48 giờ “phải lòng” vùng đất Tây Nguyên

0
48 giờ “phải lòng” vùng đất Tây Nguyên

Mảnh đất Tây Nguyên vẫn được người xê dịch phía Bắc khát khao chinh phục bởi có nhiều nét hoang sơ vầ rất mới lạ với nhiều người vốn chỉ quen đến những nơi du lịch có biển. Tây Nguyên với đặc sản là những con đường đất đỏ, khí hậu mát mẻ, những rừng cây rộng lớn…chưa bao giờ làm thất vọng những dân phượt khó tính.

Đung đưa hồ Lắk

Chị Trần Thị Bích Ngọc (SN 1978, nhà tại Phố Nguyễn Sơn, Hà Nội) cùng nhóm bạn học đại học hơn 20 năm trước muốn gặp nhau, ôn lại những kỷ niệm thủa sinh viên đã quyết định hoãn các công việc của bản thân và gia đình lại cùng làm một chuyến phượt Đắk Lắk.

48 giờ "phải lòng" vùng đất Tây Nguyên - 1

Ngồi cùng hàng ghế với chị trên chuyến bay, khi nghe cơ trưởng thông báo thời gian bay từ cảng hàng không Nội Bài tới sân bay Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, chỉ là 90 phút bay chị Ngọc đã chia sẻ: “Mặc dù tôi cũng đi du lịch thường xuyên trong nước và quốc tế nhưng chưa  bao giờ được đặt chân đến Tây Nguyên nên cũng rất háo hức muốn khám phá vùng đất mới lạ và nhiều nét văn hóa của đồng bào nơi đây”. Chị Ngọc cũng cho biết thêm mọi thông tin về những điểm du lịch ở Đắk Lắk chị đều biết rất hạn chế, vì cũng chưa một lần tìm thông tin ở trên  mạng.

Khi máy bay đáp xuống cảng hàng không Buôn Ma Thuột, rời khỏi cầu thang khi đặt chân xuống sân bay, những hành khách đã được đón chào bằng những cơn gió phần phật, một cảm giác mát rất dễ chịu.

Mặc dù mùa này Hà Nội cũng đã vào thu, thời tiết mát mẻ, nhưng chị Nguyễn Thị Thu Thủy (39 tuổi, Trường Chinh, Hà Nội)  vần òa lên vì thích thú về không khí xung quanh vô cùng mát mẻ, xóa tan cái cảm giác ngái ngủ khi thức dậy từ sớm và sau những giờ gật gà trên máy bay. 

Địa điểm đầu tiên được nhóm của chị Ngọc lựa chọn là hồ Lắk, thuộc huyện Lắk, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 56km theo hướng quốc lộ 27 đi Đà Lạt, trên đường hành trình đến hồ nước được mệnh danh là con mắt cao nguyên.

48 giờ "phải lòng" vùng đất Tây Nguyên - 2

Chúng tôi được anh Trần Thế Hùng, lái xe kiêm thổ địa ở nơi đây cho biết, đây là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Tây Nguyên và có diện tích lớn thứ 2 cả nước, rộng hơn 1200ha sau hồ Ba Bể, Bắc Kạn. Xung quanh hồ là địa bàn sinh sống của đồng bào M’Nông với buôn Jun nổi tiếng. Do quá say mê vẻ đẹp của hồ nước tự nhiên này, nên năm 1951, Vua Bảo Đại đã cho xây dựng một căn biệt thự để nghỉ dưỡng, hiện nay vẫn đón khách tham quan hàng ngày.

Câu chuyện của những lữ khách từ thủ đô còn đang tưng bừng thì hồ Lắk đã hiện ra trước mắt. Điểm trung tâm để ngắm hồ đẹp nhất phải là từ biệt thự của Bảo Đại. Đi theo con đường xoắn ốc, biệt thự Bảo Đại tọa lạc trên một quả đồi trung tâm. Đây là một kiến trúc hiện đại, với tòa dinh thự cao 3 tầng rộng khoảng hơn 200m2. Từ đây có thể phóng tầm mắt nhìn ra cảnh hồ vô cùng hùng vĩ.

Dưới chân những dãy núi cao, hồ Lắk  vẫn giữ được vẻ nguyên sơ như thủa hồng hoang, vì rừng xung quanh, và mặt nước chưa bị khai thác kiểu vắt kiệt, hay mạnh ai người đó làm kiểu ta vẫn thường gặp ở nhiều khu du lịch. 

Cô hướng dẫn viên du lịch của tòa nhà giới thiệu đây là ngôi biệt thự mà đích thân Nam Phương hoàng hậu, đã đứng ra xây cất, để bà và vua Bảo Đại ở đây nghỉ ngơi và phục vụ thú săn bắn của nhà vua. Có những năm Bảo Đại đã lưu lại ở Đắk Lắk đến 6 tháng.

Nhưng hồ Lắk có lẽ là độc nhất vô nhị ở nước ta. Để du khách phám phá, ngoài thuyền độc mộc ra thì cưỡi voi đung đưa trên mặt hồ mới là một nét độc đáo.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, một công chức của Hà Nội, lần đầu tiên được ngồi trên lưng voi, sau những thoáng mất bình tĩnh đã được quản tượng Y Long, 21 tuổi trấn an: “Chị yên tâm, voi với người Tây Nguyên hiền lắm, luôn hiểu và làm việc tốt với nhau”.

Ngồi trên lưng voi, phóng tầm mắt xa ngút ngàn, chị Hạnh cho biết: “Đây đúng là cảm giác lạ, được lắc lư đung đưa trên mặt nước mà không phải đi thuyền, mà là trên lưng voi, vô cùng ấn tượng”.

Chị Hạnh chia sẻ thêm, trước kia chỉ nghe về Đắk Lắk những núi cùng rừng, chưa bao giờ tưởng tượng lại có một hồ nước rộng lớn và những chú voi thân thiện như thế này, và chị tin chắc rằng rất nhiều du khách đến Tây Nguyên mà trải qua cảm giác đung đưa trên lưng voi giữa mặt hồ như thế này sẽ nhớ mãi.

Sau chuyến đi trên lòng hồ, quản tượng Y Long chia sẻ: “Vào dịp lễ 2.9, cả 17 con voi ở đây đều “đi trực”. Tuy cả voi và người đều vất vả, có khi không đủ thời gian để ăn trưa, nhưng tất cả đều rất vui vì được phục vụ và giới thiệu vùng đất quê hương, và những nét đặc trưng của người Tây Nguyên với bà con cả nước”.

Trung Nguyên không chỉ có cà phê

Nói đến Đắk Lắk thì không thể bỏ qua điểm du lịch nổi tiếng Buôn Đôn. Cũng vẫn đặc sản cưỡi voi lội sông Sêrêpôk với nét Tây Nguyên thuần khiết. Nhưng chính về sự quá nổi tiếng, nên ai đến Đắk Lắk cũng ghé qua Buôn Đôn, vì vậy chẳng cần phải viết thông tin gì thêm thì dân phượt cũng sẽ không thể bỏ qua địa điểm du lịch đặc trưng này.

Buôn Ma Thuột có thể coi là thành phố của cà phê, vì quán nào cũng ngon và đậm đà mà gí thì khá đễ chịu. Nhưng ta không thể không đến làng cà phê Trung Nguyên thì đúng là chưa khám phá đủ của vị và văn hóa cà phê nơi này. 

Mặc dù hiện nay Trung Nguyên đang nằm trong cơn bão của dư luận về mối quan hệ của vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ  với Lê Hoàng Diệp Thảo. Nhưng nếu bỏ qua những điều ngoài đời đó, thì ta đến với làng cà phê Trung Nguyên thì đều cảm nhận được rằng đây không chỉ có cà phê, mà chính xác là địa điểm du lịch, văn minh và tao nhã bậc nhất Tây Nguyên vì nó hoàn toàn không có rượu bia và sự ô nhiễm tiếng ồn.

Lần đầu tiên đến làng cà phê Trung Nguyên với những ngôi nhà gỗ, mái ngói được xây dựng rất đẹp, những tiểu cảnh là sự kết hợp của đá, cùng những cây cảnh và hoa khá hài hoa và vô cùng bắt mắt, chị Lê Việt Đức (40 tuổi, người Hải Phòng) mải mê chụp ảnh đến mức gần 1 tiếng sau mới ngồi xuống bàn đề gọi nhân viên phục vụ.

Chị cho biết: “Đấy đúng là một thế giới cà phê hội tụ, trên những lối vào là những cây cà phê trĩu quả, lạc vào đây là mùi hương cà phê rang thơm đến ngất ngây, và quan trọng nhất là được thưởng thức ly cà phê đúng chất Trung Nguyên”.

48 giờ "phải lòng" vùng đất Tây Nguyên - 3

Ngồi ngắm thác nước chảy, trong tiếng gió rì rào của cao nguyên, nơi bầu trời xanh lồng lồng, cảm nhận được sự tinh tế của vị cà phê đang tan vào cơ thể mình, và nói những câu chuyện tâm tình với những người bạn thân đúng là một sự dễ chịu đến khó tả. 

Khi chúng tôi đang thả hồn vào những câu chuyện không đầu không cuối, thì từ quầy lễ tân cố nhân viên bê ra một khay ngô khoai sắn, với lời mời dễ thương.

Cái cảm giác lần đầu đến Trung Nguyên mà được chăm sóc chu đáo như ở nhà người thân dành cho nhau vậy khiến du khách ấn tượng và nhớ mãi. Nơi này không chỉ có cà phê cực ngon, sự phục vụ vô cùng dễ chịu, và những nét văn hóa, trong mỗi cảnh sắc mà Trung Nguyên thể hiện ở trong ngôi làng cà phê khiến ai cũng cảm nhận được, Trung Nguyên không chỉ có cà phê ngon, mà có cả văn hóa và chữ nghĩa sâu lắng khiến người ta phải nhớ mang về theo sau một hành trình chớp nhoáng.

Nguồn: 24H.COM.VN