45 ngày tình nguyện hỗ trợ chống dịch của sinh viên ở lại TP.HCM

0
44

Phân loại 5 tấn rau củ, chuẩn bị 800 phần quà hỗ trợ, cắt tóc giúp nhau… là những kỷ niệm trong thời gian làm tình nguyện viên ở TP.HCM của Gia Nguyên và Phương Nam.

Ngô Thị Phương Nam (quê Bình Phước) và Trần Hoàng Gia Nguyên (quê Trà Vinh) là sinh viên năm 2, ĐH Luật TP.HCM. Nhận thấy tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, cả hai đã đăng ký tham gia đội hình xung kích, hỗ trợ công tác chống dịch, do nhà trường tổ chức, dưới sự điều phối của Quận đoàn 4, TP.HCM.

Không về quê, ở lại thành phố, Phương Nam và Gia Nguyên thường dậy sớm để chuẩn bị công tác hỗ trợ chống dịch. Bên cạnh công việc đã được phân công, cả hai luôn trong tư thế sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ đột xuất như sắp xếp quà hỗ trợ F0, phân loại rau củ.

Sinh vien o lai TP.HCM ho tro chong dich anh 1

Đội hình tình nguyện của Gia Nguyên và Phương Nam.

Buổi sáng bắt đầu từ 5h40

Dưới sự ủng hộ của gia đình, Phương Nam đã đăng ký tham gia tình nguyện chống dịch và không về quê. Trong khoảng thời gian ở lại thành phố, nữ sinh đã hỗ trợ nhập liệu, điều phối lấy mẫu xét nghiệm Covid-19; điều phối tiêm vaccine; tham gia gian hàng siêu thị 0 đồng và phân loại rau củ tiếp tế.

Mỗi ngày, Phương Nam đều dậy từ 5h40. Ăn sáng xong, nữ sinh sẽ có mặt tại địa điểm được phân công và bắt đầu công việc. Đến 17h30, sau khi hoàn thành nhiệm vụ được giao, Nam sẽ trở lại Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận 4 để nghỉ ngơi.

Đối với nỗi lo về nguy cơ tiếp xúc với các F0, F1, khi người dân đến các điểm xét nghiệm và tiêm vaccine quá đông, Phương Nam đều tự trấn an bản thân và thực hiện đầy đủ các quy định phòng dịch.

Từ khi TP.HCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, để đảm bảo an toàn phòng dịch cho bản thân và mọi người, nữ sinh đã không về phòng trọ của mình. Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận 4 trở thành nơi ở của Nam trong khoảng thời gian này.

Phòng của Phương Nam ở Nhà Văn hóa có 3 thành viên. Sau khi xong việc hỗ trợ, tận dụng thời gian rảnh vào buổi tối, nữ sinh sẽ tự học hoặc gọi điện thoại cho gia đình ở Bình Phước. Những cuộc gọi này đã giúp tinh thần của Nam tốt hơn.

Những nhiệm vụ đột xuất trong đêm

Chia sẻ với Zing, Phương Nam cho biết, thời gian đầu, tham gia hỗ trợ công tác chống dịch, Quận đoàn 4 nhận được nhiều rau củ tiếp tế cho TP.HCM. Tuy nhiên, do quá trình vận chuyển đường dài, nên rau trong thùng xe tải đã bị hư thối. Nữ sinh cùng nhiều tình nguyện viên khác phải nhặt 5 tấn rau bị hư để phân loại.

“2h sáng, sau khi các bạn nam lấy rau về, em và các bạn còn lại sẽ ngồi nhặt và phân loại rau củ. Mặc dù rau bị hư thối có mùi rất ghê nhưng ai cũng làm việc hăng say. Hiện tại, rau củ hỗ trợ đã được đảm bảo độ tươi ngon và hạn chế hư thối nhưng đây vẫn là kỷ niệm đáng nhớ đối với em”, Phương Nam nói.

