽ đi qua một con đường nhỏ, dọc hai bên có hàng thông lá kim phủ kín. Đặc biệt, khung cảnh này còn thơ mộng hơn vào mùa hè. Bạn sẽ được “quay ngược thời gian” trong chốc lát, hòa cùng những đứa trẻ nhặt quả thông rụng và nghe bản hòa tấu của tiếng ve dưới bầu trời trong xanh.

Ngắm nhìn một thảm xanh mướt của cánh đồng chè Gia Lai, bạn sẽ cảm thấy mát mắt, mát lòng và bỗng dưng mọi muộn phiền được xua tan hết, chỉ còn những cảm xúc dịu êm và thư giãn.

Con đường hoa sứ ở Tòa Giám mục Kon Tum

Tòa giám mục Kon Tum nằm trên đường Trần Hưng Đạo, TP Kon Tum, còn có tên gọi đầy đủ là Chủng viện Thừa sai Kon Tum. Kiến trúc nơi đây là sự kết hợp hài hoà giữa đường nét dân tộc bản địa truyền thống với đường nét phương Tây. Trừ hàng trụ dưới sàn nhà làm bằng xi măng cốt thép, còn lại toàn bộ ngôi nhà được xây dựng bằng các loại gỗ quý, có độ bền cao với thời gian.

Tòa Giám mục Kon Tum lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, tôn giáo. (Ảnh: Internet)

Tòa Giám mục Kon Tum lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, tôn giáo. (Ảnh: Internet)

Nằm khuất sau hai rặng sứ luôn rợp bóng mát, Toà giám mục mang dáng vẻ yên bình như chính nhịp sống của người Tây Nguyên. Qua cánh cổng nhỏ, du khách có thể chậm rãi rảo bước và cảm nhận mùi thơm dìu dịu của hoa sứ.

Rặng cây sứ che con đường nhỏ dẫn vào Tòa Giám mục. (Ảnh: Internet)

Rặng cây sứ che con đường nhỏ dẫn vào Tòa Giám mục. (Ảnh: Internet)

Khi cây chưa rụng lá, từng tán lá xòe ra che kín cả con đường. Nhưng vào mùa lá rụng, Tòa Giám mục bỗng nhiên chuyển mình, trở nên thơ mộng, cổ kính và lãng mạn hơn gấp vạn lần. Từ Tết Nguyên đán đến trước mùa mưa, hàng sứ mới chính thức bước vào mùa đẹp nhất.

Con đường cao su lá đỏ

Trong những ngày đầu xuân, khi từng chiếc lá cao su nhẹ nhàng chuyển màu mới, Gia Lai lại như khoác lên tấm áo lạ làm cho du khách ngỡ như đang lạc lối ở châu Âu.

Nơi ngắm mùa cao su đẹp nhất ở Gia Lai là cánh rừng ở huyện Chư Sê, gần khu vực của hồ Laring, cách thành phố Pleiku chừng 40km về phía Nam. Đến đây, du khách sẽ bị choáng ngợp trước không gian quá đỗi mộng mị của cánh rừng cao su chạy xa tít tắp tưởng chừng như vô tận.

Rừng cao su không thấy điểm kết thúc. (Ảnh: kenhdulich)

Rừng cao su không thấy điểm kết thúc. (Ảnh: kenhdulich)

Trong cơn gió hồ mát lành, còn gì tuyệt vời hơn khi được hít hà bầu không khí dịu êm, trong lành, vừa thưởng ngoạn không gian mộng thơ một bên là làn nước xanh ngát, một bên là rừng cao su thay áo mới.

Chẳng cần đến sự chăm chút cầu kỳ, mùa cao su thay lá với nhiều gam màu hết sức tự nhiên cũng đủ sức để “thôi miên” bất kỳ ai. Hãy nhanh chóng lên lịch khởi hành ngay để không tiếc nuối vì đã bỏ lỡ một “thiên đường” có thật.

Hoàng Ngọc

Tổng hợp

Nguồn: DANTRI.COM.VN

Điểm đến du lịch

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn