Khoa học, công nghệ ngày càng phát triển nhưng nhiều công trình cổ đại vẫn là bí ẩn với con người. Chính điều này đã thu hút du khách đến khám phá và chiêm ngưỡng các kỳ quan.
Nan Madol (Micronesia): Thuộc quốc gia Micronesia phía nam Thái Bình Dương, công trình đá Nan Madol được xây dựng trên một rạn san hô thuộc đảo Pohnpei. Một mạng lưới kênh rạch tự nhiên nối các đảo nhỏ của khu tổ hợp cổ đại có lịch sử từ những năm 1200 sau Công nguyên này. Ảnh: Elite Readers. |
Các nhà khoa học chưa tìm ra nhiều kiến trúc kỳ lạ trên đảo Nan Madol. Những tảng đá lớn ở đây quá nặng để có thể được đưa vào vị trí mà không có các dụng cụ cơ khí. Nhiều giả thuyết và đồn đại về công trình này đã xuất hiện, từ đây là sản phẩm của phép thuật đến di chỉ của một nền văn minh đã mất tích. Tuy nhiên, sự thật đến nay vẫn còn là một ẩn số. Ảnh: ShareAmerica. |
Skara Brae (Scotland): Nằm trên đảo Orkney, Skara Brae ở tình trạng tương đối tốt dù được cho là có lịch sử lâu đời hơn cả kim tự tháp Giza (Ai Cập). Ước tính, các cấu trúc ở đây khoảng 5.000 năm tuổi và được mệnh danh là “Pompeii của Scotland” vì giữ được trạng thái nguyên sơ, dù đã bị bỏ hoang hàng nghìn năm trước. Ảnh: Orkney. |
Nơi này đã đem lại cho các nhà nghiên cứu nhiều kiến thức về cuộc sống ở Scotland trong thời Đồ Đá Mới, nhưng lịch sử của công trình và lý do Skara Brae bị bỏ hoang vẫn còn là một ẩn số. Hài cốt con người, tượng và đầu bò tìm thấy trong một tòa nhà biệt lập khiến họ đặt ra giả thuyết đây là một khu tế lễ. Ảnh: NorthLink Ferries. |
Tượng đá đảo Phục Sinh (Chile): Một trong những quần thể tượng bí ẩn nhất thế giới nằm trên đảo Phục Sinh, cách đất liền tới hơn 1.800 km. Các bức tượng đầu người khổng lồ, moai, được cư dân trên đảo tạc từ đá vào khoảng thế kỷ 13-16. Đến giờ, chưa ai biết chính xác chúng được chế tác và vận chuyển như thế nào với moai lớn nhất nặng tới 82 tấn. Ảnh: The Independent. |
Nhiều nhà khoa học cho rằng các moai mô phỏng khuôn mặt của tổ tiên bộ tộc người trên đảo và được đặt có chủ đích. Họ phân tích vị trí của tượng và thấy chúng được đặt gần các tầng ngậm nước và khu vực nước ngọt chảy ra biển, giúp người dân nhận biết nơi nào có nước uống được. Tuy nhiên, đến giờ đó vẫn chỉ là giả thuyết và chưa được xác thực. Ảnh: Easter Island Travel. |
Stonehenge (Anh): Cùng với những bức moai, vòng tròn đá Stonehenge ở Wiltshire, Anh, là một trong những công trình bí ẩn nhất thế giới. Các nhà khảo cổ tin rằng những cột đá khổng lồ ở đây được dựng khoảng 4.000-5.000 năm trước, nhưng chưa ai có thể tìm được mục đích của vòng tròn này. Ảnh: Discovering Britain. |
Một số cho rằng đây là khu vực mang tính tôn giáo, được dùng để chôn cất và tế lễ. Đến giờ, người hiện đại vẫn chưa biết cách thức những tảng đá khổng lồ này được vận chuyển và đặt chồng lên nhau như thế nào. Ảnh: Shropshire Star. |
Pumapunku (Bolivia): Pumapunku nằm trong khu khảo cổ Tiwanaku trên dãy Andes của Bolivia. Cách hồ Titicaca nổi tiếng một đoạn không xa, những khối đá Pumapunku nằm giữa một trong những bí ẩn lịch sử thú vị nhất của Nam Mỹ. Vị trí và các hình chạm khắc trên đá rất chuẩn xác, như khi được cắt bằng laser ở thời hiện đại. Ảnh: Indiakitchencongress. |
Chất lượng nghệ thuật của công trình này dẫn đến nhiều giả thuyết về nguồn gốc của chúng, từ là sản phẩm của người ngoài hành tinh đến di tích của một xã hội siêu việt đã biến mất. Một số người cho rằng có thể những khối đá này không phải tự nhiên mà được đúc bằng một dạng hỗn hợp và khuôn. Số khác cho rằng có thể những người thợ thủ công cổ xưa đã dùng phương pháp đặc biệt mà các nhà khảo cổ chưa tìm ra. Ảnh: Truedisclosure. |
Nguồn: News.zing.vn