
Dinh Độc Lập
Tọa lạc tại trung tâm quận 1 (TPHCM), Dinh Độc Lập từng là nơi làm việc của chính quyền Sài Gòn cũ. Tại đây, trưa 30/4/1975, xe tăng của quân giải phóng đã húc đổ cổng chính, chấm dứt chiến tranh, mở ra kỷ nguyên độc lập và thống nhất cho dân tộc Việt Nam.
Dinh Độc Lập vẫn còn lưu giữ những không gian mang dấu ấn lịch sử (Ảnh: Hoàng Giám).
Ngày nay, Dinh Độc Lập trở thành Di tích quốc gia đặc biệt, là điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước.
Kiến trúc độc đáo, không gian trưng bày mang đậm dấu ấn lịch sử, cùng với những căn hầm bí mật, đường thoát hiểm… đưa du khách sống lại thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc.
Địa chỉ: 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, quận 1, TPHCM
Giờ mở cửa: 8h-16h30 (ngưng bán vé lúc 15h30)
Giá vé: 40.000 đồng/người (20.000 đồng cho học sinh, sinh viên)
Bến Nhà Rồng – Bảo tàng Hồ Chí Minh
Bến Nhà Rồng, nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TPHCM, là một trong những di tích lịch sử quan trọng bậc nhất của Việt Nam, gắn liền với hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhiều tư liệu quý về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh được lưu giữ tại đây (Ảnh: Hải Long).
Được xây dựng vào ngày 4/3/1863 bởi hãng vận tải Messageries Maritimes của Pháp, Bến Nhà Rồng ban đầu là trụ sở và nơi neo đậu của tàu biển thuộc hãng này.
Tòa nhà chính có thiết kế theo phong cách phương Tây nhưng lại mang nét đặc trưng Á Đông với hai con rồng trên mái, đối đầu quay về phía mặt trăng, tạo nên tên gọi “Nhà Rồng”. Tại đây đang trưng bày nhiều hiện vật, tư liệu quý giá về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Địa chỉ: 1 Nguyễn Tất Thành, phường 12, quận 4, TPHCM
Giờ mở cửa: 7h-11h30 và 13h30-17h30
Giá vé: 20.000 đồng/người (miễn phí học sinh, sinh viên)
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh
Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh là điểm đến không thể bỏ qua trong dịp lễ 30/4. Đây là nơi lưu giữ hàng nghìn hiện vật, hình ảnh và tư liệu quý giá về cuộc kháng chiến chống Mỹ, phản ánh chân thực về chiến tranh và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Bảo tàng lưu giữ những hình ảnh, hiện vật và tư liệu chân thực về chiến tranh (Ảnh: Hoàng Giám).
Không gian trưng bày được thiết kế sống động, chân thực, giúp người xem cảm nhận sâu sắc về những mất mát, hy sinh của thế hệ cha ông.
Ngoài các phòng triển lãm trong nhà, khu trưng bày ngoài trời với máy bay, xe tăng, bom đạn thật cũng gây ấn tượng mạnh. Đến đây, người dân không chỉ hiểu hơn về lịch sử, mà còn thể hiện lòng tri ân những con người đã góp phần làm nên hòa bình hôm nay.
Địa chỉ: 28 Võ Văn Tần, quận 3, TPHCM
Giờ mở cửa: 7h30-17h30
Giá vé: 40.000 đồng/người/lượt
Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định
Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định là lưu giữ và tái hiện những ký ức hào hùng của lực lượng Biệt động Sài Gòn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Đây là căn nhà ba tầng có từ năm 1963, từng là cơ sở bí mật của lực lượng biệt động dưới sự chỉ huy của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (tức Năm Lai).
Nhiều kỷ vật liên quan hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định được trưng bày tại đây (Ảnh: Cẩm Tiên).
Nơi đây giữ nguyên kiến trúc cổ điển của ngôi nhà, bao gồm cả thang máy cổ với cửa sắt hoa văn tinh xảo và thùng gỗ khắc họa tiết, tạo nên một không gian đậm chất lịch sử.
Với diện tích hơn 100m2, bảo tàng trưng bày hơn 300 hiện vật quý giá, bao gồm vũ khí, vật dụng sinh hoạt, thiết bị thông tin liên lạc, và các tài liệu liên quan đến hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định.
Địa chỉ: 145 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, TPHCM
Giờ mở cửa: 7h30-17h
Giá vé: 50.000 đồng/người
Cà phê Đỗ Phủ – cơm tấm Đại Hàn
Được xây dựng từ thập niên 1940, căn nhà gỗ này từng là nơi bán cà phê và cơm tấm của vợ chồng ông Đỗ Miễn và bà Nguyễn Thị Sự. Trong thời kỳ kháng chiến, quán là điểm hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn.
