
Mới đây trên trang cá nhân của mình, “Vua hài đất Bắc” Xuân Hinh đã chia sẻ đoạn video ghi lại khoảnh khắc ông thưởng thức món quà chiều vốn được coi là đặc sản nổi tiếng ở Hải Phòng – món sứa đỏ.
Video có nội dung đơn giản nhưng gần gũi, đã thu hút hơn 5,4 triệu lượt xem cùng lượng tương tác lớn.
Món sứa đỏ được ví như “sashimi phiên bản Việt”, bày bán tại một quán hàng trên phố Thanh Hà (Ảnh: Toàn Vũ).
Được biết, nơi ông ghé qua là một cửa hàng bán món sứa đỏ lâu đời nổi tiếng nằm ở Thanh Hà, gần chợ Đồng Xuân (Hà Nội). Tuy chỉ là một quán hàng nhỏ với những dãy bàn ghế nhựa giản dị nhưng nơi này có thâm niên bán món sứa đỏ hơn 30 năm. Toàn bộ sứa đều được gia đình nhập từ mối quen lâu năm ở Hải Phòng.
Dù không nhận xét nhiều về món ăn nhưng nghệ sĩ Xuân Hinh tỏ ra thích thú khi thưởng thức bữa quà chiều. Món sứa đỏ không ăn riêng lẻ mà sẽ dùng kèm với cùi dừa, đậu phụ nướng, rau sống chấm với mắm tôm pha đậm đà.
Xuân Hinh thưởng thức sứa đỏ (Ảnh cắt từ clip).
Món mắm tôm được pha chế cùng ớt, đường, vắt thêm chanh, quất (tắc) cho bông lên, ăn kèm với chân sứa giòn tan trong miệng, xua tan không khí nồng ẩm của miền Bắc những ngày giao mùa.
Chân sứa giòn sần sật còn thân sứa mềm như thạch. Dù không ướp lạnh nhưng thực khách khi ăn vẫn có cảm giác thanh mát, giúp giải nhiệt hiệu quả.
Tuy nhiên khác với Hà Nội, người dân ở Hải Phòng thường thưởng thức sứa đỏ với thứ nước chấm đặc trưng là bỗng.
Bỗng được nấu từ cà chua, tỏi, ớt, nước cốt dừa, bỗng rượu nếp và cho chút bột sắn để dẻo quyện. Sau cùng, người bán hàng nêm nếm thêm chút gia vị theo công thức riêng để tạo ra loại nước chấm có màu vàng hơi sẫm, có độ đặc, sánh.
Không chỉ ở gần khu vực chợ Đồng Xuân, món sứa đỏ đến nay xuất hiện ở nhiều gánh hàng rong, quán ăn vỉa hè tại Thủ đô, nhưng đều có nguồn gốc từ Hải Phòng.
Ở Hà Nội, nếu muốn thưởng thức món sứa đỏ, thực khách có thể tới Hàng Chiếu, sứa đỏ Bà Ngữ ở Lê Văn Hưu, sứa đỏ Thanh Hà gần chợ Đồng Xuân, sứa đỏ ngõ Gốc Đề…
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị Thanh Hà, chủ một cơ sở chế biến sứa tại Đồ Sơn (Hải Phòng) cho biết, sứa tươi nguyên bản từ biển có màu trắng. Khi sứa còn sống có nhiều độc tố nên phải chế biến, ngâm trong chum vại để loại bỏ độc tố.
Mỗi khu vực ở Hải Phòng sẽ có cách chế biến khác nhau, nhưng riêng vùng Đồ Sơn lại muối sứa với quả sú vẹt, loại quả chỉ sống ở vùng nước lợ ven biển. Tùy theo nhiệt độ mỗi ngày, nếu nắng nóng thì ngâm sứa 7 ngày sẽ dùng được còn thông thường sẽ từ 10 đến 15 ngày. Khi sứa chuyển sang màu đỏ bã trầu có thể ăn được.
Sứa được phân chia thành chân sứa và thân sứa. Cơ sở của chị Hà là nơi chuyên đóng gói, hút chân không để gửi sứa đi khắp các vùng miền. Tuy nhiên do phải vận chuyển nên chị gửi kèm cho khách mắm tôm ăn cùng với sứa. Mỗi ki-lo-gam sứa đỏ sẽ bán giá khoảng 180.000 đồng và thực khách có thể thưởng thức luôn không cần chế biến.
Món ăn này cũng được bán nhiều tại các khu chợ ở Hải Phòng như chợ Cát Bi, An Đà, Cố Đạo. Trong đó, nhiều quán có thâm niên bán trên 30 năm, được nhiều thực khách yêu thích.
Nguồn: Dantri