6 tháng sau khi chết, thi thể thuyền trưởng vẫn ở kho lạnh của tàu

0
6 tháng sau khi chết, thi thể thuyền trưởng vẫn ở kho lạnh của tàu

Những hạn chế chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt đã khiến thi thể một số thủy thủ bị mắc kẹt trên tàu chở hàng và lênh đênh trên biển suốt nhiều tháng.

thuy thu trong dai dich anh 1

Sau 40 năm lênh đênh trên biển, thuyền trưởng Dan Sandu quyết định thực hiện chuyến đi cuối cùng trước khi nghỉ hưu.

“Đừng lo lắng”, ông viết trong email cuối cùng gửi vợ vào tháng 4, khi đang trên chiếc MV Vantage Wave, một con tàu chở hàng từ Ấn Độ. “Mọi thứ sẽ ổn thôi”.

Thế nhưng, chuyện tồi tệ đã xảy ra. Thuyền trưởng Sandu đã chết và trớ trêu hơn nữa, thi thể của ông được giữ trong kho đông lạnh của con tàu suốt 6 tháng, gần chỗ lưu trữ thịt, rau củ của đoàn thủy thủ.

Các thuyền viên không thể đưa ông lên bờ vì những quy tắc nghiêm ngặt và không thống nhất của các bến cảng không cho phép tiếp nhận thi thể nghi bị nhiễm virus corona.

Mặc dù đại dịch Covid-19 đã dịu đi phần nào, nhưng những hạn chế vẫn còn, khiến những con tàu như Vantage Wave phải băng qua các đại dương, chỉ để tìm kiếm một bến cảng cho phép đưa thi thể xuống tàu, theo Wall Street Journal.

Vào tháng trước, khi trôi nổi ngoài khơi Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Vantage Wave tiếp tục cố gắng gửi yêu cầu trợ giúp. Đây là nước thứ 13 mà con tàu kiến ​​nghị. Trước đó, tất cả quốc gia đều từ chối. Điều đó khiến thi thể bị mắc kẹt trong nhiều tháng trên những con tàu chở hàng của thế giới, được cất giữ trong kho đông lạnh vốn dùng bảo quản thực phẩm.

“Những gì chúng tôi muốn chỉ là đưa cha về nhà,” con trai thuyền trưởng Vantage Wave, Andrei Sandu, cho biết. “Làm thế nào điều này có thể xảy ra vào năm 2021?”.

Chuyến đi cuối cùng

Thuyền trưởng Sandu (68 tuổi) sinh ra ở gần Biển Đen, đã dành phần lớn cuộc đời trên đại dương.

Suýt chút nữa, ông đã có thể tránh khỏi thảm kịch khi không lên tàu Vantage Wave.

Vợ ông, bà Gabriele, đã cầu xin ông đừng nhận nhiệm vụ mà ông hứa là lần cuối cùng của mình. Trước đó, bà đã thấy các báo cáo về một biến chủng Covid-19 mới hoành hành ở Ấn Độ, nơi con tàu sẽ bắt đầu hành trình.

“Thế nhưng, vì đã hứa với chủ tàu nên ông ấy vẫn quyết tâm đi”, bà Gabriele nói, trong tay cầm bức ảnh đen trắng của chồng mình hồi còn là một thủy thủ trẻ. “Nhưng tôi có một cảm giác tồi tệ về chuyến đi này. Tôi đã nói nhiều lần với ông ấy rồi, ông ấy không nên đi”.

thuy thu trong dai dich anh 2

MV Vantage Wave, con tàu cuối cùng mà thuyền trưởng Dan Sandu nhận nhiệm vụ. Ảnh: Wall Street Journal.

Vào ngày 27/3, thuyền trưởng Sandu đến Ấn Độ để lên Vantage Wave, con tàu chất đầy 25.000 tấn nhôm thỏi đang sẵn sàng khởi hành đến Quảng Châu, Trung Quốc.