Sinh vien o lai TP.HCM ho tro chong dich anh 6

Bàn tay của các tình nguyện viên sau khi bốc vác rau củ được hỗ trợ.

Công việc cả ngày ở địa điểm hỗ trợ chống dịch đã làm nhiều tình nguyện viên mệt mỏi. Tuy nhiên, thời gian buổi tối, Phương Nam vẫn tận dụng để giúp sức vào các công việc khác nhau.

“Có hôm, chúng em phải hoàn thành 800 phần quà cho F0 ở TP.HCM trong một buổi tối. Do cả ngày hỗ trợ nhập liệu, nên ai còn khỏe sẽ ra phụ gói quà. Mất 2 tiếng đồng hồ chúng em mới gói đủ số lượng quà yêu cầu, mệt nhưng vui lắm”, nữ sinh chia sẻ.

Để bớt cảm giác căng thẳng khi tham gia nhập liệu, điều phối xét nghiệm, tiêm vaccine, Phương Nam cùng bạn bè hay mở nhạc để nghe, hoặc quay clip tuyên truyền phòng chống dịch.

Ở Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận 4, nữ sinh quê Bình Phước và các bạn trong phòng thường đàn, hát cho nhau nghe để vơi đi cảm giác nhớ nhà.

“Tham gia tình nguyện, mọi người coi nhau như gia đình vậy. Khi một người bị cảm hay mệt thì đều nhận được sự lo lắng quan tâm của các thành viên còn lại. Lúc em bị đau đầu, mọi người đều lo và mua thuốc cho em”, Nam nói.

Một tông đơ cắt tóc cho 10 người

Là đội trưởng của Phương Nam, khi tham gia hỗ trợ chống dịch ở TP.HCM, Trần Hoàng Gia Nguyên phải đảm nhận nhiều công việc hơn.

Mỗi buổi tối, nam sinh đều sắp lịch phân công tình nguyện viên đi hỗ trợ tại các địa điểm cho ngày hôm sau. Nguyên cũng phải giữ liên lạc thường xuyên với nhà trường và Quận đoàn để báo cáo tình hình chiến sĩ tham gia hỗ trợ chống dịch.

Hiện tại, Gia Nguyên đã chuyển vào ở tại cơ quan Quận đoàn, không về lại nhà trọ của mình, để đảm bảo an toàn phòng dịch và thuận tiện cho các công việc đột xuất vào ban đêm.

Đối với Nguyên, kỷ niệm đáng nhớ nhất là quá trình 10 thành viên trong Quận đoàn 4 thay phiên cắt tóc cho nhau. Do chỉ có một chiếc tông đơ hay hết pin, khoảng 5 đến 10 phút sẽ không hoạt động được, nên cả đội của Nguyên phải đợi sạc xong, rồi mới cắt tóc tiếp cho nhau. Cứ như vậy, 10 người phải tốn thời gian cả ngày để hoàn thành xong nhiệm vụ cắt tóc.

Với Gia Nguyên, công tác phòng, chống dịch có nhiều ý nghĩa. Nam sinh rất vui vì bản thân có thể làm được nhiều việc có ích trong khoảng thời gian này.

“Khi đem từng hộp cơm, nhu yếu phẩm đến tay của người dân đang trong khu cách ly, phong tỏa không thể đi ra ngoài. Khoảnh khắc người dân cầm trên tay thức ăn, nhu yếu phẩm, niềm vui trong ánh mắt của họ đã làm em rất xúc động”, Nguyên nói.

Tham gia tình nguyện viên hơn 45 ngày qua, Gia Nguyên và Phương Nam mong muốn người dân tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch; thực hiện tốt nguyên tắc 5K của Bộ Y tế. Cả hai đều hy vọng thành phố sẽ sớm quay lại với cuộc sống bình thường và có thể thực hiện dự định về thăm nhà sau khoảng thời gian xa cách.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn