4 yếu tố làm nên một chiến dịch tiêm chủng Covid-19 thành công

0
66

TS. Nguyễn Thu Anh cho rằng chiến dịch tiêm chủng thành công cần phải an toàn, hiệu quả, đạt được miễn dịch cộng đồng trong thời gian ngắn nhất và duy trì được miễn dịch.

Việt Nam trải qua ngày 17/6 với số lượng bệnh nhân mắc mới Covid-19 kỷ lục là 515 ca. Cũng trong ngày này, có thêm 200.263 người được tiêm vaccine phòng Covid-19 tại 51 tỉnh/thành phố, theo thống kê của Bộ Y tế.

Tính đến 16h chiều ngày 18/6, Việt Nam đã tiêm 2.233.208 liều vaccine phòng Covid-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine là 105.856 người.

Trong bối cảnh tốc độ tiêm vaccine của Việt Nam đang chạy đua với làn sóng Covid-19 thứ 4, TS. Nguyễn Thu Anh – Giám đốc Quốc gia của Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, giảng viên Lâm sàng cao cấp Đại học Sydney, Australia – nhận định, để chương trình tiêm chủng thành công, chính phủ cần lưu ý 4 tiêu chí quan trọng.

“Đó là an toàn, hiệu quả, đạt được miễn dịch cộng đồng trong thời gian ngắn nhất và duy trì được miễn dịch cộng đồng này”, TS. Nguyễn Thu Anh nói trong tọa đàm trực tuyến ngày 19/6.

tiem chung Covid-19 anh 1

Nhân viên y tế TP Thủ Đức tiêm vacicne Covid-19 cho người dân ở TP.HCM ngày 19/6. Ảnh: Duy Hiệu.

Linh hoạt thay đổi ưu tiên theo diễn biến dịch bệnh

Theo TS. Nguyễn Thu Anh, có rất nhiều chỉ số đo lường mức độ hiệu quả của chương trình tiêm chủng, bao gồm hiệu quả giảm lây nhiễm trong cộng đồng, hiệu quả giảm xác suất bị bệnh nặng hoặc xác suất tử vong, hay đặc biệt là mức độ hiệu quả đối với chủng virus đang lưu hành ở tại quốc gia đó.

Trong phiên họp chính phủ ngày 29/5, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết chủng virus SARS-CoV-2 phổ biến trong đợt dịch này tại Việt Nam là chủng Delta (từ Ấn Độ). Đây là biến chủng có các dấu hiệu làm tăng khả năng lây nhiễm và bệnh tăng nặng hơn so với các đợt dịch trước.

TS. Nguyễn Thu Anh cho rằng khi triển khai tiêm chủng, Việt Nam cần lựa chọn loại vaccine phù hợp cho từng giai đoạn dịch tễ nhất định trong nước, dựa trên khả năng tiếp cận nguồn cung vaccine.

“Chúng ta cũng phải tính toán đến việc ưu tiên về hiệu quả giảm lây nhiễm ở thời điểm hiện tại, hay là hiệu quả để phòng các ca bệnh nặng và các ca tử vong”, chuyên gia này nhận định.

Cũng tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Thành – giảng viên Đại học Fulbright, cán bộ nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Ash về Quản trị Dân chủ và Đổi mới, Trường Harvard Kennedy – cho rằng chính phủ cần bổ sung danh sách đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 trong Nghị quyết số 21/NQ-CP để phù hợp với tình hình mới.

Ngoài 9 đối tượng được liệt kê trong nghị quyết, ông Nguyễn Xuân Thành đề xuất bổ sung thêm hai yếu tố khác, là ưu tiên tiêm chủng theo địa phương, và ưu tiên theo nhóm đối tượng lao động. Như vậy, danh sách mới nên bao gồm 11 đối tượng ưu tiên.

“Những nơi đông dân như TP.HCM hay Hà Nội cần được ưu tiên tiêm trước. Bởi nếu như thành phố bị bùng dịch sẽ ảnh hưởng đến cả nước. Và điều này đã được minh chứng trong những ngày gần đây”, ông Thành giải thích.

Theo TS. Nguyễn Thu Anh, chính phủ cũng cần phải dành ưu tiên tiêm chủng cho khu vực biên giới.

“Nếu chúng ta kiểm soát được dịch ở Bắc Ninh, Bắc Giang mà biên giới vẫn không thể kiểm soát chặt chẽ, các khu cách ly dành cho những người từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam vẫn có sai sót, thì ở đấy vẫn có nguy cơ lây dịch vào trong cộng đồng”, chuyên gia này nhận định.

tiem chung Covid-19 anh 2

Loại vaccine được tiêm cho người dân tại TP.HCM từ ngày 19/6 là của AstraZeneca. Ảnh: Chí Hùng.

Tuy chưa thay đổi trên giấy tờ pháp lý, ông Thành cho rằng chính phủ đã có sự thay đổi trên thực tế về các thứ tự ưu tiên này, vì những ngày gần đây, chương trình tiêm chủng bắt đầu được đẩy mạnh ở TP.HCM và các khu công nghiệp tại những địa phương khác.

“Những người lao động phải trực tiếp đến nơi sản xuất, chế tạo trong khu công nghiệp, phải tập trung đông người, nên được ưu tiên hơn các lao động có thể làm từ xa, có thể giảm được rủi ro lây nhiễm”, ông Nguyễn Xuân Thành nhận định.

TP.HCM bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 lớn nhất lịch sử vào ngày 19/6. Những người đầu tiên được tiêm là lực lượng công nhân tham gia sản xuất.