Hai tuần sau, ông gọi cho vợ mình và thông báo một tin tức đáng lo ngại. Hai thành viên của thủy thủ đoàn bị ốm, và ông nghĩ họ mắc Covid-19. Một người bị sốt 39,5 độ C. Người này sau đó đã lên bờ hai lần để điều trị tại bệnh viện và trở lại với một túi thuốc. Ông chủ tàu người Hy Lạp cho biết anh ấy có kết quả xét nghiệm âm tính.

Vào ngày 15/4, con tàu tiếp tục hướng về phía đông nam Singapore, bỏ lại một thành viên thủy thủ đoàn vì mất quá nhiều thời gian để chờ nhận kết quả từ bệnh viện.

“Anh tự hỏi ai sẽ là người tiếp theo?”, ông Sandu gửi email cho vợ vào ngày hôm sau.

Hai ngày sau đó, bà nhận được một tin nhắn khác. Thuyển trưởng Sandu cho biết ông “hơi lạnh” và đã tự cách ly mình trong cabin. Thuyền phó đã được giao trách nhiệm chỉ huy con tàu.

Thủy thủ đoàn đã báo cáo các triệu chứng của ông với một trung tâm y tế trên đất liền, nơi kết luận thuyền trưởng Sandu có khả năng không mắc Covid-19, hãng tàu Vantage Shipping cho biết.

“Mọi thứ sẽ ổn thôi”, ông nói với vợ trong email. Nhưng hai ngày sau đó, gia đình nhận được tin dữ.

Khi đang lái xe vào giờ cao điểm ở thủ đô Bucharest của Romania, Andrei Sandu nhận được một cuộc gọi thông báo: Cha anh đã chết.

“Tôi đậu xe và ở đó nửa giờ”, anh nói. “Tôi không biết làm thế nào mà tôi xoay sở được để về đến nhà”.

Các thành viên trên tàu đã đưa thi thể của thuyền trưởng Sandu đến buồng đông lạnh. Đó là một căn phòng rộng 15 m2 được làm lạnh đến -34 độ C, nơi thường chứa một lượng lớn thịt, rau và các thực phẩm đông lạnh khác trong nhiều tuần. Không có túi đựng thi thể, họ buộc phải bọc thuyền trưởng của mình trong quần áo chống cháy và một tấm bạt.

Tại thời điểm này, con tàu đáng nhẽ đã có thể quay lại và đưa thi thể của ông xuống ở bến cảng Ấn Độ, nơi các hạn chế Covid-19 không quá khắt khe như tại các cảng Đông Á mà con tàu đang hướng tới.

Tuy nhiên, Nicholas Papalios, người sáng lập Vantage Shipping, cho biết việc này sẽ làm chậm trễ vận chuyển hàng hóa. Ông Papalios cho biết thêm Ấn Độ có thể sẽ không tiếp nhận thi thể của thuyền trưởng, người đã chết ở vùng biển quốc tế, và việc quay trở lại Ấn Độ khiến thủy thủ đoàn có nguy cơ cao mắc Covid-19.

thuy thu trong dai dich anh 3

Các bức ảnh của thuyền trưởng Sandu được gia đình lưu giữ. Ảnh: Wall Street Journal.

6 tháng trong buồng đông lạnh trên tàu

Ngày 22/4, tàu đến Indonesia với yêu cầu đưa thi thể thuyền trưởng Sandu vào bờ nhưng bị từ chối. Các thuyền viên trên tàu bắt đầu tranh cãi, thất vọng và không biết phải xử lý sao với thi thể người thuyền trưởng của mình.

Vantage Shipping đã cử các thành viên mới lên tàu, bao gồm cả một kỹ sư cấp cao người Hy Lạp, để giúp dập tắt các cuộc biểu tình. Trong 9 ngày, con tàu và thủy thủ đoàn đã kiên nhẫn chờ đợi trong cái nóng oi bức ở bờ biển Indonesia để tìm kiếm một giải pháp.