Không gian quán được thiết kế theo phong cách cổ điển, mang đậm hơi thở Sài Gòn xưa. Ngôi nhà cổ được trang trí bằng món đồ cũ như đèn dầu, máy đánh chữ, đài radio…
Ẩn sau chiếc tủ quần áo tầng hai là lối xuống hầm trú ẩn bí mật, nơi từng được lực lượng biệt động Sài Gòn sử dụng để ẩn náu, chuyển thư mật trong suốt những năm kháng chiến.
Quán cà phê, cơm tấm này từng là “bình phong” của lực lượng Biệt động Sài Gòn (Ảnh: Nam Anh).
Quán nổi tiếng với món cơm tấm kết hợp kim chi, tạo nên sự pha trộn giữa ẩm thực Việt Nam và Hàn Quốc. Ngoài ra, thực đơn còn có các món như cơm tấm sườn, bì, chả, trứng, rau muống ngâm chua và nước mắm tỏi ớt pha ngọt kiểu miền Nam.
Địa chỉ: 113A Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1, TPHCM
Giờ mở cửa: 7h-22h
Giá vé: 50.000-70.000 đồng/phần
Địa đạo Củ Chi
Cơm tấm Đại Hàn – Cà phê Đỗ Phủ
Cách trung tâm TPHCM khoảng 70km về phía Tây Bắc, Địa đạo Củ Chi là một trong những “pháo đài ngầm” nổi tiếng của Quân Giải phóng miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Với hệ thống đường hầm dài hơn 200km xuyên lòng đất, địa đạo đã trở thành biểu tượng cho ý chí kiên cường và trí thông minh của người Việt.
Nhiều hoạt động trải nghiệm, tham quan “thành phố trong lòng đất” ở Địa đạo Củ Chi (Ảnh: Nam Anh).
Địa đạo được đào thủ công bằng cuốc xẻng từ thập niên 1940, sau được mở rộng và phát triển quy mô trong thời kỳ chiến tranh. Bên trong lòng đất là cả một “thế giới ngầm” gồm phòng họp, kho chứa lương thực, hầm ở, bệnh xá, nhà bếp khói không lộ, thậm chí cả xưởng chế tạo vũ khí, tất cả đều được thiết kế tinh vi để vừa sinh hoạt, vừa chiến đấu trong lòng đất.
Sau khi bộ phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối ra mắt, địa đạo Củ Chi trở thành điểm đến hấp dẫn nhiều người dịp 30/4.
Địa chỉ:
Địa đạo Bến Dược: Ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi.
Địa đạo Bến Đình: Ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi.
Giờ mở cửa: 7h30-17h
Giá vé vào cổng: 35.000-75.000 đồng/người (trẻ em giảm một nửa)
Giá vé hoạt động chui hầm: 20.000 đồng/người
Giá vé Khu tái hiện Vùng giải phóng: 85.000 đồng/người
Chiến khu Rừng Sác
Cách trung tâm TPHCM khoảng 50km, chiến khu Rừng Sác từng là căn cứ địa chiến lược trong kháng chiến chống Mỹ. Địa hình hiểm trở với rừng ngập mặn, sông ngòi chằng chịt đã giúp nơi đây trở thành “mê cung xanh” giữa vùng sông nước của Trung đoàn 10 Đặc công.
Ngoài ý nghĩa lịch sử, rừng Sác Cần Giờ còn được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đây là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thiên nhiên, đam mê khám phá hoặc mong muốn tìm hiểu về những trang sử vàng của dân tộc.
Chiến khu Rừng Sác là căn cứ địa cách mạng nổi tiếng của lực lượng đặc công Việt Nam trong kháng chiến (Ảnh: Phạm Nguyễn).
Không chỉ hấp dẫn bởi cảnh sắc hoang sơ, không khí trong lành, du khách còn có thể trải nghiệm đi ca nô len lỏi qua rừng đước, lắng nghe câu chuyện chiến đấu hào hùng qua lời kể của hướng dẫn viên.
Chiến khu Rừng Sác có lợi thế gần thành phố, đường đi thuận tiện, du khách hoàn toàn có thể lên kế hoạch đi về trong ngày.
Địa chỉ: Xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TPHCM
Giờ mở cửa: 7h30-17h
Giá vé: 35.000/người
Giá vé phục vụ, hướng dẫn viên: 35.000/khách Việt Nam, 65.000 đồng/khách quốc tế
Nguồn: Dantri