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết nếu thực hiện đúng tiến độ, trong một ngày, khoảng 200.000 người sẽ được tiêm chủng. Dự kiến, chiến dịch hoàn thành trước ngày 27/6.

Trước đó, 836.000 liều vaccine Astra Zeneca phục vụ chiến dịch tiêm chủng này được chuyển về TP.HCM vào ngày 17/6. Trong đợt phân bổ vaccine Covid-19 lần thứ 5, Bộ Y tế đã ưu tiên hơn 80% số liều cho TP.HCM.

Miễn dịch cộng đồng có “duy trì cả đời”?

Theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam đặt mục tiêu cuối năm 2021 – đầu năm 2022 đạt miễn dịch cộng đồng, với ít nhất khoảng 70% dân số được tiêm vaccine phòng Covid-19 để đưa cuộc sống trở lại bình thường.

TS. Nguyễn Thu Anh nhận định để đạt được mục tiêu này trong thời gian ngắn, Việt Nam cần huy động hệ thống tiêm chủng rộng khắp cả nước. Ngoài các điểm tiêm chủng cố định, chính phủ có thể nghiên cứu, thiết lập thêm các điểm tiêm chủng di động.

Nhưng để đảm bảo an toàn cho người dân, Bộ Y tế cần có trách nhiệm tập huấn, hướng dẫn cho các cán bộ tiêm chủng về cách xử lý các biến cố bất lợi trong quá trình tiêm chủng.

Đồng thời, Bộ cần có một hệ thống hỗ trợ cho các điểm tiêm chủng ở tuyến dưới, như thiết lập các xe cấp cứu di động trong các khu vực nhất định để có thể đi qua và hỗ trợ cho nhiều điểm tiêm chủng.

Theo chuyên gia của Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, miễn dịch cộng đồng có thể sẽ “không duy trì cả đời”.

“Chúng ta không biết chắc liệu tiêm xong một, hai liều thì miễn dịch duy trì được bao lâu? 6 tháng, 1 năm, 2 năm hay cả đời?”, TS. Nguyễn Thu Anh đặt câu hỏi trong buổi tọa đàm.

tiem chung Covid-19 anh 3

Nhân viên một công ty ở Khu Công nghệ cao, phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức chờ được tiêm vaccine Covid-19 ngày 19/6. Ảnh: Duy Hiệu.

Theo Liên minh Toàn cầu về Tiêm chủng và Vaccine (Gavi), chỉ thông qua việc sử dụng vaccine Covid-19 trên diện rộng, con người mới có thể hiểu rõ hơn về khả năng ngăn ngừa lây nhiễm và thời gian duy trì miễn dịch nhờ vaccine. Do đó, vẫn còn quá sớm để kết luận chính xác những loại vaccine Covid-19 hiện nay có thể bảo vệ con người trong bao lâu, và có cần tiêm nhắc lại hay không.

Vào ngày 1/4, Pfizer và BioNTech xác nhận khả năng miễn dịch từ vaccine RNA của hãng này ở mức 91,3% sau 6 tháng từ khi tiêm mũi thứ hai.

Tương tự, Moderna cũng đưa ra bằng chứng cho thấy vaccine của hãng có hiệu quả miễn dịch 94% sau 6 tháng từ khi tiêm mũi thứ hai.

Dấu mốc 6 tháng này là một cột mốc quan trọng mà cả hai nhà sản xuất đề cập và từ đó tiếp tục theo dõi giám sát, theo Gavi.

Trong bối cảnh chưa thể đảm bảo chắc chắn về tính lâu dài của miễn dịch cộng đồng, TS. Nguyễn Thu Anh khuyến nghị Việt Nam cần có một chiến lược để đảm bảo nguồn vaccine lâu dài trong nhiều năm.

“Các loại vaccine này phải được lựa chọn tùy theo tình hình các biến chủng đang lưu hành trên thế giới, chứ không chỉ dựa trên biến chủng đang lưu hành ở Việt Nam. Vì dù chúng ta đã được tiêm phòng vaccine, việc mở cửa trở lại sẽ mang đến nguy cơ những người mắc các biến chủng khác chưa từng xuất hiện ở Việt Nam mang nó đến đây và gây ra một ổ dịch mới”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Cập nhật tình hình Covid-19

Xem chi tiết

Số ca lây nhiễm cộng đồng từ 27/4/2021

9.266Ca nhiễm

Tỉnh Hôm nay Tổng số ca
Hà Nội 0 464
Bắc Ninh 15 1485
Vĩnh Phúc 0 92
Đà Nẵng 1 159
Bắc Giang 9 5092
Hà Nam 0 48
Hưng Yên 0 37
TP.HCM 40 1346
Yên Bái 0 1
Quảng Nam 0 3
Đồng Nai 0 1
Hải Dương 0 51
Thái Bình 0 21
Quảng Ngãi 0 1
Lạng Sơn 0 102
Thanh Hóa 0 5
Điện Biên 0 58
Nam Định 0 6
Nghệ An 13 19
Phú Thọ 0 5
Quảng Ninh 0 1
Hải Phòng 0 3
Thừa Thiên Huế 0 5
Đắk Lắk 0 4
Hòa Bình 2 9
Quảng Trị 0 3
Tuyên Quang 0 1
Sơn La 0 1
Ninh Bình 0 4
Thái Nguyên 0 3
Long An 0 11
Bạc Liêu 0 1
Gia Lai 0 1
Tây Ninh 0 1
Đồng Tháp 0 1
Trà Vinh 0 2
Hà Tĩnh 1 77
Tiền Giang 3 43
Bình Dương 12 56
Bắc Kạn 0 2
Lào Cai 1 1

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn