Hơn 7.400 người trên các chòi canh được sơ tán. Năm tỉnh, thành phố cấm toàn bộ tàu bè ra khơi từ chiều 12/6 để ứng phó bão số 2.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 2, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai – Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cho biết tính đến 18h ngày 12/6, còn 267 tàu đang hoạt động trên Vịnh Bắc Bộ thuộc khu vực nguy hiểm.
Các tàu này đã nhận được thông báo và đang di chuyển vào bờ. Trong đó Thanh Hóa có 20 tàu; Nghệ An 135; Quảng Ngãi 111 và Bình Định có một tàu.
5 tỉnh là Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình đã ra quyết định cấm biển. Những địa phương này đã sơ tán hơn 7.400 người trên các chòi canh.
Dự báo đường đi bão số 2 của cơ quan khí tượng Nhật Bản và Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. Ảnh: JMA và VNDMS. |
Tại Quảng Ninh, UBND tỉnh yêu cầu Sở GTVT chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn tại các tuyến giao thông trọng điểm như đường cao tốc, cầu Bãi Cháy, cầu Bạch Đằng… Sở Du lịch được giao nhiệm vụ chỉ đạo rà soát, thông báo cho khách du lịch (nếu có) biết thông tin về bão.
Bên cạnh đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần sơ tán toàn bộ người trên lồng, bè, chòi canh trước 20h ngày 12/6.
Tại Hải Phòng, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP thông báo đình chỉ hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, phà sông, phà biển.
Cùng với đó, Ban Chỉ huy đình chỉ tuyến cáp treo Cát Hải – Phù Long, hoạt động vui chơi, giải trí trên các khu vực biển, ven biển, đảo và ven sông từ 17h cùng ngày để bảo đảm an toàn về người và tài sản trong thời gian có bão số 2.
Cơ quan này cũng thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi tránh trú an toàn.
Tại Thái Bình, chiều 12/6, ông Nguyễn Tiến Thành, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, yêu cầu các cấp, ngành, địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến của bão số 2, kịp thời thông tin để người dân nắm, theo dõi và chủ động phòng tránh.
Cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp khẩn trương rà soát, kiểm tra và chuẩn bị phương án để ứng phó với phương châm “4 tại chỗ”, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Còn ông Lại Văn Hoành, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết toàn tỉnh đã thu hoạch 90% diện tích lúa xuân, dự kiến hết ngày 12/6 cơ bản hoàn thành thu hoạch diện tích còn lại. Diện tích hoa màu đã trồng đạt 10.300 ha, trong đó 2.705 ha đã cho thu hoạch.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương khẩn trương rà soát, thu hoạch toàn bộ diện tích lúa xuân và hoa màu còn lại với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” đề phòng mưa to, gió lớn gây thiệt hại.
Tàu neo đậu tránh bão trên vịnh Hạ Long. Ảnh minh họa: Quốc Nam. |
Trong khi đó, trong công điện khẩn ứng phó với bão số 2, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng phối hợp với UBND các huyện cấm toàn bộ các hoạt động vui chơi, giải trí, các khu du lịch ven biển từ 15h ngày 12/6. Đồng thời, địa phương này cũng kêu gọi người dân khẩn trương thu hoạch lúa vụ Đông – Xuân đề phòng mưa bão gây thiệt hại.
Đến chiều 12/6, toàn tỉnh Nam Định đã thu hoạch 99% tổng diện tích lúa Xuân và thu hoạch trên 9.900 ha hoa màu, đạt 85% tổng diện tích
Tại Ninh Bình, UBND tỉnh có công điện khẩn ứng phó với bão. Trong đó, bên cạnh việc cấm biến, địa phương này cũng cấm toàn bộ các tuyến đò ngang, đò dọc từ 19h ngày 12/6 đến khi bão tan.
Đồng thời, cơ quan chức năng cần tập trung phương án tiêu thoát nước đô thị, khu công nghiệp để hạn chế tình trạng ngập lụt do ảnh hưởng của mưa bão; chủ động triển khai phương án ứng phó với lũ trên các sông, đặc biệt là lũ trên sông Hoàng Long.
Nguồn: News.zing.vn