Đổi việc 5 lần, đây là những gì tôi rút ra trong quá trình cân nhắc đi hay ở.
Nghỉ việc, chuyển việc có thể là cơ hội để người đi làm tiến một bước mới trong sự nghiệp và tăng thu nhập. Tuy nhiên, lúc bạn stress, những quyết định được đưa ra nóng vội nhiều khả năng lại dẫn đến hối tiếc.
Ở bài viết này, Duy Anh chia sẻ với Zing cách anh tìm hiểu nguyên nhân và cân nhắc trước khi chuyển tiếp.
_____
Tính từ thời điểm chính thức đi làm đến nay, tôi đã trải qua 5 lần thay đổi công việc. May mắn là tất cả đều như ý.
Dù ứng viên đổi việc nhiều lần thường không nhận được cái nhìn hoan hỷ từ nhà tuyển dụng, tôi cho rằng nếu có suy nghĩ thấu đáo và lý do chính đáng, đây không phải là vấn đề quá lớn với người trẻ.
Hy vọng tìm được “mảnh đất” phù hợp để phát triển bản thân là một trong những lý do lớn nhất mỗi khi tôi chuyển việc.
Thông thường, tôi sẽ đi qua trình tự như sau:
- Đánh giá lại bản thân. Tôi nhận định và gọi tên chính xác vấn đề khiến mình muốn rời đi. Nhiều người thực sự có nỗi bất mãn kéo dài với môi trường làm việc, nhưng cũng có người chỉ đang gặp thử thách nhất thời.
- Đặt mục tiêu tiếp theo, xem xét phương tiện để tôi đạt được nó (năng lực, kiến thức, kinh nghiệm rút ra từ vị trí cũ,…).
- Phân tích tất cả lựa chọn mình có. Ngoài nghỉ việc, tôi hiểu rằng có nhiều cách để tăng trách nhiệm và quyền lợi như thăng tiến, luân chuyển nội bộ, làm thêm dự án mới – mỗi cái đều có ưu, khuyết khác nhau.
- Trao đổi với công ty. Tôi thường đề nghị một buổi chia sẻ cởi mở với cấp trên để cùng nhau tìm giải pháp.
Sau khi dành đủ thời gian “cân đo đong đếm”, tôi mới chọn ở lại hay tìm kiếm cơ hội ở nơi mới.
4 “red flag” cho thấy bạn cần công việc mới
Với tôi, đoạn tự đánh giá quan trọng vì nó kích hoạt những bước đi kế tiếp. Người đi làm có thể muốn nộp đơn xin nghỉ vì hàng nghìn lý do. Theo kinh nghiệm và quan sát cá nhân, tôi nhận thấy có 4 dấu hiệu phổ biến cần chú ý như sau:
Cảm thấy lương không xứng đáng với năng lực
Tôi từng đảm nhiệm một vị trí với trách nhiệm ngày càng cao qua thời gian.
Việc được làm nhiều nghĩa là tôi có thêm cơ hội tích lũy kỹ năng. Tiếc thay, với thời gian và công sức tôi bỏ ra gần như gấp đôi, mức lương vẫn giữ nguyên. Công ty cũng không có kế hoạch review trong tương lai gần.
Tôi không ủng hộ việc ai đó đột nhiên muốn tăng lương cho bằng bạn bằng bè. Nhưng, điều tôi luôn tâm niệm là lương thưởng nên tương xứng với những gì người lao động đóng góp.
Hậu Covid-19, thị trường tuyển dụng đã nóng dần lên. Trong khảo sát tháng 8/2021, Navisgo cho biết khoảng 50% doanh nghiệp ở Việt Nam sẽ tuyển nhân viên hoàn toàn mới.
Vì vậy, nếu công ty không có chính sách tăng lương hay mở rộng khả năng của bạn, có lẽ đã đến lúc bạn thử sức ở không gian mới.
Thường xuyên kiệt sức
Kiệt sức (burn out) là một dấu hiệu cho thấy môi trường làm việc hiện không thực sự ổn.
WHO định nghĩa burn out là hội chứng xuất hiện bởi căng thẳng mạn tính không kiểm soát được ở nơi làm việc, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và sức khỏe nhân viên.
Vì lịch trình hầu như không có khoảng nghỉ, đã có lúc tôi liên tục mệt mỏi, mất ngủ. Khi mới ra trường, tôi thậm chí từng sợ hãi mỗi lần đi ngang tòa nhà văn phòng.
Sau này nhìn lại, tôi học được rằng không công việc nào đủ xứng đáng để chúng ta đánh đổi sức khỏe thể chất và tinh thần. “Work-life balance” (cân bằng giữa “làm” và “sống”) là lựa chọn khả thi, chỉ cần mình quyết tâm.
Không còn học được điều gì mới
Ngược lại với làm việc đến kiệt sức là tình trạng nhàm chán trong công việc.
Vào mùa thấp điểm, ví dụ như khi chiến dịch kết thúc và khối lượng task giảm đi, chúng ta có thể vui vì được nghỉ ngơi vài ngày.
Tuy nhiên, nếu đã xử lý task nhuần nhuyễn từ năm này qua năm kia mà không có thử thách để học hỏi, tôi tin bạn sẽ sớm chán nản việc mình làm.
Cảm giác đó có thực. Nó xảy ra khi ta mất động lực chinh phục khó khăn và tạo ra thành tựu; hoặc khi bạn thấy mình không phát triển kỹ năng mới và luôn làm việc “dưới sức”.
Nhận ra bản thân đủ trưởng thành để nhận nhiệm vụ lớn hơn là tín hiệu cho thấy sự thay đổi khá cần thiết.
Không được là chính mình ở văn phòng
Vấn đề này xảy ra khi tôi công tác ở một tập đoàn lớn. Đi làm hơn 8 tiếng/ngày, việc phải giả vờ là người khác để phù hợp với văn hóa công ty thực sự ảnh hưởng nặng đến tâm lý và chất lượng công việc.
Sau đó, tôi đến một doanh nghiệp nơi ý kiến cá nhân được tôn trọng, lắng nghe. Tại đây, tôi được là chính mình và phát huy năng lực tốt hơn.
Mong muốn đi “đôi giày” vừa vặn, đúng với kỳ vọng là hợp lý. Dù vậy, trường hợp nào cũng cần sự suy xét nghiêm túc và thái độ đúng mực.
Đến hiện tại, tôi hiểu được:
- Cảm giác không vui trong công việc là điều bình thường. Nếu một công việc fulltime chia thành 10 phần, chỉ cần 3 vui, 2 buồn, 5 trung lập là đủ để mình ở lại.
- Không có công ty hoàn hảo, chỉ có môi trường phù hợp với mình ở thời điểm, hoàn cảnh nhất định.
Kết thúc chương cũ để bắt đầu giai đoạn mới, điều quan trọng là ta hiểu ngọn ngành và làm chủ hướng đi. Tôi vui vì hành trình đã qua, và ít nhất là tôi chưa bao giờ hối hận với quyết định của mình.
Nguồn: News.zing.vn