Ông Papalios cho biết các cảng ở Singapore, Malaysia và Thái Lan đã nhận được yêu cầu từ Vantage Shipping khi chủ tàu tìm kiếm nơi để đưa thi thể xuống.

“Họ thậm chí không muốn tàu của chúng tôi đi vào vùng biển của họ”, ông nói.

Cách đó hàng nghìn dặm, các nhà ngoại giao Romania ở Bắc Kinh và Thượng Hải cũng cố gắng vận động chính phủ Trung Quốc.

Thế nhưng, vào ngày 30/4, Đại sứ Romania tại Trung Quốc đã gửi một lời cảnh báo đanh thép tới Vantage Shipping: Trung Quốc sẽ không cho phép đưa thi thể vào bờ.

Đại sứ nói rằng con tàu nên quay trở lại cảng ban đầu là Ấn Độ, nơi mà chính phủ Romania nhận định là “cảng duy nhất cho phép neo đậu trong điều kiện này”.

Tuy nhiên, người sáng lập Vantage Shipping không đồng ý. Ông quyết tâm lên đường tới Quảng Châu.

“Chúng tôi phải kêu gọi Trung Quốc bằng mọi giá. Chúng tôi phải dỡ hàng”, ông nói.

Ngay sau khi mặt trời lặn vào ngày 6/5, con tàu ngừng động cơ bên ngoài Quảng Châu. Và nó đã neo đậu ở đấy suốt nhiều tuần, bất chấp thức ăn và nước uống dần cạn kiệt, trong khi chính quyền Trung Quốc từ chối hỗ trợ, theo tổ chức Nhân quyền trên biển.

Chủ tàu cho biết họ đã chi 5.000 USD mỗi ngày để duy trì hoạt động của tàu. Trong khi đó, trên bộ, cả ở Trung Quốc và Romania, các nhà ngoại giao, công ty bảo hiểm và đại lý cố gắng tìm kiếm một ngoại lệ trong chính sách chống Covid-19 nghiêm ngặt của Bắc Kinh.

Tại Bucharest, Bộ Ngoại giao Romania đã triệu tập các nhà ngoại giao Trung Quốc nhưng một lần nữa bị từ chối.

Chỉ đến ngày 17/7, một quan chức Trung Quốc mới gọi điện và cho biết một thuyền hoa tiêu đang đến để dỡ hàng hóa, chứ không phải thi thể.

Chủ tàu sau đó đã liên hệ với gia đình ông Sandus với đề nghị: Thi thể của thuyền trưởng sẽ được hỏa táng, hoặc nếu không, bị ném xuống biển.

“Họ nói rằng hoặc tôi sẽ không lấy lại được thi thể cha hoặc nó sẽ ở trong nước cùng cá. Họ đối xử với cha tôi như một thứ rác rưởi”, anh Andrei cho biết.

thuy thu trong dai dich anh 4

Ông Sandu bên cạnh vợ và cháu trai. Ảnh: Wall Street Journal.

May mắn, sau khi đi hàng nghìn dặm và xin hàng chục quốc gia giúp đỡ, cuối cùng, vào cuối tháng 9, UAE đã đồng ý cử một đội lên tàu, kiểm tra thi thể của thuyền trưởng Sandu và cho phép đưa ông hồi hương trong một chiếc quan tài kẽm.

Trên thực tế, việc thi thể thuyền viên mắc kẹt trên tàu chở hàng chỉ là một phần của vấn đề lớn hơn mà ngành hàng hải đang phải đối mặt trong đại dịch Covid-19.

Theo Liên đoàn Lao động Vận tải Quốc tế (ITF), có tới 1.000 thuyền viên bị bỏ lại trên các con tàu lênh đênh giữa biển mà không được trả lương trong năm nay. Họ không thể về nhà vì biên giới đóng cửa và các biện pháp cách ly phòng chống Covid-19.

Nguồn: News.zing.vn